Những thẩm định viên sách giáo khoa... bất đắc dĩ!

11/12/2019 06:26
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Có thể coi đây là những “thẩm định viên” bất đắc dĩ vì việc chọn lựa sách giáo khoa không thể đơn giản như lựa bó rau, miếng thịt, con cá ngoài chợ…

LTS: Đưa ra những chia sẻ về việc thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa cho năm học mới, tác giả Lê Lam Hồng đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Theo kế hoạch giảng dạy chương trình giáo dục mới, từ năm học tới (2020 – 2021) sẽ triển khai dạy sách giáo khoa tiểu học.

Vấn đề đặt ra là trong tổng số 32 bộ sách thì việc chọn bộ sách nào để dạy cho phù hợp với địa phương, đơn vị mình ? Vì thế, các trường sẽ thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Sách giáo khoa tại cửa hàng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Sách giáo khoa tại cửa hàng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Thành phần hội đồng có đầy đủ ban bệ, trong đó không thể thiếu những giáo viên cốt cán, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy.

Có thể coi đây là những “thẩm định viên” bất đắc dĩ vì việc chọn lựa sách giáo khoa không thể đơn giản như lựa bó rau, miếng thịt, con cá ngoài chợ… Đó là tầm hiểu biết phải có chiều rộng lẫn chiều sâu. Đó còn là kỹ năng đọc cộng với những kỹ năng so sánh, đối chiếu, thống kê, tổng hợp, phân tích…

Tất cả những kiến thức, kỹ năng này phải được học qua trường lớp, bài bản, có thực hành, trải nghiệm mới có sự nhuần nhuyễn trong công việc thẩm định; đánh giá một công trình, một cuốn sách…

Hơn nữa, một số các vị làm việc ở cấp Sở, cấp Phòng bao lâu nay không trực tiếp giảng dạy, không tiếp xúc với chương trình đã dạy từ góc độ thực tiễn thì việc thẩm định sách giáo khoa cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc “phán” theo người khác.

Không biết “mặt mũi” 32 bộ sách giáo khoa tiểu học như thế nào mà nay ở trên mới chỉ “nhá” vài thủ tục chọn lựa, đã làm cho bàn dân thiên hạ nháo nhào lên. Việc chọn sách có cần thủ tục rườm rà, ban bệ to nhỏ “ngồi cho đủ mâm, đủ bát” như vậy hay không?

Liệu có xảy ra tình trạng năm học này chọn bộ chọn sách này, dạy được một năm thấy không hợp lý, năm sau lại chọn bộ sách khác hay không?

Liệu có sự đồng đều về chất lượng trong cùng một bộ sách cùng tác giả (nhóm tác giả) hay tác giả A (nhóm A) thì được cuốn Tiếng Việt; tác giả B (nhóm B) thì được cuốn Toán…?

Trăn trở của một Hiệu trưởng trước việc chọn sách giáo khoa lớp 1

Nhưng dù có cách thức chọn như thế nào đi chăng nữa thì việc có nhiều bộ sách sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dạy và người học.

Sách của nhóm (tác giả) nào được chọn nhiều nhất chưa hẳn đã chất lượng bằng sách của tác giả, nhóm khác. Vì biết đâu họ được “định hướng”, được “lăng xê” vì những vấn đề tế nhị ngoài chuyên môn.

Trở lại với những “thẩm định viên” bất đắc dĩ, việc chọn được cuốn sách giáo khoa “mười phân vẹn mười” là điều rất khó. Nếu giáo viên dạy phù hợp, học sinh tiếp thu tốt thì người thẩm định, chọn lựa được khen là “có con mắt tinh đời”.

Nhưng nếu sách mua về dạy khó, học sinh khó tiếp thu thì bao nhiêu tội vạ đổ lên đầu các “thẩm định viên” bất đắc dĩ này.

Việc có nhiều bộ sách là tín hiệu mừng cho ngành giáo dục: sách nào hay, chất lượng cao thì sẽ được chọn và ngược lại. Từ đó, có sự tác động qua lại mạnh mẽ giữa người biên soạn sách và người trực tiếp truyền tải kiến thức.

Không biết người khác thấy thế nào, tôi chỉ thấy thương cho những người được giao trọng trách là chọn sách học cho các em.

LÊ LAM HỒNG