Con quan chức nhận tiền tỷ đi học không về, Quảng Ngãi thu hồi gấp hai lần

11/12/2019 06:11
AN PHONG
(GDVN) - Bốn trường hợp này được cử đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhưng kết thúc khóa đào tạo không về công tác tại địa phương như đã cam kết.

Ngày 10/11, Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho hay, vừa ban hành bốn quyết định về việc thu hồi kinh phí đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài đối với bốn trường hợp.

Một quyết định thu hồi kinh phí đào tạo do Sở Nội vụ Quảng Ngãi ban hành. Ảnh: AP
Một quyết định thu hồi kinh phí đào tạo do Sở Nội vụ Quảng Ngãi ban hành. Ảnh: AP

Cụ thể, các trường hợp bị yêu cầu thu hồi và đền bù chi phí đào tạo lần này gồm: ông Phạm Thành Việt (hơn 1,9 tỉ đồng), bà Huỳnh Thị Lan Viên (hơn 2,05 tỉ đồng); bà Nguyễn Lê Ngọc Hà (gần 2,4 tỉ đồng); bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (gần 3,5 tỉ đồng).

Theo quyết định được ban hành thì nhà nước sẽ thu hồi gấp hai lần kinh phí đã hỗ trợ cho các trường hợp nói trên.

Lý do, kết thúc khóa đào tạo nhưng không về công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi như đã cam kết.

Sở cũng yêu cầu các cá nhân nói trên phải có trách nhiệm nộp đủ số tiền  theo quy định với tổng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng.

Ước nguyện của những “nhân tài” từng dùng tiền nhà nước đi học

Theo tìm hiểu, cả bốn trường hợp nói trên đều là con của các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Điển hình như: ông Phạm Thành Việt là con ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi;

Bà Huỳnh Thị Lan Viên là con của ông Huỳnh Chánh -  Giám đốc sở Tài chính Quảng Ngãi; bà Nguyễn Lê Ngọc Hà là con của ông Nguyễn Chín - nguyên trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi (đã nghỉ hưu);

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là con ông Phạm Thanh Hải - nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Trước đó, ngày 29/5/2012, Ủy ban nhân dân đã ban hành đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Mục đích của đề án này là xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các trường hợp đi học sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ 100% học phí và các chi phí bắt buộc phải nộp cho cơ sở đào tạo.

Trước đó, Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương mở đầu cho câu chuyện khởi kiện “nhân tài” ra Tòa án để thu hồi kinh phí đào tạo.

Trong số 616 người được cử đi học theo đề án 922 của Đà Nẵng thì 93 học viên vi phạm, ra khỏi đề án, nhiều trường hợp bị khởi kiện.

Vì sao nhân tài học xong thì đi mãi không về?

Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng thì địa phương này đã khởi kiện 32 “nhân tài” ra Tòa án nhân dân các cấp để yêu cầu bồi hoàn kinh phí theo hợp đồng ban đầu.

Trong đó, có nhiều học viên phải bồi thường số tiền lên đến 2-3 tỷ đồng/học viên. Tổng số tiền thu hồi hơn 89 tỷ đồng cho ngân sách.

Qua quá trình triển khai đề án 922 (cử nhân tài đi học bằng nguồn ngân sách) đã phát sinh hàng loạt bất cập.

Trong đó, có việc học viên đi học trở về nhưng khó bố trí công việc, khó hòa nhập vào môi trường làm việc...

Đến nay, Đà Nẵng đã tạm dừng phương án này để chuyển sang thu hút nhân tài hiệu quả hơn.

AN PHONG