Trung tâm Hy vọng của bác sĩ, nhà giáo Đỗ Thúy Nga ngoài bình thường như những căn nhà khác, bình yên và lặng lẽ trong địa chỉ số 4 ngách 82/189 trên đường Kim Mã (Hà Nội)
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và Chăm sóc trẻ em, rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình.
Tâm huyết với việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ, sau khi nghỉ hưu, bà mở Trung tâm Hy Vọng.
Có lẽ cũng không nhiều người biết đây là lớp học của Trung tâm Hy Vọng (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội), nơi thắp sáng niềm hy vọng cho 300 trẻ khuyết tật về trí não trong 15 năm qua.
Những “vầng trăng khuyết” ấy đang được “bà giáo”, bác sĩ Đỗ Thúy Nga cùng các cộng sự níu kéo hy vọng cho các con.
Ở cái tuổi gần 80, nhiều người đã nghỉ ngơi, nhưng bà bác sĩ già vẫn mải miết làm việc, vẫn gắn bó với những tiếng cười, tiếng khóc, những tiếng gọi "mẹ ơi, bà ơi"của những đứa trẻ thiệt thòi.
Nhìn những đứa trẻ thiệt thòi đang ú ớ học từng chữ, từng câu thật khó để cầm được nước mắt.
Sau sự tiến bộ ánh mắt thơ ngây đang chiến đấu với sự lạc nhịp của cơ thể là cả nỗ lực của cô và trò.
Có trẻ chỉ cần điều khiển đúng chiếc thìa cho vào miệng ăn cơm thôi cũng đủ toát mồ hôi, tiếng bập bẹ "bà, bà" của những đứa trẻ 6 - 7 tuổi khiến nhiều người rơi nước mắt.
Các tình nguyện viên đang nói chuyện với một trẻ tự kỷ ở trung tâm Hy Vọng. Ảnh: LC |
Hiện tại, trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Đỗ Thúy Nga đang chăm sóc gần 60 cháu mang trong mình nhiều loại bệnh: Đao (Bệnh Down), bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ...
Những “mẹ hiền” lặng thầm mà cao cả |
Nói về những đứa trẻ thiệt thòi, bác sĩ Nga cho biết, những đứa trẻ thiệt thòi này đều như những "vầng trăng khuyết", các em vẫn có quyền được sống, học tập và vui chơi như bao đứa trẻ khác.
Thế nhưng, dạy được chúng phải có những phương pháp cụ thể.
Theo bác sĩ Nga, để dạy được những đứa trẻ này là cả một quá trình giáo dục mệt nhọc và vất vả.
Hơn ai hết, bố mẹ, thầy cô giáo phải thật sự kiên nhẫn, dạy trẻ bằng tấm lòng yêu thương con trẻ. Mọi sự nóng vội đều khiến công sức đổ sông, đổ bể hết cả.
Bởi, mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, hay một câu nói bình thường có trẻ phải học cả tuần.
Một bài thơ, các em phải học nhiều tuần mới thuộc đó là chưa nói đến việc các em bị tăng động, đang ngoan bỗng dưng các em lại phá phách, nôn trớ…
Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng 1 trẻ khuyết tật. Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá...
Đặc biệt, với những bé gái bị thiệt thòi, khi cơ thể của các em phát triển vào thời kỳ dậy thì là các cô vất vả nhất. Các em không thể làm chủ cơ thể, hành vi nên rất khó khăn cho các cô giáo.
Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ.
Các tình nguyên viên chia sẻ, chơi cùng các trẻ tự kỷ. Ảnh: LC |
Ở Trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Nga, chúng tôi bất ngờ với một số giáo viên là người nước ngoài.
Nói về những giáo viên đặc biệt này, bà Đỗ Thúy Nga cho biết: “Đây đều là những tình nguyện viên từ châu Âu họ sang hỗ trợ trung tâm. Hiện ở trung tâm cũng đang đón nhiều tình nguyện viên từ nhiều nước trên thế giới đến.
Các bạn đều rất nhiệt tình chia sẻ góp phần níu kéo hi vọng cho các em".
Trung tâm Hy Vọng không chỉ rèn kỹ năng, mà còn phải dạy cho các con học văn hóa. Chương trình dạy cho các em ở đây cũng rất đặc biệt.
Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng. Vào đầu năm học, các cô nhận trẻ, xây dựng chương trình riêng và trao đổi với bố mẹ các em.
Trò chơi trong lớp học ở trung tâm Hi Vọng. Ảnh: LC |
Sau đó, Giám đốc Trung tâm duyệt lại và thống nhất với các cô để triển khai. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo không ngừng, thậm chí là sáng tạo trong từng giờ học.
Trung tâm cũng đưa Yoga vào chương trình học vì khi tập Yoga, trẻ rất thích, khỏe ra.
Bố mẹ các trẻ cũng ủng hộ.
Sở dĩ có việc này bởi theo bác sĩ Đỗ Thúy Nga, các gia đình có trẻ có hoàn cảnh đặc biệt không nên tuyệt vọng bởi nếu được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Những trò chơi tập thể giúp các em hòa đồng và tự tin hơn. Ảnh: LC |
Tại trung tâm Hy Vọng, nhờ yêu thương trẻ và trải qua phương pháp chăm sóc khoa học, đến nay đã có 60% học sinh lớp A1 (là những em sau khi được chăm sóc có trạng thái tâm lý trở lại bình thường) biết đọc, biết viết; 90% biết giao tiếp như chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ.
Ở trung tâm hi vọng của Bác sĩ Đỗ Thúy Nga đã từng có học viên sau khi tốt nghiệp đạt học bổng du học Mỹ.
Một số hình ảnh tại trung tâm Hy vọng:
Trẻ ở trung tâm Hy vọng được chơi, vui vẻ, thông qua các hoạt động các em dần dần hòa nhập cộng đồng. Ảnh: LC |
Lịch học cụ thể tại trung tâm Hy vọng của bác sĩ Đỗ Thúy Nga. Ảnh: LC |
Thời khóa biểu từng lớp theo từng tình trạng của trẻ. Ảnh: LC |
Lớp học Yoga. Ảnh: LC |
Hình ảnh học viên cũ tại trung tâm Hy Vọng. Các em đã ra trường và hòa nhập cộng đồng. Ảnh: LC |
Trung tâm cũng đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm hỏi, làm việc. Ảnh: LC |
Các em đều đã hòa nhập cộng đồng và phát triển tốt. Ảnh: LC |
Trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Đỗ Thúy Nga. Ảnh: LC |
Từ một nhóm trẻ gồm khoảng 10 cháu lúc ban đầu, đến nay, sĩ số các em ở trung tâm Hy Vọng duy trì ở mức khoảng 70 trẻ, chia làm 4 lớp. Không chỉ tiếp nhận trẻ em ở địa bàn Hà Nội, trung tâm còn tiếp nhận trẻ em ở hơn 20 tỉnh và thành phố, như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... |