Tiếp theo bài trước: Thiếu đại học đẳng cấp quốc tế, thừa cơ sở không có người học
Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.
Đến dự buổi Tọa đàm này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chia sẻ quan điểm:
“Trong chủ quan cũng như trong lịch sử để lại, cái lãng phí nó gắn với thực tiễn biến động rất nhanh, cộng với khả năng thu chi ngân sách vừa bất thường và khó lường, đây cũng là một nguyên nhân.
Nguyên nhân nữa là thiếu nhận thức, thiếu thông tin đầy đủ về giáo dục đại học cũng như đầu tư công cho giáo dục đại học.
Chúng ta thiếu một cơ chế về định mức và cách làm, định mức thì cũ và cách làm đã lạc hậu. Do đó chúng ta cứ kéo dài mãi cái cũ và lạc hậu, phát sinh mặt trái, phát sinh lạc hậu.
Chúng ta tạo ra xung đột lợi ích, lợi ích nhóm cũng như tư duy nhiệm kỳ trong quá trình điều hành của từng ê kíp, của từng nhiệm kỳ. Trong khi chính sách lại khuyến khích và kéo dài việc này.
Chúng ta thiếu hẳn bộ phận lãnh đạo có tài, có trách nhiệm và đủ quyền, đủ công tâm trong mọi chuyện, đặc biệt là chưa có cơ chế trách nhiệm cá nhân rõ ràng, thậm chí cả trách nhiệm tập thể cũng không rõ ràng".
Trên tinh thần đó Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong có những kiến nghị sau:
"Trước hết chúng ta cần có sự rà soát lại, và làm lại các quy hoạch theo hướng từ cấp quốc gia xuống đến tận cấp địa phương, bao gồm cả về đất đai, quy hoạch các trường, các nhiệm kỳ cơ sở, để đảm bảo tránh trường hợp trùng lặp hoặc bị thừa, cũng như sự điều chỉnh tùy tiện các quy hoạch.
Khi có một quy hoạch như vậy tốt cộng với khả thi, phù hợp với các trường đại học, thì mới tạo ra được hiệu ứng cho đầu tư.
Tôi ví dụ: Con đường Đèo Cả đi xuyên núi dài 2 km với tổng chi phí 30 nghìn tỷ đồng, sau khi quy hoạch xong xuôi thì chủ đầu tư chỉ vẽ lại một chút dài hơn 2 km đường dẫn, nhưng bới đi 1 km đường chui hầm là tiết kiệm được 1/4 số vốn ban đầu.
Phải ra soát và đổi mới định mức, cách cấp kinh phí cho đầu tư đại học, nhưng chúng ta không có cơ chế cách thức nào, và giáo dục phổ thông là theo đầu người dân, chứ không phải theo định mức đặt ra.
Vậy tôi đề nghị cần phải đổi mới nhiều hơn nữa và có một hướng quan trọng đó là nhà nước đặt hàng đào tạo theo đầu sinh viên có yêu cầu đầu ra, còn các trường phải tự chủ hơn, kêu gọi xã hội hóa vào đó.
Thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án 1000 ha đất kéo dài 16 năm |
Tư nhân hoàn toàn có thể xây trường và tự mình làm, nếu họ nhận được học bổng, các đơn đặt hàng đào tạo thì họ sẽ đào tạo, như vậy nhà nước sẽ tập trung vào đào tạo theo đúng định hướng lao động của xã hội. Như vậy sẽ thay đổi hẳn định mức đầu tư.
Cần tăng đầu tư có trọng điểm theo cơ cấu lao động đào tạo mục tiêu, kiểm soát đầu ra chất lượng để đảm bảo tính quốc gia, quốc tế và đặc biệt tuân thủ bằng cấp của khu vực, từ đó sẽ giảm thiểu tình trạng thất nghiệp hoặc đào tạo lại.
Cần tăng liên kết đầu tư công tư xã hội hóa ở lĩnh vực này nhiều hơn nữa, việc này chúng ta đã có đề án rồi, cùng với đó là tăng bình đẳng công tư trong đại học, việc bình đẳng công tư khác với xã hội hóa.
Có nghĩa là nhà nước đặt đầu tư đại học công và tư như nhau, để chúng ta xác lập đầu ra chuẩn như nhau, xác lập các đầu tư của nhà nước cũng như nhau, quyền tiếp cận của họ với đầu tư của nhà nước cũng được như nhau.
Phải tăng trách nhiệm phối hợp giữa các ngành và tăng công khai các quy hoạch, các chế độ, định mức và tăng giám sát thanh kiểm tra, tăng kiểm toán hiệu quả đầu tư cũng như trách nhiệm đầu tư của những người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm. Nếu như chúng ta không làm điều này thì không ai có trách nhiệm cả.
Cần phải đổi mới quản lý đầu tư công và giáo dục đại học nói riêng, trong tổng thể đổi mới đề án giáo dục quốc gia nói chung, có như vậy mới tạo ra được hệ thống, không thì vẫn cứ xé lẻ và bỏ nhỏ.
Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”. Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14. Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. |