Mỗi năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo thường ra đề kiểm tra học kỳ một số môn để nắm tình hình dạy và học ở các nhà trường. Chính vì thế, có một thực tế là nhiều thầy cô giáo và học sinh rất sợ khi Sở ra đề môn học, khối học của mình, nhất là những trường khó khăn, những trường có mặt bằng chất lượng thấp hơn.
Việc nhà trường, giáo viên và học sinh ngại đề của Sở cũng là điều dễ hiểu bởi việc ôn tập sẽ nặng hơn rất nhiều cho cả thầy và trò. Trong khi đó, nếu kết quả kiểm tra thấp thì giáo viên và nhà trường sẽ đón nhận những lời chỉ trích, phê bình từ cấp trên của mình.
Chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường có sự chênh lệch rất lớn (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Khi kiểm tra học kỳ, nếu là đề trường ra thì học sinh được giới hạn ở những đơn vị kiến thức nhất định, các em có đề cương và thầy cô ôn tập trọng tâm để hướng tới đề bài kiểm tra nên việc ôn tập cũng nhẹ nhàng.
Nhưng, nếu là đề Sở ra thì tất nhiên học sinh phải học tất cả kiến thức môn học đó trong cả học kỳ mà không dám bỏ bài nào. Giáo viên hướng dẫn cũng vất vả mà không dám giới hạn nội dung ôn tập cho học trò.
Bởi, đề Sở ra nên có nhiều khi thầy cô ôn những bài được xem là trọng tâm thì đề lại không ra ở chỗ đó. Thành ra, để an toàn, giáo viên và học trò đều phải “cày ải” toàn bộ kiến thức đã học.
Giáo viên chỉ có thể nhấn mạnh với học sinh một số bài học có khả năng ra đề cao nhưng luôn phải lưu ý học trò phải ôn tất cả các đơn vị kiến thức đã học. Chính vì vậy, tất nhiên thầy cũng mệt, trò cũng mệt mà khi làm bài thì điểm thường rất thấp.
Học trò thành phố làm bài nhẹ nhàng nhưng học trò quê thì nhiều em không làm được
Chính vì việc ra đề cho học sinh trên toàn tỉnh nên phần nhiều đề kiểm tra học kỳ phải tính toán để các đối tượng học sinh đều có thể làm được những câu đơn giản. Tuy nhiên, thực tế thì đề của Sở thường nặng về kiến thức hơn đề trường rất nhiều.
Cái khó của đề Sở là ra đề chung cho học sinh cả tỉnh cùng một đề. Nhưng, điều kiện kinh tế, chất lượng giảng dạy và học tập của mỗi địa bàn đều có sự chênh lệch nhất định.
|
Học sinh ở những khu vực đô thị, khu vực có điều kiện thì đương nhiên các em sẽ làm bài tốt hơn. Vì đa phần học sinh ở đây có điểm xuất phát cao hơn, các em được gia đình kèm cặp từ nhỏ, được học thêm nhiều hơn, đi học cũng đều hơn.
Những học sinh ở quê thì thường ít được đầu tư hơn, rất ít khi học thêm, nhiều em đi học thì bữa đi bữa nghỉ, thậm chí có những em nghỉ nhiều ngày, đến khi kiểm tra học kỳ thì thầy cô vận động vào kiểm tra. Chính vì thế mà kết quả của học sinh ở các khu vực luôn khác nhau một trời một vực.
Chẳng hạn như môn tiếng Anh, học sinh ở phố thì được học từ nhỏ, các em tiếp xúc với tiếng Anh sớm, được học thêm nhiều ở các trung tâm, tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo, trong đó có cả người nước ngoài nên không chỉ học tốt phần viết mà phần nghe, phần nói của các em cũng khá tốt.
Hơn nữa, nhiều học sinh có cha mẹ, anh chị…cũng có khả năng tiếng Anh tốt nên các em ở được kèm cặp, trò chuyện bằng ngôn ngữ tiếng Anh thường xuyên. Ngoài ra, các em còn được đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều kênh học tập khác nữa.
Chính vì thế, khi tiếp cận với các đề kiểm tra học kỳ thì các em cảm thấy rất nhẹ nhàng bởi phần lớn học sinh ở thành phố đã có trình độ tiếng Anh cao hơn kiến thức mà đề Sở ra.
Thế nhưng, dù đề nhẹ thì học sinh ở quê vẫn gặp rất nhiều khó khăn đối với môn tiếng Anh bởi học sinh ở đây chủ yếu là học với thầy cô trên lớp, ngoài ra rất ít được học hỏi thêm ở các kênh khác như học sinh thành thị.
Tuy nhiên, đề Sở ra thì học sinh thành thị, học sinh ở những khu vực vùng sâu, vùng xa cũng đều chung kiến thức như nhau, đáp án như nhau nên điểm chênh lệch là điều tất yếu.
Sở chỉ nên ra đề đối với những lớp học cuối cấp
Thực tế, việc Sở ra đề ở nhiều khối học của cấp Trung học phổ thông và Trung học cơ sở cũng có nhiều ưu điểm để lãnh đạo có cái nhìn toàn cục về chất lượng giữa các địa bàn với nhau.
Đề kiểm tra học kỳ của trường sai thì phê bình, đề của chuyên viên sai thì lờ đi |
Tuy nhiên, đối với học sinh cấp Trung học phổ thông thì dễ bởi đa phần các em vào cấp học này cũng đã qua thi tuyển, được sàng lọc rồi nên học trò có ý thức tốt hơn về việc học tập hàng ngày.
Đối với cấp Trung học cơ sở thì lại hoàn toàn khác bởi học sinh cấp học này vừa từ Tiểu học lên nên học sinh còn quá nhỏ, chưa có sự sàng lọc về chất lượng, cũng chưa trải qua kỳ thi nào quan trọng.
Vì thế, Sở có ra đề ở cấp học này chỉ nên ra đề ở lớp 9 vì các em chuẩn bị có kỳ thi chung là thi tuyển sinh 10. Hoặc, những địa phương có điều kiện tương đồng thì Sở cả nên ra đề chung cho các khối lớp, nếu có sự chênh lệch lớn về điều kiện thì cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Theo chúng tôi, đối với các khối lớp 6,7,8 thì Sở Giáo dục không nhất thiết phải ra đề bởi độ chênh lệch về chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường rất lớn. Nhiều học trò không làm được bài, nhất là đối với môn tiếng Anh và môn Toán.
Phần lớn 2 môn này mà đề Sở ra là các trường vùng sâu chủ yếu chỉ đạt điểm yếu, kém, rất ít em có điểm trên trung bình. Đây là thực trạng chung trong những năm qua mỗi khi Sở thống kê điểm sau mỗi học kỳ.
Chính vì vậy, nếu cần ra đề chung thì chỉ nên để Phòng ra đề cho các lớp 6,7,8 sẽ phù hợp hơn. Bởi độ chênh giữa các xã (phường) trong phạm vi quản lý của Phòng Giáo dục không lớn.
Thực tế, những thầy cô dạy ở những trường khó khăn họ cũng luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, đặc điểm của các trường khó khăn khác xa hoàn toàn với các trường thị thành. Trong khi đề kiểm tra của Sở thì không phải lúc nào cũng chú ý được vấn đề này.