Kiểm tra đánh giá học sinh là một quá trình trong hoạt động giáo dục của nhà trường, nhằm củng cố kết quả học tập của các em.
Chương trình mới việc kiểm tra đánh giá có thay đổi? (Ảnh minh họa Báo Tây Ninh) |
Thông qua kiểm tra đánh giá, giáo viên biết học sinh còn hổng kiến thức nào để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo.
Bên cạch đó, phụ huynh cũng hiểu rõ về lực học của con để kết hợp với giáo viên có biện pháp kèm cặp.
Có thể nói, hoạt động kiểm tra đánh giá trong các trường học là vô cùng quan trọng. Để kiểm tra đánh giá học sinh một cách khách quan, thực chất thì phụ thuộc rất nhiều vào đề kiểm tra.
Thế nhưng hiện nay, không ít trường học ở cả ba cấp học, Ban giám hiệu, giáo viên lại luôn sử dụng lại những đề kiểm tra đã cũ của các năm. Điều này, đã tạo ra nhiều bất cập như việc cho kết quả không công bằng.
Vòng quay của đề kiểm tra
Thường thì mỗi trường đều có một ngân hàng đề kiểm tra. Ngân hàng đề này, hàng năm liên tục được bổ sung đề mới. Mỗi khi có kiểm tra đánh giá, nhà trường sẽ bốc thăm ngẫu nhiên vài đề.
Nhưng luôn xảy ra tình trạng nhiều đề lại khá giống nhau đôi khi giống đến từng dấy phẩy. Bởi thế, mới xảy ra tình trạng học sinh trúng đề và đạt điểm cao ngất ngưỡng.
Khi giáo viên ra đề, một số thầy cô giáo không tự mình ra đề mới mà lấy lại các đề cũ đã thi của mấy năm trước.
Họ chỉ cần vài động tác như copy đề này câu 1,2, copy đề kia câu 3,4 là hoàn chỉnh ngay một đề mới.
Hoặc các thầy cô trao đổi, xin đề của nhau rồi trộn lại, phân ra là có ngay một đề mới. Biện pháp làm này nhiều người gọi vui là “xáo hoặc xào đề”.
Vì thế, những đề trong ngân hàng đề cũng chẳng khác nhau là mấy, điều khác duy nhất đôi khi chỉ là số liệu còn các dạng bài thì y chang nhau.
Đề nộp lên trường, hiệu phó là người quản lý. Gặp hiệu phó nhiệt tình thì khi thi chọn đề một cách công khai (dù thế đề này vẫn gần giống đề kia nhưng mức độ giống nằm ở khoảng 70-80%). Người lười hơn cứ lấy y chang đề năm ngoái cho học sinh năm nay kiểm tra.
Nhiều học sinh trúng tủ
Một số giáo viên cho biết, với cách làm đề, cách giữ đề như thế thì chuyện đoán đề năm nay sẽ kiểm tra nội dung kiến thức nào? Những dạng bài tập nào? cũng chẳng khó gì với nhiều thầy cô.
Một số giáo viên luôn cất giữ đề thi các năm nên biết khá rõ “cái tẩy” của hiệu phó trường mình là luôn dùng lại đề cũ.
Vì thế, mỗi lần thi xong giáo viên đều cất giữ lại đề. Đến ngày ôn tập, thầy cô cứ đưa những đề này ra luyện cho các em.
Với học sinh tiểu học, các em được thầy cô cho luyện đề bằng cách ôn tới, ôn lui hàng tuần liền, ôn đến mức nhuần nhuyễn. Có em chỉ cần đọc câu hỏi ra là đã xướng ngay kết quả chính xác.
Vào kiểm tra, thường thì đề yêu cầu học sinh làm 45 phút nhưng có em chỉ cần 10 phút đã làm xong.
Nhờ thế, học sinh tiểu học thường đạt 100% điểm từ 5 trở lên.
Với lớp lớn hơn, chuyện đoán đúng đề kiểm tra cũng không có gì khó. Có giáo viên bật mí cho học sinh chỉ nên học bài này, bài nọ và tập trung giải toán theo một số dạng cụ thể…
|
Nghe lời thầy cô, nhiều em chỉ học xung quay những gợi ý đó vàlàm bài khá tốt.
Khó đánh giá chất lượng thật
Nhờ trúng tủ, nhiều em có lực học yếu, trung bình lại đạt điểm 9,10.
Ngược lại những em học sinh giỏi không học tủ như thầy cô bật mí mà tự ôn tập, kết quả đôi khi thua cả những học sinh trung bình.
Kiểu thi kiểm tra như thế, chắc chắn không thể đánh giá được chất lượng thật của học sinh. Nhưng chẳng hề gì vì thầy cô cần đủ chỉ tiêu trên ra còn học sinh lại đạt được điểm số mình mong muốn để làm đẹp lòng phụ huynh.
Thế là một đề kiểm tra cũ được ôn từ trước nhưng vẫn làm cho nhiều người vui. Năm này như thế, năm sau cũng thế…đã trở thành chuyện bình thường.
Chương trình mới sắp triển khai sẽ có nhiều cái mới trong dạy học và giáo dục học sinh.
Câu hỏi được nhiều người thắc mắc việc kiểm tra đánh giá có thay đổi hay không? Hay vẫn lại “Lối cũ ta về” thì đổi mới sẽ trở nên vô nghĩa.