Phòng, Sở phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Nội dung 4, Điều 7 quy định về quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo như sau:
“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch, chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động giáo dục, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; công tác tuyển sinh, thi, xét duyệt, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.”
Còn nội dung 7, Điều 2 quy định về quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo:
“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo về thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn, việc thực hiện chính sách đối với người học, các điều kiện đảm bảo của các cơ sở giáo dục công lập; công tác tuyển sinh, thi, xét duyệt, cấp văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục; công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập ở địa phương và các hoạt động giáo dục khác theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Giáo viên sợ nhất điều gì khi Phòng, Sở Giáo dục ra đề? (Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn) |
Chiếu theo quy định trên thì Phòng, Sở thực hiện nhiệm vụ chuyên môn – một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Chính vì vậy, Phòng, Sở sinh hoạt chuyên môn theo quyền hạn, nhiệm vụ, trong đó có việc ra đề, thẩm định đề trong các kì kiểm tra, kì thi.
Cụ thể, chuyên viên Phòng lo nhiệm vụ chuyên môn của bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Còn chuyên viên của Sở, lo nhiệm vụ chuyên môn của bậc Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Với tình hình hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa thể giao nhiệm vụ ra đề kiểm tra, đề thi cho từng đơn vị trường học, vì như thế thì đội ngũ chuyên viên còn quá ít việc để làm.
Bên cạnh đó, hàng năm, học sinh tiểu học, trung học cơ sở phải thi học sinh giỏi các môn văn hóa nên cần có đội ngũ chuyên viên ra đề, thẩm định đề.
Tuy nhiên, với Sở Giáo dục và Đào tạo thì câu chuyện lại khác, vì chuyên viên Sở quản lí chuyên môn cả tỉnh/thành, còn chuyên viên Phòng chỉ quản lí chuyên môn ở cấp quận/huyện/thị xã.
Sở giáo dục không nên ra đề chung
Ai thích đề của Sở, ai thích đề của Trường? |
Đã nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không ra đề kiểm tra chung cho cả thành phố mà giao về cho từng trường đảm trách.
Việc làm này có nhiều ưu điểm thiết thực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của giáo viên, phụ huynh.
Thứ nhất, từng trường sẽ căn cứ vào đối tượng học sinh của mình để ra đề cho phù hợp, tránh ra quá dễ hoặc quá khó.
Ở trường, tổ trưởng chuyên môn là người chịu trách nhiệm về việc thẩm định đề của giáo viên trong tổ. Sau đó, Hiệu phó chuyên môn duyệt đề, trình Hiệu trưởng kí để in đề kiểm tra.
Một đề kiểm tra phải qua 3 khâu thẩm định như thế nên khó sai sót, và thực tế ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt điều này.
Hơn nữa, việc ra đề phải tuân theo quy trình chặt chẽ, từ cấu trúc đến nội dung đã được tổ chuyên môn thống nhất.
Cho nên giáo viên, học sinh cũng không sợ đề ra quá dễ hoặc quá khó, bởi đề ra phù hợp cho mọi đối tượng qua các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng (thấp) và vận dụng cao.
Thứ hai, trường ra đề sẽ nâng cao khả năng làm việc của giáo viên và tổ chuyên môn. Ở mỗi trường, tất giáo viên đều phải ra đề cho từng kì kiểm tra. Tổ trưởng chuyên môn sẽ duyệt đề và chọn ra những đề tốt nhất để kiểm tra.
Như thế, những giáo viên không được chọn đề cũng phải nhìn lại chuyên môn bản thân để cố gắng cho tốt.
Đề kiểm tra học kỳ của Phòng, Sở Giáo dục vẫn đang cần thiết |
Ngoài ra, sau mỗi kì kiểm tra, từng trường trong thành phố cũng sẽ có sự so sánh, đối chiếu về nội dung của đề.
Nếu đề kiểm tra của trường mình không hay như trường bạn thì tổ trưởng chuyên môn, Ban Giám hiệu phải thay đổi cách ra đề sao cho chất lượng hơn.
Thứ ba, trường ra đề sẽ hạn chế tối đa việc lộ đề. Giả sử, một trường nào đó có lộ đề thì việc kiểm tra lại cũng chỉ ảnh hưởng đến vài ngàn học sinh mà thôi.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi kiểm tra định kì (cuối học kì 1 và 2), các trường phải nộp đề kiểm tra chính thức của đơn vị mình cho Sở.
Chuyên viên Sở sẽ kiểm tra đề, nếu trường nào ra chưa chuẩn, chưa đạt yêu cầu thì đến kì họp tổ trưởng chuyên môn, trường đó sẽ bị nhắc nhở, phê bình.
Còn việc nhiều Sở ra đề chung như hiện nay, nếu không bảo mật được đề, để đề bị lộ thì chắc chắn sẽ gây hậu quả khôn lường.
Còn nhớ, học kì 2 năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận phải cho học sinh lớp 12 kiểm tra lại môn Ngữ văn vì bị lộ đề trước đó.
Việc lộ đề để lại hậu quả rất lớn vì mất thời gian, công sức, tiền bạc và ngành Giáo dục mất uy tín với phụ huynh và xã hội.
Đó là điều khiến giáo viên lo lắng nhất.
Với tình hình hiện nay, Phòng ra đề kiểm tra, đề thi là phù hợp, còn Sở nên giao quyền cho từng trường thì sẽ thiết thực hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-11-2015-TTLT-BGDDT-BNV-huong-dan-nhiem-vu-co-cau-to-chuc-So-Giao-duc-Dao-tao-275981.aspx
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ra-de-thi-vat-va-lam-post205409.gd