Ký ức buồn về đàn vịt chết
Trong trang phục lịch sự, thư sinh, Phong tự nhận mình là nông dân. “Với tôi, nông dân là cái chất trong con người. Bất cứ công việc gì của tôi cũng vẫn gắn với cuộc sống của người nông dân”, Phong mở đầu câu chuyện theo đúng kiểu hồn hậu của người miền Tây.
Phong sinh ra ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, nơi chỉ có những xã cù lao nghèo, nhọc nhằm vây bủa quanh năm.
Trong ký ức của chàng thanh niên 28 tuổi về những tháng ngày bữa đói nhiều hơn bữa no, ám ảnh nhất chính là ngày cả nhà Phong phải bỏ xứ ra đi.
“Khi rộ lên phong trào nuôi vịt, ba má tôi cũng mạnh tay vay tiền để làm ăn. Nhưng việc nuôi vịt không thuận lợi do hồi đó kỹ thuật còn yếu nên bầy vịt bị chết nhiều. Thời điểm đó gia đình tôi rất khó khăn.”
Năm đó, nhà Phong cùng một vài gia đình khác chuyển đến huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Tân Hưng là một huyện nghèo, nằm giáp biên giới Campuchia. Nơi đây, lũ thường về sớm nhưng lại rút chậm. Cuộc sống của những người dân quanh năm phụ thuộc vào ruộng đồng cũng vì thế mà chồng chất khó khăn.
“Do chưa đủ giấy tờ như học bạ, sổ tạm trú nên tôi không được đi học phổ thông... Năm tôi 8 tuổi, huyện có chương trình phổ cập tiểu học. Ba má cũng muốn tôi sau này có tương lai nên đã cho tôi tới lớp. Có lẽ, nếu không có lớp phổ cập này thì tôi đã không có ngày hôm nay”, Phong bồi hồi nhớ lại.
Nghiên cứu sinh Lê Văn Phong (thứ 3 từ trái sang, hàng sau) cùng các nhà khoc học và sinh viên tham gia Hội nghị quốc tế Dê sữa Á - Úc lần thứ 4 tại Đại học Trà Vinh (10/2018). |
Ước mơ đóng góp cho bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long
Nhờ nỗ lực không ngừng, Phong cũng lần lượt tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Không muốn cả đời gắn với cảnh làm ruộng bấp bênh như cha mẹ nên Phong quyết tâm thi đại học.
“Lúc đó, nhà không có điều kiện nên tôi tối thì tự ôn tập, ngày thì đi phụ hồ để kiếm tiền. Ngày tôi đi thi, ba má vừa hy vọng nhưng cũng vừa lo. Bởi nếu tôi thi đỗ thì không biết lấy tiền đâu để ăn học”, Phong kể.
Bao cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp khi Phong trúng tuyển ngành Chăn nuôi của Đại học Cần Thơ. Mong muốn giúp người nông dân thay đổi được cuộc sống bấp bênh đã giúp Phong thêm quyết tâm hoàn thành xuất sắc 4 năm Đại học.
“Tôi muốn trở thành kỹ sư để quay trở về phát triển chăn nuôi cho quê tôi. Tôi không muốn bà con nông dân trắng tay vì chăn nuôi thất bát giống như ba má tôi ngày trước”, Phong chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, với sự cố gắng, động viên của gia đình và sự giúp đỡ của thầy cô Phong đã trúng tuyển chương trình Tiến sĩ với số điểm 8,25/10 và trở thành nghiên cứu sinh Ngành Chăn nuôi của trường Đại học Cần Thơ, bỏ qua chương trình học Thạc sĩ.
Một trong những người luôn ở bên Phong, giúp anh vượt qua bao khó khăn và đạt được thành tích như hôm nay là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thu, giảng viên Trường đại học Cần Thơ.
Giáo sư Thu cũng chính là người đã định hướng để cậu học trò nghèo gốc miền Tây chọn đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp dinh dưỡng và thức ăn để cải thiện năng suất và sự thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở gia súc nhai lại” cho luận án Tiến sĩ.
Tại Lễ trao học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo (VinIF) ngày 16/12/2019, Lê Văn Phong cho biết: có học bổng, Phong sẽ giảm bớt thời gian làm thêm để tập trung cho luận án. |
Nhờ tính ứng dụng và giá trị thực tiễn cao, nghiên cứu này mới đây là một trong những đề tài được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) chọn để cấp học bổng đào tạo Tiến sĩ, giúp Phong có điều kiện theo đuổi mục tiêu của mình.
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VinIF) được Tập đoàn Vingroup thành lập với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
“Tôi muốn tìm ra các mô hình chăn nuôi bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Phong chia sẻ về mục đích nghiên cứu.
Giáo sư Nguyễn Văn Thu, người hướng dẫn khoa học của Phong cho biết 5 năm nghiên cứu sinh tiến sĩ là quá trình rất tốn kém.
Đề tài của Phong thuộc lĩnh vực mới nên cần nguồn kinh phí rất lớn chi cho gia súc, chuồng trại, thức ăn, hóa chất phân tích, thiết bị phục vụ cho các thí nghiệm…
“Chính vì thế, sự đồng hành của Quỹ VinIF có ý nghĩa rất lớn với các học viên cao học và nghiên cứu sinh có hoàn cảnh khó khăn như Phong. Theo tôi, tài trợ cho những người làm khoa học chính là đóng góp rất thiết thực cho đất nước”, Giáo sư Thu khẳng định.
“Tôi tin đề tài hoàn thành có thể giúp ích cho hàng triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như nông dân cả nước để họ không rơi vào bi kịch như gia đình Phong ngày trước”.
Không giấu được niềm vui khi hồ sơ đăng ký được chọn tài trợ, Phong cho biết Quỹ VinIF đã tiếp thêm động lực để anh hoàn thành nghiên cứu của mình.
“Có học bổng, tôi sẽ giảm bớt thời gian làm thêm để tập trung cho luận án. Tôi cũng sẽ có điều kiện tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn mà trước đây do thiếu kinh phí tôi không dám đưa vào”, chàng trai quê Đồng Tháp chia sẻ.
Thấp thoáng trong nụ cười lạc quan của Phong là chất hồn hậu không thể lẫn của những người con vùng sông nước miền Tây.