Thầy cô xưng hô với học trò phổ thông như thế nào cho phù hợp?

19/12/2019 06:19
THANH AN
(GDVN) - Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn.

Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú. Chính vì thế mà cách xưng hô cũng rất đa dạng, nhiều khi là theo thói quen, theo cảm xúc của những người giao tiếp.

Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thì mối quan hệ thầy- trò có những nét rất riêng mà mỗi thầy, cô giáo cũng cần chú ý để xưng hô với học trò một cách phù hợp nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cách xưng hô phù hợp sẽ tạo cho tình thầy trò đẹp hơn (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn)
Cách xưng hô phù hợp sẽ tạo cho tình thầy trò đẹp hơn (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn)

Những giáo viên luôn xưng là “thầy”, “cô” trước học trò

Theo đặc trưng về cách xưng hô của văn hóa vùng miền nên những thầy, cô giáo ở các tỉnh phía Bắc thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là “em”. Chỉ có một số ít giáo viên dạy ở cấp Mầm non, Tiểu học hoặc một số thầy cô ở khu vực thành phố gọi học trò là “con”.

Các giáo viên ở các tỉnh phía Nam thường xưng là thầy (cô) và gọi học trò là “con” đối với tất cả các cấp học phổ thông và học trò dù lớn cũng hay xưng là “con” khi nói chuyện, giao tiếp với thầy, cô giáo của mình.

Đối với việc thầy, cô giáo gọi học trò là “em” hay “con” đều phù hợp và tất nhiên không thể nói gọi “con” là tình cảm hơn mà gọi là “em” thì ít tình cảm hơn mà đó cách xưng hô thông thường giữa thầy, cô giáo với học trò của mình theo từng khu vực nhất định.

Học trò ở các tỉnh phía Nam dù đang học ở cấp Trung học phổ thông vẫn xưng là “con” với thầy cô giáo của mình, kể cả thầy cô giáo chưa có gia đình và điều này cũng là một thói quen.

Nhưng, học trò các tỉnh phía Bắc thường chỉ có một bộ phận xưng “con” với thầy cô giáo khi còn học Mầm non và Tiểu học. Khi lên đến cấp Trung học cơ sở thì rất hiếm học trò xưng là “con” nữa.

Nhưng cũng có thầy cô xưng hô là “mày- tao” với học trò

Việc thầy (cô) giáo xưng “tôi” trước học trò thì khá phổ biến nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở lên. Có thầy (cô) xưng tôi nhưng vẫn gọi học trò là “em”, là “con” hoặc gọi học trò bằng “bạn A, bạn B”, có thầy (cô) gọi học trò bằng “anh, chị”…

Thầy cô xưng hô với học trò phổ thông như thế nào cho phù hợp? ảnh 2Phải làm gì để có “Trường học hạnh phúc”?

Cách xưng hô này xét về tính biểu cảm ta thấy có phần “nhạt” hơn với cách xưng hô là "thầy" với “em” hoặc “con”.

Bởi, nhiều học sinh lớp 6, lớp 7 mà được thầy cô gọi mình là “anh”, “chị” lúc đầu thường rất bỡ ngỡ. Vì các em vừa qua Tiểu học đang được gọi bằng những từ ngữ rất trìu mến.

Điều băn khoăn nhất trong các trường phổ thông hiện nay là có một bộ phận thầy cô gọi học trò bằng “mày”, “thằng kia, con kia”, “ông tướng", "bà nội kia”…và xưng bằng “tao” trong cả lúc nóng giận và cả khi xưng hô trong hoàn cảnh giao tiếp thông thường.

Có người cho rằng xưng hô “mày- tao” là suồng sã với học trò, thể hiện sự thân thiện, không làm màu với học trò, xưng hô như vậy nhưng yêu học trò, thương học trò lắm.

Tuy nhiên, rõ ràng dù tấm lòng thầy cô có yêu thương học trò như thế nào đi chăng nữa thì cách xưng hô “mày- tao” cũng không phù hợp trong môi trường giáo dục bởi nó thể hiện sự bằng vai với nhau mà không đẹp trong văn hóa học đường.

Ai cũng muốn người khác xưng hô ngọt ngào với mình.

Khi tìm hiểu về chủ đề giao tiếp trong học đường, chúng tôi đã trò chuyện với học trò của một số nhà trường và các em đều không thích cách xưng hô "suồng sã" của thầy cô đối với mình.

Các em vẫn thích thầy, cô xưng là “thầy” là “cô” hoặc ít nhất là “tôi” chứ không bao giờ muốn thầy cô xưng là “tao” khi nói chuyện, trao đổi với học trò.

Các em cũng không muốn thầy cô gọi mình là “anh”, “chị”, “thằng, con kia”, "mày"... bởi gọi như vậy dù tâm thầy, cô tốt đến đâu đi chăng nữa thì học trò vẫn cảm thấy một khoảng cách giữa thầy, cô giáo với mình là quá xa.

Thầy cô xưng hô với học trò phổ thông như thế nào cho phù hợp? ảnh 3Trước đây tôi nghĩ, ở trường thì học trò chỉ có nghe lời và tuân thủ...

Tuy nhiên, có một số thầy cô giáo chưa chú trọng cách xưng hô trong hội thoại nên nhiều khi tạo ra một khoảng cách trong mối quan hệ thầy trò.

Khi trao đổi với một số giáo viên thì có thầy cô cho rằng quan trọng gì cách xưng hô miễn là tâm mình sáng. Có thầy cô lại cho rằng học trò bây giờ nó là “ông nội" của mình, vào đó mà gọi "em" với gọi "con".

Tất nhiên, cách xưng hô không chỉ là tình cảm giữa các đối tượng giao tiếp với nhau mà còn căn cứ vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể để những người giao tiếp xưng hô với nhau phù hợp trong từng thời điểm nhất định.

Song, có một thực tế rằng khi giao tiếp thì ai cũng muốn mình được tôn trọng, mình được người đối thoại gọi bằng những từ ngữ phù hợp, trìu mến nhất.

Thầy cô không muốn trò gọi mình là “ông”, là “bà”, là “mụ”, là “sát thủ”…thì đương nhiên học trò cũng không muốn thầy, cô của mình gọi mình là “mày” là “con, thằng kia”…

Ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng, xưng như thế nào, hô như thế nào cũng có thể đạt được mục đích giao tiếp. Nhưng, có lẽ môi trường học đường thì ngôn phong của thầy cô giáo, học trò cần nhẹ nhàng, tình cảm, tôn trọng nhau và ứng xử phù hợp.

Ông bà ta xưa đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua” nên dù trong hoàn cảnh nào thì trước tiên ngôn phong của người thầy cũng phải luôn chỉn chu trước học trò của mình.

Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn. Điều này, cũng góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm hạnh phúc và nhân ái với nhau hơn.

THANH AN