Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được lời cảm ơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam của nhiều giáo viên tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Lời cảm ơn của một giáo viên (Ảnh tác giả) |
Nhiều thầy cô cho biết, nhờ những bài viết phản ánh về những bất cập trong ngành giáo dục nơi đây mà hiện tại giáo viên chúng tôi đã được “dễ thở” hơn nhiều.
Không chỉ thế, nhiều phụ huynh cũng được hưởng lợi khi gia đình các em đã không còn phải đóng nhiều khoản tiền như trước.
Giáo viên vui, phụ huynh cũng vui
Đó là, những bài viết về lạm thu tiền xét tốt nghiệp, tiền lao động của học sinh, bắt giáo viên nộp tiền trực Tết, trực hè.
Sau những bài viết ấy, nhiều thầy cô giáo đã được nhà trường trả lại. Không chỉ trường bị nêu tên mà nhiều trường học khác nơi đây cũng đem tiền đã thu trả lại cho giáo viên và học sinh của mình.
Có phụ huynh khi nhận được 400 ngàn đồng đã hồ hởi cho biết là rất mừng vì bất ngờ không biết vì sao tiền nộp rồi mà nhà trường lại trả lại.
Câu chuyện một tuần soạn gần 30 cái giáo án chép bằng tay.
Nhiều giáo viên vất vả, cực khổ thức gần trắng đêm để soạn sao cho kịp. Có giáo viên nói rằng:
“Bao năm rồi kêu trời, trời chẳng thấu” nên chỉ biết ngậm đắng nuốt cay để hoàn thành.
Thế nhưng chỉ sau khi Báo điện tử giáo dục Việt Nam lên tiếng thì Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã có công văn chỉ đạo gấp cho hiệu trưởng các trường học cho phép giáo viên được soạn trên máy tính.
Có nhiều thầy cô giáo nói: “Chúng em rất vui và mở tiệc ăn mừng vì từ nay thoát khỏi cảnh cả đêm ngồi lụi hụi chép giáo án”.
Chuyện ngày thứ bảy và chủ nhật giáo viên Trường Mầm non Na Ngoi 1 thường bị hiệu trưởng bắt đi lao động không công.
Sau bài viết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho biết cũng đã chấn chỉnh kịp thời và sẽ không có chuyện như thế xảy ra nữa.
Chuyện Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn ra công văn kêu gọi giáo viên ủng hộ tiền hỗ trợ hộ nghèo xã đang xây dựng nông thôn mới.
Có trường ít người nên giáo viên phải bỏ gần triệu bạc, trường hơn năm trăm ngàn, hai vợ chồng xem như mất một phần ba tháng lương.
Bất chấp quy định, trường học ở Kỳ Sơn thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp rất cao |
Bài viết phản ánh chuyện tự nguyện bắt buộc này đã được báo lên tiếng và ngay sau đó.
Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn đã ra thông báo ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít, không có thì thôi, 10 ngàn đồng cũng là quý.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trở thành người bạn tin cậy của chúng tôi
Có một số thầy cô nói rằng trước đây chưa biết đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vì trên vùng rẻo cao sóng yếu. Mọi người lại quen đọc báo giấy.
Nhưng từ khi có những bài viết phản ánh một cách trung thực về Kỳ Sơn, chúng tôi luôn tìm báo đọc mỗi ngày.
Ngày nào cũng phải mở xem ít nhất một lần. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi.
Có người còn thổ lộ: “Có oan trái gì, có bất bình gì trong cách hành xử của lãnh đạo nơi đây, chúng tôi sẽ liên hệ với tòa soạn. Vì toà soạn luôn đứng về người yếu thế đặc biệt là những giáo viên ngày đêm đang phải cắm bản”.