Câu chuyện đề thi của Phòng, Sở đang được nhiều người quan tâm. Người cho rằng, thi đề của Phòng, Sở là phản ánh đúng chất lượng học tập của từng trường, từng địa phương.
Đề thi của Phòng, Sở tạo ra nhiều bất công (Ảnh minh họa Nhà báo & Công luận) |
Người lại nói thi đề chung như thế sẽ không phù hợp với từng đối tượng học sinh giữa các trường, các địa phương.
Bên nào cũng có cái lý của mình, ở bài viết này chúng tôi sẽ phản ánh một sự thật đang diễn ra tại nhiều địa phương quanh chuyện đề thi cấp Phòng, cấp Sở đã tạo ra khá nhiều sự bất công.
Ai ra đề thi cấp Phòng, cấp Sở?
Phụ trách các bậc học ở cấp Phòng, cấp Sở gọi chung là chuyên viên. Mỗi cấp học có một chuyên viên riêng. Nếu như chuyên viên phụ trách tiểu học thì có khả năng bao quát tất cả các đề của nhiều môn thi.
Thế nhưng, chuyên viên của bậc trung học thì không thể bao quát được các môn khi người có chuyên môn tiếng Anh, người chuyên môn về Toán, người lại về Văn...
Bởi vậy, khi ra đề, hầu như các chuyên viên này không thể đảm nhận việc ra đề vì không có chuyên môn của môn học đó.
Thế là, một số giáo viên cốt cán ở các trường được điều lên ra đề. Người ra đề phải có người phản biện đề và số người biết nội dung đề thi khá nhiều.
Trường có người ra đề, có người phản biện đề kết quả cao bất ngờ
Công bằng mà nói, nếu đề của Phòng, Sở ra sẽ phản ánh khá trung thực chất lượng học tập của từng trường. Bởi, giáo viên các trường không thể biết kiến thức nào sẽ có trong đề thi để dạy tủ cho học sinh.
Thầy cô chỉ còn cách ôn tập tất cả các kiến thức đã học. Ôn một lúc nhiều kiến thức (Giáo viên thường nói đùa đó là cách ôm đồm, ôn tù mù, chẳng dám bỏ phần nào vì sợ đề ra học sinh không làm được).
Phần đông học trò từ trước đến nay, vẫn thường được thầy cô ôn tập dạng nào ra thi dạng đó. Nay phải làm những dạng mới nên điểm cao thì ít (chỉ một số em thật sự giỏi) còn điểm thấp lại quá nhiều.
Ngược lại, có những trường do có giáo viên trong tổ ra đề và phản biện đề nên chất lượng thi của trường ấy cao đến bất ngờ. Có người khi được hỏi cũng chẳng cần giấu giếm làm gì:
“Cũng phải thôi, không lẽ, thầy cô biết trước đề lại không ôn cho học sinh mình những dạng bài tập ấy?”.
Để đỡ mang tiếng, giáo viên cũng ôn lại một số kiến thức đã được học nhưng phần bài tập chủ yếu tập trung các dạng sẽ có trong đề thi. Khi thi, các em chỉ cần thế số vào là đã đạt điểm như mong đợi.
Một số thầy cô không có trong tổ ra đề hay phản biện đề nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với những thầy cô giáo ấy. Thế là, bằng cách ngoại giao họ cũng được bật mí vài dạng cơ bản.
Bất công, sự không công bằng xảy ra từ đây. Thế nhưng cấp trên không biết hoặc lờ đi, họ vẫn vinh danh những trường đạt kết quả cao. Những giáo viên dạy các khối ấy cũng được biểu dương và khen thưởng.
Giáo viên biết điều này, có người còn tuyên bố biết từ chân tơ kẽ tóc. Vậy nên, thầy cô không phục, không thích thi đề của Phòng, của Sở vì lẽ đó.
Làm sao hạn chế được tình trạng này?
Đã không có sự công bằng như thế, thì đề của Phòng, của Sở chẳng thể đánh giá đúng chất lượng học sinh trong địa bàn. Và mục đích của việc Phòng, Sở ra đề để đánh giá chất lượng đã hoàn toàn thất bại.
Muốn duy trì việc ra đề thế này thì cấp Phòng, Sở cần phải thay đổi một số khâu như người ra đề, phản biện đề không thể là giáo viên đang giảng dạy ở các trường.
Nếu thế thì lấy đề ở đâu để thi? Có người hiến kế Phòng, Sở cũng cần có ngân hàng đề, các đề thi của các huyện thị trong tỉnh được tổng hợp về.
Khi lấy đề thi thì nên phân chéo ví như huyện A sẽ thi đề của huyện B, huyện B sẽ thi đề của huyện C…
Gần tới ngày thi, thành lập tổ phản biện đề (ví như mai thi thì hôm nay tổ phản biện đề mới làm việc) điều này sẽ hạn chế tối đa việc biết đề ôn tập trước cho học sinh.