Học các lớp chính trị ở địa phương cũng quá trời tiền quỹ lớp

26/12/2019 06:34
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp học này rất sợ hãi với cách thu tiền quỹ lớp nhiều của cán sự lớp.

Bài viết “Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp” của tác giả Sông Trà đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/12 đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, nhất là các bạn đã trải qua học lớp thạc sĩ.

Một số bạn đánh giá rất cao về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô giáo đã giảng dạy và hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ cho mình.

Bạn có tên ROSE NGUYỄN TUYẾT NHUNG viết: “Thật may mắn cho mình. Năm 2012 mình học cao học ở khoa Văn trường ĐHKHXHNV- ĐHQGHN, các thày không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất đức độ.

Hai năm học mà lớp mình thi đúng 500.000 đồng, tiền quỹ lớp. Giờ vẫn yêu quý và kính trọng các thày vô cùng.”

Tiền quỹ lớp khiến nhiều học viên lo lắng. (Ảnh minh hoạ: Hoahoctro.vn)
Tiền quỹ lớp khiến nhiều học viên lo lắng. (Ảnh minh hoạ: Hoahoctro.vn)

Một em sinh viên sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

Mình đã từng học thạc sĩ ở trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Rất may mình được học với một số thầy, cô rất giỏi và đức độ.

Ví dụ, thầy phản biện cho mình lúc đó là thầy Lê Hiếu Giang phản biện, chỉ bảo rất tận tình, nhiệt huyết với sinh viên cao học, bảo vệ xong thành công, mình đem tặng quà cho thầy cảm ơn nhưng thầy tuyệt đối không nhận một món gì. Bắt đem về. Tới giờ vẫn cảm thấy nợ thầy nhiều lắm. Em cảm ơn Thầy nhiều. Chúc Thầy luôn khỏe." 

Lạm thu cấp lớp!
Lạm thu cấp lớp!

Tôi có thời gian học ở Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng chứng kiến nhiều thầy cô giáo ở đây không nhận phong bì của tập thể lớp sau khi học xong chuyên đề của thầy cô đó.

Tuy nhiên, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng cảm với các bạn trẻ học thạc sĩ khi phải “theo lớp” nộp nhiều tiền quỹ lớp, quá sức khả năng và điều kiện của mình và gia đình.

Bạn có nickname NGUYỄN VĂN HACH thẳng thắn: "Học viên lớn tuổi đa số là cán bộ có chức có quyền, có kiếm chác được, và học lấy bằng để trang điểm cho cái chức, nên hăng hái nộp, còn sinh viên mới ra trường lấy đâu ra, lo cho cái miệng còn khó; nỗi đau xót của xã hội.”

Độc giả HUY LONG phân trần: "Đúng như tác giả Sông Trà phản ánh. Tôi từng đi học thạc sĩ (đang thất nghiệp) chung với các vị công chức, viên chức lớn tuổi.

Không quơ đũa cả nắm, nhưng 99% các anh/chị này toàn điểm cao, được ưu ái, lúc bảo vệ luận văn tốt nghiệp thì toàn hỏi câu dễ.

Luận văn thì các anh/chị có người viết giùm, tôi rất ganh tị. Tôi từng bị xem là cá biệt trong lớp do không đóng tiền đi nhậu cùng giáo viên mỗi khi kiểm tra xong hay thi kết thúc học phần.”

Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp
Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp

Ngoài các lớp thạc sĩ, ở tất cả địa phương đang rộ lên các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị do các trường chính trị tỉnh phối hợp với cấp ủy của huyện, quận, thành phố, tỉnh tổ chức.

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp học này rất sợ hãi với cách thu tiền quỹ lớp nhiều của cán sự lớp.

Chị H., từng học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở huyện S. cho biết:

"Thời gian học có 1 năm nhưng riêng tiền quỹ lớp, tụi em đóng cho cán sự lớp tổng cộng 9 lần, mỗi lần 500.000 đồng.

Người có điều kiện thì dễ, người khó khăn như tụi em (làm ở xã) lương ba cọc ba đồng, mỗi lần lớp trưởng thông báo nộp quỹ là tụi em méo mặt.

Khó ghê lắm song cũng ráng vay mượn, kiếm tiền nộp đủ, y như mọi người, sợ họ nói mình keo và làm ảnh hưởng đến công tác “đối ngoại” của lớp.”

Từ thực trạng có thật này, tôi mong sao lãnh đạo, thầy cô giáo các trường chính trị các địa phương hãy nói không với việc đi ăn nhậu, liên hoan hoặc nhận phong bì của tập thể các lớp đào tạo này, dù đó là tự nguyện, thiển ý, mong muốn của đa số học viên.

Các thầy cô kiên quyết không nhận thì quá tốt, trước hết nhiều học viên khó khăn đỡ tốn tiền lo quỹ lớp, sau đó sẽ nhận được nhiều sự quý trọng hơn của mọi học viên.   

SÔNG TRÀ