LTS: Từ câu chuyện của một người bạn chia sẻ về việc đóng học phí ở lớp quản lý trưởng, phó phòng cấp sở, tác giả Trung Kiên đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Anh bạn tôi vừa rồi tham gia học lớp quản lý trưởng, phó phòng cấp sở do tỉnh tổ chức, thời gian học có trên 20 ngày nhưng học phí mỗi học viên phải đóng gần 8 triệu đồng.
Tất nhiên, đơn vị có người tham gia phải chi trả học phí ấy cho ban tổ chức lớp học, tức là thuộc kinh phí nhà nước.
Còn việc chi phí cho việc tổ chức lớp học, cho các giảng việc giảng dạy như thế nào thì thuộc quyền hạn của ban tổ chức lớp học.
Nhiều người tham gia lớp học này cũng bị “sốc” vì mức học phí “khủng” như vậy trong khi thời gian học tập chỉ trên 20 ngày (chủ yếu học lý thuyết).
Lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: molisa.edu.vn). |
Được biết, các địa phương, sở ban ngành bây giờ thường hay liên kết với một số trường, học viện ở ngoài trung ương để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý lãnh đạo theo hình thức trọn gói về kinh phí (từ 300 đến 400 triệu đồng/lớp). Các lớp ít học viên thì mức đóng học phí sẽ cao lên.
Các nhà quản tài chính ở địa phương có thấy sự bất thường về mức thu học phí tại lớp quản lý trưởng, phó phòng cấp sở mà anh bạn vừa học xong không?
Đừng nghĩ rằng học phí ấy được lấy từ kinh phí Nhà nước là tiền chùa, không phải mồ hôi, công sức của nhân dân và doanh nghiệp thì muốn ấn bao nhiêu thì ấn.
Cách đây hai năm, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an của một tỉnh nọ mở lớp tập huấn về phòng, chống cháy nổ, thiên tai cho các trường học trên địa bàn tỉnh, mỗi trường cử 3 người, thời gian tập huấn 2 ngày.
Những tưởng đây là nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên của công an tỉnh nhưng khi đến nơi, Ban tổ chức lớp thông báo, mỗi người đi tập huấn phải đóng 300.000 đồng, gọi là tiền học phí.
Tập huấn, bồi dưỡng kỹ lưỡng ở cấp trên, nhưng lại sơ sài ở cấp dưới |
Mỗi trường đóng 900.000 đồng, cả tỉnh có gần 40 đơn vị, cộng lại tốn đâu có ít tiền bạc của nhà nước, chưa kể tốn tiền công tác phí đối với các trường ở xa.
Có thể nói, nhà nước ta đã, đang phải chi trả khá nhiều kinh phí, học phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày để lấy các loại giấy chứng chỉ, chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, an ninh - quốc phòng, quản lý lãnh đạo, đấu thầu….
Ngồi nói chuyện với nhau, các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp quản lý, lãnh đạo kể ra rất nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận hiện diện trong hồ sơ cán bộ - viên chức của họ.
Các anh cán bộ, công chức ngán ngẩm: “Học toàn lý thuyết, sách vở, chẳng áp dụng, chẳng làm được gì trong thực tiễn, trong công việc. Thế mà thỉnh thoảng lại xuất hiện công văn, giấy triệu tập cử người đi học. Không có người đi, cấp trên gọi điện thoại nhắc nhở, phê bình”.
Nhiều người còn băn khoăn: “Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn… cho công chức, viên chức ở cơ sở là nhiệm vụ chính của bộ phận chuyên trách, chuyên môn cấp trên (đang hưởng lương nhà nước) thì hà cớ gì còn thu tiền của đơn vị nữa.
Có phải một số người cấp trên cố “vẽ ra” để kiếm lợi từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước?”.