Ngày 16/12/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Hữu Hoài Phú đã ký thông báo 14873/UBND-TTH, về trả lời đơn phản ánh của bà Ngô Thị Thành, giáo viên của trường Mầm non Tân Thạnh Tây.
Theo đó, bà Thành phản ánh Hiệu trưởng tiếp nhận 32 trẻ trong năm học 2018 – 2019, nhưng để ngoài danh sách, và số tiền thu chi đối với 32 trẻ nêu trên không được công khai trong đơn vị.
Qua kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền của huyện Củ Chi, kết quả cho thấy, việc nhận giữ trẻ và để ngoài danh sách này của trường phát sinh trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2019.
Trường mầm non Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Những trẻ này có độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi, có hộ khẩu tạm trú và phụ huynh gửi trẻ tại trường không trong thời gian cố định.
Chính vì vậy, Hiệu trưởng đã chỉ đạo một số giáo viên đưa các bé vào lớp, nhưng không theo dõi vào danh sách trẻ học tại trường. Việc thu học phí của những trẻ này được phụ huynh nộp trực tiếp cho thủ quỹ, có biên lai thu tiền.
Nhà trường thu tiền học phí, tiền ăn trưa, tiền ăn sáng, tiền công phục vụ ăn sáng, tiền tổ chức bán trú, vệ sinh phí, nước uống, giữ xe, nhịp điệu và bảo hiểm tai nạn.
Tổng số tiền mà nhà trường đã thu được tổng là hơn 89,3 triệu đồng, tổng chi là hơn 75 triệu đồng, số tiền còn tồn tại ở trường là hơn 14,3 triệu đồng (so với báo cáo của trường thì chênh hơn 3,1 triệu đồng).
Số tiền chi để mua hàng của trường phần lớn là không có hóa đơn, chứng từ, hoặc nếu có cũng chỉ là hóa đơn bán lẻ...
Nội dung chi, mức chi được thực hiện theo chỉ đạo của Hiệu trưởng, không xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ, không được công khai trong tập thể.
Biết sự việc này, bà Tuyết – Phó Hiệu trưởng nhà trường có yêu cầu các giáo viên báo tên các bé vào danh sách, để có cơ sở tính khẩu phần ăn cho trẻ. Tuy nhiên, Hiệu trưởng lại chỉ đạo ngược lại.
Theo giải trình của Hiệu trưởng, do trường có 2 cơ sở, phải thuê mướn thêm lao động hợp đồng, nên số tiền ngân sách cấp, số thu sự nghiệp của trường không đủ đảm bảo chi tăng thu nhập cho giáo viên.
Do đó, Hiệu trưởng đã chỉ đạo Kế toán sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho một số hoạt động của nhà trường.
Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo nhận giữ thêm trẻ, nhưng không đưa vào danh sách theo dõi chính thức, dẫn đến việc số trẻ này không được tính toán khẩu phần ăn, không đảm bảo được chất lượng và dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ.
Trường không mở sổ sách kế toán theo dõi, không thực hiện quyết toán đối với nguồn thu tiền giữ trẻ ngoài danh sách.
Trường không công khai các khoản thu chi, không xây dựng định mức chi trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Để xảy ra các sai phạm này thuộc về Hiệu trưởng và Kế toán của nhà trường.
Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với hai cá nhân nói trên.