Ngày 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được những kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành Tài nguyên và Môi trường còn đứng trước nhiều tồn tại, thách thức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Vietnamplus |
Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường;
Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra các sự cố môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi cho phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra đối với ngành trong năm 2020 và giai đoạn tới.
“Nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường là rất nặng nề. Không ngành kinh tế nào không gắn với tài nguyên, môi trường”, Phó Thủ tướng đánh giá và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Trong đó, trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, tiếp cận cơ chế thị trường, đổi mới phương pháp định giá đất, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, bảo đảm thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển biển quốc gia gắn với các bộ, ngành liên quan, trong đó tập trung làm rõ vấn đề về đấu giá đất, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất;
Kiểm kê quỹ đất toàn quốc; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, xử lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai; đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao;
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước do gia tăng về ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới quản trị tài nguyên nước quốc gia; sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông liên tỉnh; nghiên cứu, đề xuất ngay các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước, trước mắt ưu tiên những vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các vấn đề xuyên biên giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược; tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường;
Đảm bảo cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân |
Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, giao thông vận tải, cấp ủy chính quyền các cấp ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển.
Thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải hành động để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ với môi trường. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm;
Bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu dân cư; khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng; kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bằng công nghệ giám sát tự động;
Chuyển đổi cơ cấu năng lượng, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở các đô thị và khu công nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chuẩn bị hạ tầng phục vụ quản lý thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung xây dựng dữ liệu nền địa lý, dữ liệu địa hình, không gian, cung cấp các dịch vụ vệ tinh, kết nối vạn vật sẵn sàng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh, tự động hóa trong các hoạt động vận tải, giám sát các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản;
Ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, giám sát biến đổi khí hậu. Bộ cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than, năng lượng biển...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGFONET) nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.