Vô điểm hàng loạt hồ sơ, sổ sách
Thời gian này, học sinh đã kiểm tra xong học kì 1 và giáo viên bắt đầu vào điểm để chuẩn bị cho việc sơ kết năm học.
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên là vào điểm cho nhiều loại hồ sơ sổ sách: sổ liên lạc, sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên và ghi điểm (thường gọi sổ điểm lớn), học bạ.
Tuy thời đại công nghệ thông tin nhưng giáo viên mất quá nhiều thời gian cho việc vào điểm theo kiểu thủ công.
Với giáo viên dạy môn nhiều tiết (Toán, Ngữ văn…), việc vào điểm đỡ vất vả, nhưng môn ít tiết (Công nghệ, Quốc phòng…) thầy cô phải tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Những giáo viên dạy các môn như Công nghệ, Giáo dục công dân… có khi lên đến 20 lớp (20 tiết/tuần) thì có khi phải mất mấy ngày mới có thể hoàn thành điểm số.
Nhẩm tính, một lớp thường có 40 học sinh, như vậy giáo viên phải vào điểm cho 800 em (nếu dạy 20 lớp).
Mỗi học sinh có 2 cột điểm hệ số 1, 1 cột điểm kiểm tra 1 tiết và 1 cột điểm kiểm tra học kì, sau đó mới ra điểm trung bình môn.
Như vậy, giáo viên phải vào tất cả 4.000 con điểm (5 cột điểm/1 học sinh nhân với tổng số 800 học sinh) ở sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên và ghi điểm và 800 điểm ở học bạ (riêng học kì 2 thì nhân đôi).
Hà Nội đã áp dụng sổ điểm điện tử để giảm tiêu cực. (Ảnh minh hoạ: Egov.chinhphu.vn) |
Sau cùng, giáo viên phải kí sửa chữa (nếu có sai sót), kí xác nhận ở tất cả sổ sách theo quy định.
Riêng giáo viên chủ nhiệm phải mất cả tuần để hoàn thiện các loại hồ sơ vì phải làm việc tổng hợp, thống kê.
Thế nhưng quá trình vào điểm, nhiều giáo viên không tránh khỏi sai sót buộc phải sửa chữa (theo quy định) hoặc thay sổ nếu sai quá nhiều.
Có giáo viên phải thay luôn cả sổ gọi tên và ghi điểm (có khi thay đến 2,3 lần) và phải chép lại toàn bộ điểm số của đồng nghiệp đã vào chính xác trước đó.
Chuyện thay sổ điểm xảy ra như cơm bữa bởi giáo viên chỉ cần một chút bất cẩn, lơ đãng hay trông gà hóa cuốc là toi công.
Cũng đã có giáo viên đi hàng chục cây số đến Phòng, Sở hay Công ty Thiết bị giáo dục mới mua được sổ hay học bạ (vì thay quá nhiều).
Số hóa hồ sơ điện tử được không?
Em không nâng, phải gánh thành tích của cả trường đấy? |
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua giáo viên đã thực hiện số hóa điện tử sổ gọi tên và ghi điểm.
Nhiều trường học ở Sài Gòn sử dụng phần mềm Vietschool để nhập điểm, trong đó phân quyền cụ thể cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo.
Mỗi người sẽ thực hiện một nhiệm vụ của riêng mình và đảm bảo không thể sửa chữa để làm sai lạc kết quả.
Khi thực hiện sổ điểm điện tử, nhân viên học vụ in điểm ra sổ giấy, sau đó giáo viên chỉ cần kí xác nhận kết quả học tập của học sinh là xong. Nhà trường sẽ lưu đồng thời sổ điện tử và sổ giấy nên rất tiện lợi.
Nhưng, hầu như trường học ở Sài Gòn vẫn chưa thực hiện được học bạ điện tử. Trong đó có lí do, nếu học sinh đi du học thì nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài chỉ chấp nhận học bạ giấy.
Có thể nhận thấy, việc số hóa điện tử hồ sơ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho giáo viên và các cấp quản lí.
Đặc biệt, sử dụng sổ điểm điện tử đảm bảo tính chính xác cao, lưu giữ an toàn (không hạn chế không gian và thời gian) và tránh được những can thiệp điểm số với mục đích xấu.
Tuy nhiên, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương bỏ học bạ và sổ điểm giấy mà vẫn sử dụng bình thường.
Những loại hồ sơ này không dùng cho một số tình huống trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
“Sổ điểm điện tử mà sử dụng như dịch vụ công trực tuyến thì chưa có trường nào thực hiện được. Để làm được điều này thì phải có cơ sở pháp lý về sổ điểm điện tử.
Trong đó có khâu rất quan trọng là chứng thực các nội dung trên sổ điểm điện tử đó là đúng, là hợp pháp thì từ đó các giao dịch trực tuyến mới chấp nhận là sổ điểm điện tử đó có tính pháp lý”, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1] //thanhnien.vn/giao-duc/dien-tu-hoa-so-diem-so-lien-lac-se-khong-con-kieu-sua-chua-lam-dep-diem-so-1115102.html
[2] //baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/201806/ung-dung-so-diem-dien-tu-nhieu-tien-ich-8081229/