Ngày 29/12, Thường trực Thành uỷ Hải Phòng làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia, các ngành liên quan, tiếp tục nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, thám sát, khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang (tại xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên).
Ông Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng làm việc với các nhà khoa học để bàn các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Ảnh: haiphong.gov.vn) |
Ông Lê Văn Thành vui mừng chào đón các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và khẳng định việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc là rất quan trọng và cần thiết.
“Thành phố đã giao các sở, ngành thực hiện quy hoạch bước đầu để giữ lại các khu vực lân cận;
Nhanh chóng triển khai các thủ tục để đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, tiến tới công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc”, ông Thành nói.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị trước hết tổ chức thăm dò, khảo sát quy mô bãi cọc theo trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó sẽ xác định những công việc cần thiết tiếp theo.
Ông Lê Văn Thành yêu cầu các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực; tiến hành các thủ tục để công nhận di tích cấp thành phố; tiến tới công nhận di tích cấp quốc gia.
Đồng thời, có phương án bảo quản, phát huy giá trị lịch sử di tích bãi cọc cổ Cao Quỳ trong quần thể Bạch Đằng Giang.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo sát, xác định quy mô bãi cọc tại thực địa (Ảnh: haiphong.gov.vn) |
Tại hội nghị, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, bày tỏ sự vui mừng với việc phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, việc phát hiện bãi cọc sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng Giang chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần năm 1288.
Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ quy mô, tìm thêm những chứng tích lịch sử...;
Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, sử dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất để thực hiện.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, việc phát hiện bãi cọc sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng Giang (Ảnh: Lã Tiến) |
Trước đó, tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ (tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) vào ngày 21/12, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử- Khảo cổ- Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, đánh giá đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, các nghiên cứu trước đây thường là dự đoán dựa vào các tài liệu không đầy đủ, không chi tiết.
Những nghiên cứu về bãi cọc ở Quảng Yên cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà thực hiện ở các lạch triều.
Việc này là để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng “hỏa công” tiêu diệt các thuyền chiến của chúng.
Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây.
Qua đó, giả thuyết ông Giang đưa ra là trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà nó là một chiến dịch có quy mô lớn với sự đồng lòng của quân triều đình và nhân dân.