Nhà trường tự do lựa chọn sách, vậy Phòng Giáo dục sẽ quản lý thế nào?

01/01/2020 08:01
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là băn khoăn của Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khi nhà trường được tự do chọn sách giáo khoa lớp 1.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào giảng dạy ở lớp 1, nhưng đến thời điểm này vẫn còn môn Tiếng Anh chưa công bố sách giáo khoa. 

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra, trước tháng 3/2020 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các trường phổ thông của tỉnh.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1.

Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là việc địa phương thực hiện tiến hành chọn sách giáo khoa sẽ như thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch. 

Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam còn một vài băn khoăn khi nhà trường được tự do chọn sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh: Vietnamnet)
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam còn một vài băn khoăn khi nhà trường được tự do chọn sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh: Vietnamnet)

Trước vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm khó địa phương. Bởi lẽ, Bộ có tiền để viết sách giáo khoa nhưng lại không viết mà để cho các nhà xuất bản viết, rồi người dân sẽ phải mua những sản phẩm đó. 

Đáng lẽ, Bộ phải có một bộ sách riêng để nhân dân lựa chọn cạnh tranh với các đơn vị khác. Hoặc cho phép người dân, nhà trường khi chọn sách rồi tự tổ chức in ấn sách sao cho phù hợp kinh tế của địa phương.

Thậm chí, nhà trường có điều kiện có thể tự in sách ra, phục vụ học sinh… không phải lúc nào cũng nhất thiết phải mua cả quyển sách, nhất là nội dung chỉ để tham khảo”.

Chỉ ra một bất cập khác mà Bộ đang "làm khó" địa phương, nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, Giáo sư Dong cho biết, Bộ cho phép được tự chọn sách giáo khoa, trong khi đến nay nội dung các cuốn sách được phê duyệt ra sao chắc hẳn chưa ai biết để mà lựa chọn. 

“Nếu được tự do lựa chọn, sẽ dẫn đến tình huống rắc rối đó là mỗi trường chọn một loại, hai trường cạnh nhau nhưng sử dụng hai bộ sách khác nhau… Vậy Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý thế nào?

Thậm chí, một trường học có thể chọn bộ sách này, nhưng sau một học kỳ lại thấy không phù hợp, "sửa sai" bằng cách sang học kỳ lại thay lại sách”, Giáo sư Dong nhấn mạnh. 

Các trường tiểu học sẽ đọc 32 cuốn sách giáo khoa vào thời điểm nào?

Trước đó liên quan đến vấn đề tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 tại các địa phương, ngày 30/11, trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến trước khi ban hành để triển khai sách giáo khoa cho chương trình mới từ năm học 2020-2021. Các góp ý gửi về Bộ đến hết ngày 30/1/2020.

Trong Thông tư hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa có quy định, giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng.

Như vậy, sớm nhất thì cũng phải đến đầu tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, việc các cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa trước tháng 3/2020 khiến các trường gặp nhiều lúng túng, không giải quyết được.

Thầy Khang băn khoăn, nếu xin ý kiến của học sinh để chọn sách giáo khoa thì đó là học sinh nào? Bởi lẽ học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 sớm nhất tháng 8/2020 mới tựu trường.

Không nhẽ hỏi học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 của năm học hiện tại (2019-2020), số học sinh này chắc chắn không học chương trình tiểu học mới. Vậy hỏi có tác dụng gì?
 
Tương tự khi ý kiến phụ huynh của học sinh lớp 1 học chương trình mới không thể có trước tháng 3/2020.

Vị Hiệu trưởng đặt câu hỏi, ngoài việc bất khả kháng nói trên thì tham khảo ý kiến học sinh lớp 1 về chọn sách giáo khoa có khả thi không? Kể cả đại diện cha mẹ học sinh, không có chuyên môn, cũng rất khó làm việc này.

Vì vậy, giáo viên sẽ là người giúp Hiệu trưởng đưa ra quyết định chọn sách giáo khoa dùng trong trường mình. Muốn vậy giáo viên cần phải đọc kỹ tất cả các bản sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. 

“Hiện nay các trường đều mong sớm có sách giáo khoa lớp 1 mới để đọc”, thầy Nguyễn Xuân Khang mong muốn. 

Thùy Linh