Thông tin quan trọng này được Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ với hơn 500 học sinh của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Trong suốt 2 tiếng đồng hồ của buổi Hội thảo: “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông", Tiến sĩ Trần Công Trục đã cung cấp nhiều thông tin quý báu liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông cũng như quyền, lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích hợp pháp trên Biển Đông |
Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý: “Điều đơn giản nhất tôi muốn nói với các em học sinh và thầy cô đó là tên gọi của Biển Đông. Người Việt Nam gọi là Biển Đông.
Đây là tên riêng do Việt Nam dùng để gọi vùng biển này và tên gọi này đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của người dân Việt Nam từ bao đời nay: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Thuận bè thuận bạn, tát cạn biển Đông” (Ca dao Việt Nam), “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi).
Tên biển Đông là tên riêng nên trong các tài liệu, hồ sơ, văn bản chính thức của Việt Nam đều viết hoa cả hai từ Biển Đông và trong các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì thường viết là Bien Dong Sea (tiếng Anh) hay Mer de Bien Dong (tiếng Pháp).
Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn thấy trong một số văn bản, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài đã dịch tên Biển Đông là East Sea (tiếng Anh) hay Mer de l’Est (tiếng Pháp).
Cách dịch này không phù hợp với văn bản chính thức của Nhà nước khi đăng ký với tổ chức quốc tế và có thể gây nhầm lẫn với vùng biển nằm ở phía Đông bán đảo Triều Tiên cũng được gọi là East Sea”.
Tiến sĩ Trần Công Trục nói chuyện với hơn 500 học sinh tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh:V.N) |
Tiến sĩ Trần Công Trục cũng nhấn mạnh: “Việt Nam ta hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan điểm của chúng ta là căn cứ vào quyền chiếm hữu thực sự được pháp luật quốc tế công nhận.
Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các bằng chứng pháp lý lịch sử. Theo đó từ thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn, đất nước ta đã có cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu thực sự theo nguyên tắc lâu dài, liên tục, rõ ràng, hòa bình”.
Nhiều kiến thức lịch sử quý báu được lồng ghép trong buổi hội thảo, học sinh dễ nghe, dễ hiểu (Ảnh:V.N) |
“Ông Biển Đông” đồng thời cũng bác bỏ luận điểm phía Trung Quốc đưa ra về cái gọi là: chủ quyền lịch sử.
Theo đó Trung Quốc không thể dựa vào các căn cứ lịch sử để tự nhận chủ quyền đối với hai quần đảo của nước ta. Căn cứ này rất mơ hồ và lỏng lẻo.
Tiến sĩ Trần Công Trục lập luận: “Nếu lấy căn cứ lịch sử để nhận chủ quyền thì bản thân đất nước Trung Quốc cũng chỉ xuất hiện từ thời Tần Thủy Hoàng. Vậy trước đó Trung Quốc thuộc ai, đất nước nào?”.
Trước những lập luận và kiến giải đanh thép, “Ông Biển Đông” mong muốn: Thế hệ trẻ hoàn toàn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó các em cũng cần phải yêu nước bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Tuyệt đối không để các thế lực xấu lợi dụng, kích động lòng yêu nước phục vụ mưu đồ chia rẽ của chúng”.
Học sinh hào hứng đặt nhiều câu hỏi dành cho diễn giả (Ảnh:V.N) |
Trong gần 2 tiếng đồng hồ, với kiến thức của một vị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực biên giới, lãnh thổ, Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp nhiều thông tin thêm về những vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và hoàn toàn không có tranh chấp:
“Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.
Quan điểm của Nhà nước Việt Nam chúng ta không phải chúng ta sợ mà Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình”.
Chia sẻ kiến thức bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia với học sinh phổ thông |
Lắng nghe những chia sẻ quý báu của Tiến sĩ Trần Công Trục, các em học sinh Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên Phúc Yên tỏ ra vô cùng hào hứng.
Nhiều câu hỏi của học sinh được gửi về diễn giả của buổi hội thảo.
Em Nguyễn Văn Xuyên, học sinh lớp 11A1 đặt câu hỏi: “Thưa diễn giả cho biết thế nào là đường lãnh hải và chiều rộng của đường lãnh hải?”.
Những câu hỏi này đều được Tiến sĩ Trần Công Trục giải đáp. Cuối buổi hội thảo “Ông Biển Đông” dặn dò: “Các em là thế hệ trẻ cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng các hành động thiết thực như tích cực trau dồi kiến thức về chủ quyền biển đảo, hăng say lao động, học tập.
Mỗi chúng ta trước tiên phải tập trung hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tùy từng cương vị của mỗi người. Khi cần, chúng ta sẽ đáp lại lời sông núi, sẵn sàng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta”.
Tiến sĩ Trần Công Trục chụp ảnh với giáo viên, lãnh đạo Trung tâm (Ảnh:V.N) |
Thay mặt hội đồng nhà trường, ông Kiều Minh Ngọc, phó giám đốc phát biểu: “Nhà trường xin được gửi lời cảm ơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và đặc biệt là diễn giả, Tiến sĩ Trần Công Trục vì đã tổ chức một buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa.
Thông qua buổi hội thảo nào không chỉ học sinh mà bản thân đội ngũ thầy cô giáo, nhân viên toàn trường cũng được trang bị nhiều kiến thức, hiểu về chủ quyền biển đảo.
Qua đó chúng tôi mong muốn mỗi em học sinh phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức, hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Để từ đó góp phần xây dựng quê hương đất nước đẹp hơn, giàu mạnh hơn”.