Viêm tai giữa ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ và học tập

03/01/2020 06:00
An Nhiên (tổng hợp)
(GDVN) - Bệnh viêm tai giữa do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ gây nên. Khi trẻ em bị viêm tai giữa, phần tai giữa có nhiều mủ, gây đau.

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ và các bậc cha mẹ cần biết những nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị bệnh kịp thời để giữ cho trẻ khỏe mạnh. 

Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa hay còn gọi là nhiễm trùng tai giữa xuất hiện viêm và nhiễm trùng ở phía sau màng nhĩ gọi là phần tai giữa. 

Bệnh viêm tai giữa do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ gây nên. Khi trẻ em bị viêm tai giữa, phần tai giữa có nhiều mủ, gây đau đớn.

Viêm tai giữa hay còn gọi là nhiễm trùng tai (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Viêm tai giữa hay còn gọi là nhiễm trùng tai (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Triệu chứng viêm tai giữa 

Khi bị viêm tai giữa trẻ thường sốt, quấy khóc, kém ăn, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, đau tai, chảy mủ, dịch tai...

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có vòi nhĩ ngắn hơn, rộng hơn và nằm ngang hơn so với người trưởng thành. Do đó, chất lỏng từ cổ họng và tai ngoài có chứa vi khuẩn dễ dàng đi qua ống vào tai giữa.

Trẻ bị viêm đường hô hấp dễ khiến vòi nhĩ bị tắc nghẽn, sưng viêm dẫn đến các chất dịch tiết ra bị mắc kẹt trong đó. Điều này tạo ra một môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn và virus sinh sôi. 

Khi bị viêm tai, vòi nhĩ bị sưng mủ và tạo áp lực lên màng nhĩ khiến màng nhĩ phồng lên, thậm chí bị rách do áp lực gia tăng. 

Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa đông. Đa phần các trẻ trong độ tuổi từ 6 – 18 tháng tuổi đều có thể mắc bệnh.

Cách điều trị viêm tai giữa ở trẻ

Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ nhỏ đều có thể tự khỏi trong ba hoặc bốn ngày ngay cả khi không dùng thuốc kháng sinh.

Nếu trẻ không khỏe và tình trạng nhiễm trùng không phải là do virus gây ra, bác sĩ có thể cho thuốc kháng sinh.

Lý do nên bỏ ngay tăm bông để ngoáy tai

Ngoài ra, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu gặp các triệu chứng như:

- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi

- Các triệu chứng nhiễm trùng nặng lên sau 24 giờ

- Trẻ tỏ ra rất đau

- Có dịch chảy ra từ tai

Cách phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ

Một số cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ mà nhỏ các bậc cha mẹ có thể thực hiện như:

- Tiêm chủng đầy đủ các mũi theo từng tháng và độ tuổi của con. Đặc biệt là vacxin cúm.

- Cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu để ngăn ngừa các bệnh về tai, tăng cường sức đề kháng.

- Trẻ hơn 6 tháng không cho ngậm núm vú giả.

- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Rửa tay cho trẻ thường xuyên tránh vi khuẩn, vi trùng.

An Nhiên (tổng hợp)