Một cậu bạn của tôi ngoài quê hồ hởi gọi điện thoại báo tin: “Mình vừa được đề bạt lên làm hiệu phó, công việc mới nên cũng khá bận”.
Gặp hiệu trưởng có tâm không chỉ giáo viên mà chính học sinh cũng được hưởng lợi (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn). |
Nghe bạn nói, tôi hơi ngạc nhiên vì bạn tôi vốn khá giỏi lại năng động, cỡ bạn phải làm lãnh đạo lâu rồi mới đúng.
Tôi tỏ hỏi lại: “Ơ, thế tưởng đằng ấy lên lãnh đạo lâu rồi chứ? Người tài như bạn, sao giờ này mới được đề bạt?”
Cậu bạn nói rằng: “Đâu dễ thế đâu bạn ơi! Mình cũng phải chi chừng ấy…mới đến lượt”.
Nghe thế, tôi cũng không thể nào hiểu được khi bạn bỏ chừng ấy tiền ra sẽ lấy gì để bù vào? Chẳng lẽ lại trông chờ hoàn vốn bằng những khoản ngoài lương? Nếu không thế ai lại dại gì phải bỏ ra chừng ấy?
Những ông, bà làm “vua” một cõi
Hằng ngày, đồng nghiệp kể cho nhau nghe biết bao chuyện về Ban giám hiệu trường mình.
Có những hiệu trưởng tốt nhưng vẫn còn không thiếu những hiệu trưởng cơ hội, vụ lợi, luôn thu vén lợi ích cho bản thân mình.
Gặp những hiệu trưởng như này, bất kể giáo viên nào cũng ngán. Thật đau xót khi có không ít giáo viên nói về hiệu trưởng của mình: “Ăn tạp, không từ một cái gì”.
Bớt từng chế độ của học sinh nghèo, o ép giáo viên để ai muốn sống yên ổn phải phong bao, quà cáp thường xuyên.
Nào họ liệt kê, một năm có bao ngày lễ, Tết thầy cô đều phải đi phong bì đủ. Phong bao nhẹ hơn người khác thì đôi khi đi cũng như không.
Một số đồng nghiệp ở một số tỉnh phía Bắc tiết lộ, ngày 20/11 phong bì thăm hiệu trưởng có khi lên đến vài triệu đồng.
Có hiệu trưởng mới ho một tiếng, bao kẻ vây quanh xun xoe, nịnh nọt lấy lòng. Họ điểm mặt chỉ tên từng người vắng. Thế rồi, ai lọt vào “tầm ngắm” thì sống cũng không yên ổn vì luôn bị để ý, bắt ne, bắt nẹt đủ chuyện.
Vì ăn đủ đường nên họ giàu lên nhanh chóng. Một số trường có căn tin, có bếp ăn bán trú trong trường thì mỗi tiền hoa hồng bên cung cấp thực phẩm hiệu trưởng cũng ấm.
|
Trường có ngàn học sinh, hoa hồng chi tới 15% thì hàng tháng hiệu trưởng đã có vài chục triệu đồng.
Quyền hành đi cùng bổng lộc như thế nên không ít người luôn bằng mọi giá để có được nó.
Vậy mà, xứ tôi lại hoàn toàn ngược lại. Có giáo viên được cơ cấu vào nguồn lại tìm mọi cách để không có tên. Có không ít Ban giám hiệu người xin về hưu trước tuổi, người lại làm đơn xin từ chức.
Nếu bổng lộc đầy mình thì sao nhiều người lại làm thế?
Xin thôi chức lãnh đạo, xin về hưu trước tuổi không còn là hiện tượng cá biệt
Cô bạn thân của tôi trong này đã làm đơn xin thôi chức hiệu phó khi mới nhận chức chưa tròn một năm. Cũng có khá nhiều người bất ngờ vì làm lãnh đạo chẳng thích hơn làm lính, bao người mơ ước sao bạn tôi lại từ bỏ?
Thầy T. Hiệu trưởng một trường tiểu học gần nơi tôi giảng dạy cũng đã xin nghỉ hưu non khi còn tới 3 năm nữa mới đến tuổi hưu.
Cô Th. Hiệu trưởng một trường tiểu học trong địa bàn vẫn đang chờ cấp trên xét duyệt khi cô đã nộp đơn xin về hưu trước 3 năm.
Và ngay chính ngôi trường của tôi đang giảng dạy, năm học vừa qua cả hiệu phó và hiệu trưởng cùng làm đơn xin được xét về hưu non khi mỗi người còn tới hơn 5 năm công tác.
Lý do mọi người đưa ra là vì công việc quá áp lực, lo cho sức khỏe của mình không thể đảm đương.
Sống lương thiện, thanh bạch nhiều người sẽ không muốn làm lãnh đạo vì quá áp lực
Nếu làm đúng trách nhiệm thì công việc của một lãnh đạo quản lý, của người phụ trách chuyên môn trong nhà trường cũng vô cùng áp lực.
Đã thế, ngoài đồng lương nhà nước trả, những người lãnh đạo chân chính họ chẳng bao giờ tư lợi điều gì từ tập thể, từ chính nhân viên của mình nên cuộc sống của họ cũng khá khó khăn vì đồng lương quản lý cũng chỉ hơn lương giáo viên ít phần trăm trách nhiệm.
Họ làm vì lương tâm trách nhiệm, không làm vì bổng lộc níu kéo, thế nên bản thân họ nhẹ lòng mà chính những giáo viên dưới quyền như chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng thoải mái vì không hề bị làm khó.
Cả năm giáo viên không đến nhà, chẳng thăm nom và không cần quà cáp
|
Giáo viên chúng tôi chỉ cần làm tốt công việc của mình được giao là chẳng lo bị ai làm khó.
Để lấy lòng Ban giám hiệu, chúng tôi chẳng phải lo 20/11 đi quà gì cho sếp, ngày lễ, Tết thăm nom thế nào?
Ai quý tình thì tới thăm nom, có tặng món quà gì cũng mang nặng nghĩa tình chứ không mang hơi hướng quà cáp hối lộ để lấy lòng.
Thậm chí ngay cả khi sếp bị bệnh nằm viện cũng chỉ đại diện công đoàn tổ, công đoàn nhà trường đến thăm bằng tiền quỹ quy định chung cho tất cả cán bộ giáo viên, công nhân viên của trường.
Thế mà trong công việc chẳng ai bị làm khó, cũng chẳng ai được ưu ái đặc biệt để bị lời ra tiếng vào.
Vẫn luôn là làm tốt được khen, làm chưa tốt bị nhắc nhở. Thế nên thầy cô giáo nào cũng lo làm tốt công việc của mình mà khỏi bận tâm lo sao để lấy lòng các sếp.
Đề cao dân chủ nên lãnh đạo không phải là “vua”
Một số công việc được nhà trường triển khai nếu chưa phù hợp, giáo viên vẫn có quyền lên tiếng đề đạt nguyện vọng để được xem xét, điều chỉnh.
Nếu không muốn tự mình có ý kiến trước hội đồng nhà trường thì những nguyện vọng của giáo viên được phản ánh với Chủ tịch công đoàn nhà trường.
Chính vị chủ tịch sẽ lên trao đổi trực tiếp với nhà trường, và nhiều nguyện vọng đã được giải quyết một cách ôn hòa và hợp lý.
Những điều không thể thay đổi, giáo viên cũng được thông tin một cách rõ ràng. Có lẽ vì điều này mà giáo viên chúng tôi lên trường luôn trong tâm thế thoải mái, dễ chịu.
Và nhờ thế mà bao năm, lãnh đạo với giáo viên luôn có mối quan hệ khá gắn bó, thân thiết với nhau tạo nên một tập thể vững mạnh và luôn đoàn kết.