Giới buôn SIM số và đầu cơ SIM đẹp lập tức nháo nhác như ong vỡ tổ, kêu than sẽ phá sản nếu các nhà mạng áp dụng quy định này.
Theo đó, Quy định số 978/VNPT-QĐ-KD mới ban hành ngày 06/07/2011 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về thời hạn sử dụng SIM trả trước của MobiFone và VinaPhone, các SIM/KIT của MobiFone và VinaPhone phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 sẽ có thời hạn sử dụng tới 24h ngày 31/12/2013.
Các SIM/KIT của hai mạng nói trên phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng đến 24h ngày 31/12 của năm thứ hai liền ngay sau năm phát hành. Sau thời hạn sử dụng nói trên, MobiFone và VinaPhone sẽ thu hồi lại các số thuê bao quá hạn sử dụng, khai báo và phát hành lại theo qui định hiện hành.
Theo quan điểm của VNPT, quy định về thời hạn lưu hành SIM chưa kích hoạt là nhằm quản lý thuê bao tốt hơn và tránh lãng phí kho số, hạn chế thuê bao ảo không phát sinh cước gây lãng phí tài nguyên. Việc siết chặt hạn dùng này cũng sẽ giúp hạn chế việc các đại lý đầu cơ SIM đẹp để bán tăng giá kiếm lời, đồng thời buộc các đại lý phải bán SIM nhanh hơn chứ không thể “găm hàng” chờ dải số có giá hơn mới bán.
Năm 2011, đại lý SIM số dính "thảm họa" kép. |
Khi phát hành SIM ra thị trường, nhà mạng cũng đã phải đầu tư về hạ tầng mạng để đủ khả năng phục vụ, nộp phí tần số để SIM kích hoạt có thể hoạt động tốt. Nếu một lượng lớn SIM phát hành ra thị trường không được kích hoạt, nhà mạng sẽ vẫn phải trả các chi phí này, cộng thêm việc lãng phí kho số, tăng tỉ lệ thuê bao ảo. Đây đều là những vấn nạn mà cơ quan quản lý đang yêu cầu các nhà mạng phải khẩn trương khắc phục.
Dân buôn SIM than trời
Thực hiện quyết định 978/QĐ-VNPT-KD của VNPT, mạng VinaPhone mới đây đã tiến hành thông báo tới các đại lý về thời điểm thu hồi SIM/kit chưa kích hoạt. Đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này cũng sẽ áp dụng tương tự VinaPhone trong thời gian sắp tới. Riêng nhà mạng Viettel cho biết chưa áp dụng chính sách này trong thời gian trước mắt.
Vậy là các chủ SIM cuống cuồng tổng kiểm tra kho số mình đang giữ để xem lại thời hạn của từng số SIM. Anh T.A, chủ cửa hàng SIM lâu năm ở Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Gần 8 năm trong nghề, mỗi năm bán ra ôm vào vài vạn SIM đẹp có xấu có. Giờ trong túi tôi lượng SIM nhập trước và sau 1/8 nhiều lắm, ngồi kiểm tra thì đến bao giờ. Chưa có năm nào khổ như năm nay".
Trong lúc theo dõi nhất cử nhất động của các nhà mạng, giới dân buôn đang phải nín thở "sống trong sợ hãi". Anh Quách Ngọc, đầu nậu SIM tại TP.Hồ Chí Minh cho hay: "Mới quý II đã ôm một quả bom sợ đến toát mồ hôi nếu SIM đẹp thêm số. Giờ thêm vụ này nữa thì nan giải lắm. Chẳng biết các nơi khác làm ăn ra sao chứ từ lúc bắt đầu có thông tin thêm đầu số là khách hàng đã 'làm lơ' hết cả rồi. Buôn bán đã chật vật, giờ thêm quy định thu hồi SIM hết hạn chắc phải bỏ nghề, chấp nhận bán tống bán tháo mà chuyển sang ngành khác mất thôi".
Bản thân một Phó GĐ kinh doanh chi nhánh của một nhà mạng (không muốn nêu tên) cho biết: "Nếu quy định này có hiệu lực và thực thi một cách triệt để thì e rằng cái thu về chưa thấy đâu mà chỉ nhãn tiền là quan hệ giữa bộ phận kinh doanh của nhà mạng và đại lý sẽ bị ảnh hưởng nặng. Xưa nay việc ôm cả mớ vài vạn SIM để 'đục' lấy 100-200 SIM số đẹp bán gỡ gạc đã thành 'truyền thống' của giới kinh doanh SIM số rồi, bởi ngoài số SIM đẹp ra thì các số còn lại chỉ có thể bán bằng giá nhập hoặc ăn lãi rất ít để gỡ vốn mà thôi".
Một số chủ đại lý đang ôm quá nhiều SIM đẹp cho rằng họ thậm chí sẽ kiện VNPT vì khi nhà mạng bán SIM cho họ trước ngày 1/8/2011 đâu có ghi thời hạn lưu hành trên bao bì sản phẩm hay trong hợp đồng mua bán. Nếu thay đổi thời hạn này, nhà mạng cần phải thỏa thuận với đại lý chứ không thể ép họ bán tống tháo hết SIM, vì nếu lỡ ôm hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn SIM thì đến hết năm 2013 cũng chưa thể bán hết được.
“Hư chiêu” của nhà mạng?
Đứng ở một góc độ khác, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam cho biết: "Đây có thể chỉ là chiêu “rung cây dọa khỉ” của nhà mạng với đại lý SIM số. Có thể sau Quyết định này sẽ có các văn bản hoặc hợp đồng mới với thỏa thuận về việc gia hạn thường niên cho SIM số mà đại lý đang găm, giữ nhằm quản lý tốt hơn số SIM chưa kích hoạt mà thôi".
Cũng theo chuyên gia này thì sau VNPT, rất có thể là Viettel không sớm thì muộn cũng sẽ đưa ra yêu cầu tương tự đối với các đại lý SIM thẻ. Đây là điều khó tránh bởi tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 115 triệu thuê bao di động và nếu cứ đà này, kỷ lục 180 triệu SIM/87 triệu dân của năm 2010 sẽ bị phá bởi cách quản lý đại lý SIM thẻ lỏng lẻo như trước đây.
Chưa nói đến các đại lý cấp 1, chỉ cần một đại lý cấp 2 thì mỗi tháng số lượng SIM nhập về cũng lên tới con số vài nghìn. Nếu có quy định về việc gia hạn SIM đang lưu giữ hàng năm thì chỉ tính riêng việc hàng nghìn đại lý cấp 2 phải thực hiện việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian và các chi phí phát sinh.
Đó có thể là việc nhà mạng phải đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý kho số cũng như các máy "kích" hạn SIM mà không cần tách vỉ; các đại lý cấp 1, cấp 2 phải rà soát kho số thường xuyên, lập bảng quản lý và "nhắc việc" mỗi khi đến kỳ gia hạn. Thậm chí, có người còn nói vui là việc làm này chẳng khác gì các đại lý vé số cắt góc, nộp lại công ty vào cuối mỗi giờ chiều.
Những "con" SIM đẹp giá trị cao rất dễ bị thu hồi trước quyết định mới. |
Anh Tuấn, chủ một đại lý SIM thẻ tại Đê La Thành/Hà Nội bức xúc: "Nếu nhà mạng làm khó đại lý như vậy thì còn ai muốn làm đại lý cấp 1, cấp 2 nữa? Liệu rằng các ông lớn đó đã có đủ độ phủ cửa hàng giao dịch chưa để thay thế và tự phân phối SIM số? Hay đó chỉ là một cách chơi khó nhau hơn giữa thời buổi làm ăn khó khăn này?".
Hậu quả của phát triển thuê bao nóng
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí tài nguyên kho số và thuê bao ảo quá lớn, suy cho cùng cũng xuất phát từ mối quan hệ giữa các nhà mạng và đại lý. Nhà mạng muốn phát triển thuê bao mới thật nhanh để tranh giành thị phần, nên bán SIM cho đại lý theo cả dải 10 ngàn số liền nhau. Đại lý càng mua nhiều thì càng có cơ hội lấy được dải số/đầu số đẹp hơn. Các đại lý đầu cơ bằng cách “đục” từ 1 vạn số ra được khoảng 2% là SIM đẹp để bán chênh kiếm lời, còn lại là bán bằng giá nhà mạng để thu hồi vốn. Nhưng SIM không đẹp sẽ không thể bán chạy nên ngày càng tích lũy trong kho nhiều lên và trở thành thuê bao ảo, gây lãng phí kho số.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, quan điểm của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) từ trước đến nay vẫn khẳng định là “không có khái niệm SIM số đẹp”, các số thuê bao di động đều như nhau về quyền lợi và trách nhiệm.
Việc nhà mạng “bán buôn cả mớ” cho đại lý với giá đồng hạng là chuyện hoàn toàn bình thường theo thỏa thuận kinh tế. Đại lý khi “ôm” hàng chục ngàn chiếc SIM cũng đã chấp nhận khả năng rủi ro nếu những SIM đẹp không được giá và bị lỗ. Việc đầu cơ không phải là hành động được pháp luật bảo vệ, nên khi xảy ra tranh chấp kinh tế, đại lý khó có cơ sở để yêu cầu bồi thường giá trị của SIM số đẹp.
Xét cho cùng, việc siết chặt quản lý và thu hồi SIM số là một việc làm cần thiết để tránh lãng phí thêm kho số. Nhưng trong trường hợp này, nhu cầu thu hồi lại phát sinh từ chính hậu quả của việc các nhà mạng quản lý lỏng lẻo kinh doanh SIM trả trước trong cả một quá trình dài. Nhưng những người lâu nay được hưởng lợi nhờ sự quản lý lỏng lẻo đó, chẳng phải ai khác, cũng chính là các chủ đại lý chuyên buôn SIM số đẹp.
Theo VietNamNet