“Vào cuộc họp, đọc những lời nhận xét trên phiếu liên lạc, nghe những lời nhận xét thiên về chỉ trích của cô chủ nhiệm cho con, em không thể ngồi hết buổi họp mà đành phải đứng dậy ra về trong bức xúc”.
Lời tâm sự của một giáo viên có con học tại một trường trung học quê tôi đã làm cho bất cứ người nghe nào cũng thấy đắng lòng.
Trước dăm chục phụ huynh, nhiều người đang mãn nguyện hào hứng khi con mình đạt thành tích tốt và đang được cô hết lời khen ngợi, còn con mình lại hứng chịu cơn “mưa” chỉ trích liệu bạn có buồn không?
Bất kể phụ huynh nào có con bị chê trong tình cảnh ấy cũng rất buồn. Nỗi buồn được nhân lên gấp nhiều lần khi phụ huynh lại chính là thầy cô giáo.
Những ánh mắt nhìn cảm thông thì ít mà khinh khi lại nhiều. Có người còn buông vài câu nói nửa chừng: “Con thầy cô giáo mà lại…”. hay “Con mình không dạy tốt thử hỏi dạy con ai?”…
Chỉ là lời nói nhưng sắc hơn dao, chẳng khác gì kiếm dao đâm vào da thịt vì nó còn xúc phạm đến danh dự, nghề nghiệp của họ.
Chính giáo viên còn chưa bỏ được suy nghĩ trong đánh giá học sinh thì trách gì ai?
|
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thay đổi việc đánh giá học sinh theo điểm số như trước đây, sang việc đánh giá theo hướng phát triển năng lực.
Thế nhưng không ít thầy cô giáo hiện nay, khi nhận xét một học sinh chỉ nhìn vào việc em ấy đạt bao nhiêu điểm để áp vào học giỏi hay dở dù cho nhiều điểm khác em ấy vô cùng nổi trội.
Nói điều này, tôi bỗng nhớ đến đứa cháu của mình đi học về khóc tức tưởi vì bị xếp hạnh kiểm khá.
Cậu bé nói trong nỗi uất ức vì cảm thấy chưa công bằng: “Con bị một điểm kém trong sổ đầu bài nên không được xếp hạnh kiểm loại tốt. Bao nhiêu việc con làm tốt cho lớp, cho các bạn thì không ai xét cho con, sao mỗi con điểm xấu từ đầu năm đến nay thì ai cũng nhớ?”
Không ít giáo viên chủ nhiệm bậc trung học chỉ nhìn bảng điểm in ra thấy điểm tổng kết cao là khẳng định em A. học tốt, chăm chỉ. Hay nhìn điểm thấp là kết luận em B. lười học và học dốt.
Thầy cô nhiều khi không biết rằng, em B. ngoài thời gian lên lớp, về đến nhà là em B. học cả ngày nhưng do em hay quên, nhận thức cũng không nhanh nhạy như các bạn nên kết quả học tập không cao.
Riêng em A. dù điểm cao nhưng khá lười học. Em có đủ mánh quay, copy bài mà đôi khi thầy cô không hề biết.
Những trận “mưa” đòn roi, chửi rủa của phụ huynh sau mỗi buổi họp phụ huynh về
|
Nhiều học sinh rất sợ mỗi dịp họp phụ huynh. Có gia đình sau buổi họp phụ huynh về đã trút những cơn thịnh nộ mắng chửi và đòn roi lên đầu các em.
Bởi thế, không ít em bỏ nhà ra đi, có em rơi vào trầm cảm chỉ ở rịt trong nhà, em lại xa lánh bố hoặc mẹ vì quá sợ.
Gia đình người em họ của tôi đã một phen bạt vía kinh hồn khi cậu con trai lớp 7 bỏ nhà đi vì bị bố đánh cái tội học dốt: “Mày làm bẽ mặt tao trong cuộc họp. Mày hỏi chúng nó xem ăn gì mà giỏi thế còn mày lại ngu thế?”
Cậu bé đã bỏ đi ngay sau đó, cũng ngỡ như bao lần đi quanh đâu đó rồi về. Thế nhưng đến tối vẫn không thấy gia đình phải gọi người thân bủa đi tìm kiếm khắp nơi. Cũng may, do đói và mệt nên cậu bé nằm ngoài vườn ngủ thiếp đi.
Cô bạn thân lại cho biết, khi bị bố mẹ chửi sau buổi họp phụ huynh về, cô bé lớp 9 đã đóng rịt của phòng suốt cả ngày trời.
Và kể từ ngày đó, nó liên tục tìm cách lánh mặt bố mẹ. Nhìn con bé mất đi nét hồn nhiên luôn có mà cha mẹ xót xa lòng nhưng chẳng biết làm gì để thay đổi.
Giáo viên cần thay đổi nhận thức trong việc đánh giá học sinh
Cậu bé H. học sinh lớp tôi chủ nhiệm có lực học vào loại yếu thế nhưng cu cậu lại có tài trong bơi lội.
Mỗi lần khu phố, xã phường nơi cậu bé ở tổ chức hội thi bơi bao giờ H. cũng đạt giải. Nhiều bạn cùng trang lứa, thậm chí có một số các anh chị lớp lớn hơn đều nhìn em với cặp mắt ngưỡng mộ.
Mỗi lần nhắc nhở em học, hoặc hợp tác với phụ huynh, tôi thường nêu những thành tích bơi lội của em khen ngợi để cậu bé thêm phần phấn khích.
Phụ huynh cũng thấy vui vì không bị giáo viên kêu ca nhiều về lực học của con chỉ đơn giản là sự trao đổi chân tình để có biện pháp giúp cháu đạt mức trung bình trong học tập là được.
Có lẽ vì thế, mỗi ngày H. một tiến bộ hơn dù vẫn còn khá chậm.
Không ít người trong chúng ta luôn thừa nhận những người bạn của mình trước đây học yếu hơn mình nhưng bây giờ lại khá thành đạt trong cuộc sống.
Nguyên do vì đâu? Vì học văn hóa bạn ấy có thể không giỏi nhưng bạn lại giỏi về một lĩnh vực khác.
Bởi thế, việc ép trẻ phải học giỏi một cách toàn diện, phải học bằng bạn thì mới có tương lai đang là những suy nghĩ sai lầm cần phải sửa.
Và giáo viên chính là những người phải thay đổi nhận thức đầu tiên.