“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được nhiều người nêu ra để bảo vệ quan điểm Nhà nước phải tăng lương cho nhà giáo trong bối cảnh gánh nặng giáo dục công lập đối với ngân sách và biên chế ngày càng tăng.
Tăng lương đồng loạt cho nhà giáo theo cách hiểu về “quốc sách hàng đầu” hiện nay không phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, cũng như Nghị quyết số 19-NQ/ TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/ QH14) đã được Quốc hội ban hành với quy định tại Điều 76: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Quy định của Luật là như vậy, nhưng triển khai thực hiện như thế nào để chất lượng giáo dục tăng lên, đời sống nhà giáo được cải thiện?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, một giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội quyết “đốt thuyền” bỏ sổ lương ra mở trường tư những năm đầu của giáo dục tư thục.
Vẫn vóc hạc ngày nào, thầy Khang như chìm vào miền kí ức, trở lại thời “khai sơn phá thạch” say sưa kể cho chúng tôi những mẩu chuyện về hành trình làm giáo dục của mình, rất đỗi đời thường nhưng lại chứa đựng nhiều ý vị.
Chúng tôi ngồi nghe mà như uống từng lời, bởi thấy trong những mẩu chuyện dung dị ấy lại hàm chứa nhiều gợi mở chính sách còn nguyên tính thời sự với đời sống giáo dục hôm nay.
Nhân dịp đầu xuân Canh Tý, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc những mẩu chuyện này, hy vọng bạn đọc có thêm ý vị bên tách trà năm mới, bàn câu chuyện đổi mới giáo dục.
“Đốt thuyền”
Những năm 80, sau chiến tranh, nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề, lương công chức chỉ đủ sống trong 10 ngày đầu tháng.
Ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nơi tôi công tác, các khoa tìm đủ mọi việc để cán bộ giảng dạy có thêm thu nhập nuôi gia đình: gia công lắp ráp tivi, làm hộp xốp, nấu nước mắm, sản xuất sơn dầu, làm nước sinh tố...
Tuy vậy, không ai dám bỏ biên chế nhà nước vì còn phụ thuộc vào chế độ bao cấp (sổ gạo, tem phiếu thực phẩm,…). Tôi vừa là cán bộ giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, vừa là Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Marie Curie. Liệu có làm tốt được cả hai việc?
Thời đó, những người đứng ra mở trường dân lập không nhất thiết phải rời biên chế nhà nước. Vì thế, hầu hết đồng nghiệp của tôi đều “chân trong, chân ngoài”.
Tuy vậy, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định xin nghỉ việc ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để tập trung toàn bộ thời gian và sức lực xây dựng Trường Marie Curie.
Thầy Nguyễn Xuân Khang nhận đóa hoa tri ân từ học trò. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Không có nhà thì thuê, không có tiền thì vay, không có người thì tuyển... bắt đầu từ hai bàn tay trắng với một quyết tâm lớn.
Nhiều người lo cho tôi, nhất là người thân trong gia đình. Người tin thì bảo “hắn dũng cảm”, người không tin nói “thằng liều”.
Một câu hỏi gay cấn đặt ra: Không thành công thì sao?
Tôi nói vui: Thì theo “thiếu tá” hoặc “đại tá” (như một câu vè phổ biến thời bấy giờ). Nghiêm túc hơn thì giãi bày: Tôi học theo “binh pháp Tôn Tử”, nghĩa là “dụng binh” theo cách “chỉ có đường tiến, không có đường lui”. Đó là kế “đốt thuyền”.
Trường Marie Curie là trường phổ thông dân lập đầu tiên ở Hà Nội thí điểm mô hình bán trú, nội trú, có xe buýt đưa đón học sinh đi học…
“Gãi đúng chỗ ngứa” của người dân thủ đô, cha mẹ học sinh kéo nhau đến trường, trước là xem nó ra làm sao, sau là tìm cách gửi cho được “quý tử” vào trường.
Đáp ứng nhu cầu của dân, được dân ủng hộ là động lực lớn nhất giúp chúng tôi vượt qua muôn vàn khó khăn của những năm tháng dựng trường. Đó cũng là bài học sâu sắc nhất của chúng tôi: Hãy biết và làm những gì người học mong muốn!
Sự hiện diện của Trường Marie Curie gần 30 năm nay ở Thủ đô Hà Nội đã khẳng định chúng tôi thành công.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang bên học trò trong Gala kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Marie Curie (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Xin phép Tổng bí thư cho tôi được nói thật
Năm 1993 tôi may mắn được dự một cuộc họp tại Văn phòng Trung ương Đảng có mặt hầu hết các lãnh đạo ngành giáo dục, Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Nguyễn Đình Tứ, các Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo ngành, các nhà giáo lão thành Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào...
Tôi ngồi ở hàng ghế cuối, hơi xa. Tôi nói với anh Lê Đức Thúy - Trợ lý Tổng bí thư Đỗ Mười, trong phòng này tôi là người nhỏ nhất, cả về chiều cao, cân nặng, tuổi đời, tuổi nghề cho đến vị thế xã hội, nên tôi xin phép ngồi lắng nghe là chính.
Khi ấy, tôi mới thành lập Trường dân lập Marie Curie được 1 năm. Tổng bí thư Đỗ Mười rất cởi mở, ông mong muốn mọi người nói thẳng, nói thật.
Bộ trưởng Trần Hồng Quân báo cáo vắn tắt về thực trạng giáo dục, trong đó có nội dung khiến tôi đặc biệt chú ý, tỉnh Thái Nguyên chỉ có 25% giáo viên đủ trình độ đứng lớp, còn lại 75% không đủ năng lực đứng lớp.
Sau đó, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào và Giáo sư Nguyễn Lân đều đề nghị Nhà nước có ưu đãi đặc biệt đối với giáo dục, nhất là các trường sư phạm - nơi đào tạo ra đội ngũ giáo viên của cả nước.
Điều đó rất đúng, cái tâm của 2 nhà giáo lão thành Nguyễn Thúc Hào và Nguyễn Lân không chê vào đâu được. Lúc đó, tôi có 3 tờ giấy A4, viết ra một số điều, nếu được phát biểu thì tôi sẽ nói. Tôi không nhớ rõ ai đó đã mời tôi phát biểu.
“Kính thưa Tổng bí thư, cháu đến từ 1 đơn vị cơ sở, trước khi đến đã chuẩn bị 3 trang báo cáo thực tế của một nhà trường gửi anh Lê Đức Thúy. Phát biểu những gì ngoài nội dung đó, nếu được Tổng bí thư cho phép, cháu xin mạo muội trình bày”.
Tổng bí thư Đỗ Mười chậm rãi đến góc phòng, nơi đặt tích nước, rót nước rồi quay lại bảo: “Thầy cứ nói thoải mái. Trong không gian này thầy cứ nói thoải mái”.
Ít ai biết thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang đã từng phải “đốt thuyền”, bỏ hết sổ lương giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để chuyên tâm làm tư thục trong thời kỳ còn bao cấp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Quốc sách hàng đầu, vì đâu nên nỗi truân chuyên?
“Cháu vừa được nghe thầy Hào, thầy Lân phát biểu cần có ưu tiên cho giáo dục, các nhà giáo, các trường sư phạm, miễn học phí, ưu tiên lương cho giáo viên… những ý đó rất tốt đẹp.
Nhưng cháu có cảm giác các bác đá quả bóng này sang cho Nhà nước và Tổng bí thư, không biết có bắt được không? Đúng, giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Hôm nay bác Đỗ Mười họp với các nhà giáo và chúng ta thấy trong không gian này giáo dục là hàng đầu, được Tổng bí thư hỏi han, quan tâm từng điều, cho phát biểu thoải mái.
Nhưng sáng mai họp với ngành giao thông, không khí có sôi nổi, có bức xúc, có đáng được ưu tiên như giáo dục hôm nay hay không?
Chiều mai họp với quốc phòng, an ninh, y tế… cháu nghĩ rằng không khí các buổi họp đó cũng không kém phần hôm nay.
Cháu muốn nói rằng, giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu. Hàng đầu có nghĩa là còn những ngành khác cùng hàng. Nhưng giáo dục phải mất hàng thập kỷ mới thấy được hiệu quả, còn giao thông phải tính từng giờ; quốc phòng an ninh tính từng ngày; công nghiệp tính từng tháng; nông nghiệp tính từng quý…
Giao thông phải ưu tiên, sự an nguy của Quốc gia gắn với an ninh quốc phòng cũng phải đặt lên trên... Bởi vậy, nếu tăng lương cho giáo viên, không lý gì lại không tăng cho y tế, lực lượng vũ trang...
Hôm nay ngồi với nhau, giáo dục là trên hết, nhưng ngày mai ngồi với ngành khác, giáo dục lặn tăm ngay. Cũng như trong gia đình, bố mẹ muốn con ăn học đến nơi đến chốn để sau này đỡ khổ hơn bố mẹ.
Ngặt nỗi chiều nay hết gạo, hết củi, nhà dột… phải sống cái đã, có hiện tại mới có tương lai. Tăng lương muốn hiệu quả thì giá cả thị trường phải ổn định.
Những năm qua (những năm 90) giá cả tăng chóng mặt, tăng lương chỉ có ý nghĩa khi giá thịt, giá gạo, nhu yếu phẩm ổn định.
Chúng ta phải tính toán xem, nếu tăng lương đồng loạt, giá cả có tăng lên không, có giải quyết cho những lực lượng này cải thiện cuộc sống?
Cháu xin thưa, lương cháu ở Đại học Tổng hợp lúc này là 90 ngàn đồng/ tháng, thuộc mức trung bình, nhưng giáo viên ở Trường Marie Curie lương 300 ngàn đồng/tháng, hơn gấp 3 lần lương giảng viên.
Trường cháu trả được như vậy, 2 vợ chồng cùng dạy, 1 tháng lương họ 600 ngàn đồng, không phụ thuộc vào sổ gạo, đi viện tự bỏ tiền chữa bệnh, bỏ tiền đi du lịch…
Tức là giáo viên trường cháu họ sống được. Cứ cho là giáo viên công lập hiện nay bằng lương cháu, liệu Nhà nước có tăng được gấp 3 lần không? Giá cả có không tăng? Cháu nghĩ điều đó là không tưởng.
Cháu thấy thầy Hào, thầy Lân đề xuất như thế là rất tốt, nhưng Tổng bí thư có bắt được quả bóng này không?”
Năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động mới là cơ sở để tăng lương
“Cơ sở để tăng lương là tăng năng suất lao động. Trong một đơn vị sản xuất, tăng lương cho công nhân phải trên cơ sở tăng năng suất lao động.
Đầu cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho biết, ở tỉnh Thái Nguyên chỉ có 25% giáo viên đủ trình độ để đứng lớp. Dân gian lúc này định nghĩa, “giáo viên là một xã viên có nghề phụ là giảng dạy”.
Quan điểm của thầy Khang về những điều chỉnh thi quốc gia sau năm 2020 |
Hợp tác xã cứu đói thầy cô, nhượng cho các thầy cô ô đất nào đó để tăng gia. Họ dạy ở trường “câu được câu mất”, vì tâm lý còn lo ruộng ngô ruộng sắn ở nhà. Đó là thực tế.
Cháu dạy ở Đại học Tổng hợp 820 tiết/năm, gấp hơn 3 lần chuẩn yêu cầu 240 tiết/năm theo nghĩa vụ của 1 giảng viên. Tiết 241 trở đi được thanh toán vượt giờ, kịch khung là 480 tiết được thanh toán, từ tiết 481 trở đi là ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Thế mà cháu còn dạy ở ngoài 20 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiết để có thu nhập và sống được với thu nhập này.
Nói như thế để thấy khả năng tiềm tàng của người 45kg như cháu, không chỉ là một người làm việc bằng hai như kêu gọi của Bác Hồ mà còn có thể làm việc bằng năm, bằng mười. Đó là hiện thực.
Bây giờ như ở tỉnh Thái Nguyên, việc của 100 người giao cho 25 người, năng suất lao động của một người tăng gấp 4, có cơ sở tăng lương cho họ gấp 3, đảm bảo cuộc sống.
Cái này đã có gốc từ lý luận kinh điển. Tăng lương gấp đôi mà giá cả tăng gấp 3, gấp 4 thì tăng lương đâu còn giá trị nữa”.
Hiện trạng ngày nay y chang cuộc họp năm 1993, trước khi ra Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII về giáo dục. Một nhiệm kỳ sau, Trung ương lại có Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về giáo dục. Hai nhiệm kỳ liên tiếp Trung ương đều có nghị quyết về giáo dục.
Nghị quyết có ý tưởng tầm nhìn cho 20 - 25 năm, nhưng trong vòng 3 - 4 năm đã có nghị quyết mới, chứng tỏ thực tế đã thay đổi rất xa.
Khi 2 phương án tăng lương giáo viên được nêu ra, tôi tin chắc Quốc hội không đồng ý xếp lương giáo viên cao nhất trong thang lương hành chính. Nhưng giả sử Quốc hội đồng ý, liệu có giải quyết được vấn đề không?
Chính sách không tạo ra tiền bạc, chỉ có năng suất lao động mới tạo nên của cải vật chất. Người lao động nói chung cần sự công bằng, khuyến khích người chăm chỉ có năng lực đến người không chăm chỉ ít năng lực.
Đó là động lực của phát triển xã hội nói chung, sản xuất nói riêng. Gốc vấn đề là phải giảm biên chế trong giáo dục, đừng tự tách giáo dục thành siêu nhân để xã hội phải đặt ở ngôi cao nhất.
Không ai phủ nhận nhưng khi vào bài toán cụ thể, người ta không ký, không duyệt, mà có duyệt cũng không giải quyết được vấn đề.
Phát triển hệ thống giáo dục tư thục lành mạnh không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân mà còn giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách để tăng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng thu ngân sách.
Hiện thực rõ ràng, chủ trương chính sách đã có từ lâu, nhưng mới đi vào thực tiễn được 2 - 3 phần, còn lại do cơ chế thực thi vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Trường ngoài công lập trả lương giáo viên như thế nào?
Ở các trường ngoài công lập không trả lương như Nhà nước, không dựa vào bằng cấp, thâm niên mà trả lương trực tiếp vào công việc người lao động được giao.
Thâm niên và bằng cấp chỉ để tham khảo xem giáo viên có đủ điều kiện giao việc hay không, giao việc gì, nhiều hay ít để quyết định thu nhập cao hay thấp.
Sinh viên mới tốt nghiệp vài năm nhưng năng động, năng lực tốt và làm việc hiệu quả sẽ được trả lương tương xứng, không thua kém giáo viên lâu năm.
Trả lương vào việc chứ không trả lương vào người sẽ công bằng, vừa khuyến khích những người làm việc tốt hơn, vừa cảnh tỉnh những người làm việc không tốt. Sau 1 chu kỳ hợp đồng có thời hạn, liệu trường có ký với mình nữa không?
Lúc này, chính họ phải tự hỏi mình và tự thân vận động. Mỗi người có mặt tốt, mặt chưa tốt, ai cũng phải tìm cách phát huy mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực để tồn tại trong môi trường này.
Trường Tiểu học Marie Curie thành lập cách đây 5 năm, riêng giáo viên lớp 1 tôi cho họ tự nhận lương theo 7 bậc, bậc 1 lương 10 triệu đồng/tháng, bậc 2 lương 14 triệu đồng/tháng, bậc 3 lương 16 triệu đồng/tháng… và bậc 7 cao nhất 22 triệu đồng/tháng.
Khi tuyển giáo viên, tôi phát cho mỗi người một tờ giấy tự nhận xem mình ở mức lương nào. Thực tế có 2 người tự tin nhận mức lương 22 triệu đồng/tháng, còn lại là 20 triệu đồng, 18 triệu đồng, 16 triệu đồng có cả.
Chủ nhiệm lương tối thiểu là 16 triệu đồng, dưới 16 triệu đồng là phó chủ nhiệm, phần lớn nhận mức lương 16 triệu đồng - sàn của chủ nhiệm.
Họ có cân nhắc đấy chứ, bởi tâm lý ai cũng muốn lương cao? Sau 2 - 3 năm dạy học, ai xuất sắc thì tôi nhấc lên chứ không tăng đồng loạt theo sao, theo gạch, đến hẹn lại lên. Tôi không ga-lăng, không lãng tử, mà đằng sau đó là cả vấn đề tâm lý con người và triết lý cuộc sống.
(Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ 2: Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới quyến rũ được cha mẹ học sinh)