Vừa dạy xong tiết 3 buổi chiều, chuẩn bị ra về, cô giáo D. nhận điện thoại từ một số lạ. Người gọi là đàn ông, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của Trung tâm điện máy… nơi cô D. đang mua trả góp ti vi, tủ lạnh.
Người đàn ông đọc đầy đủ tên, số chứng minh nhân dân, nơi công tác, địa chỉ thường trú, số tiền đã trả góp, số tiền còn thiếu, thời gian phải đóng … chính xác tuyệt đối.
Thay mặt Trung tâm điện máy… cảm ơn cô giáo đã thanh toán đầy đủ, kịp thời, nhân viên không phải gọi điện nhắc nhở; báo tin vui cho cô giáo:
“Mã số khách hàng của cô vừa trúng giải thưởng tri ân cuối năm của Trung tâm điện máy…; giải thưởng gồm một bộ đồ trang sức của công ty PJ trị giá 21 triệu đồng và một phiếu giảm giá 5 triệu đồng.
Bộ đồ trang sức của công ty PJ, phiếu giảm giá sẽ được chuyển đến ngay; cô kiểm tra rồi nhận hàng; cô phải trả tiền VAT 10% cho bộ đồ trang sức; phiếu giảm giá nếu không sử dụng thì có thể đến ngân hàng Agribank chuyển sang tiền mặt.
Bộ đồ trang sức của công ty PJ cô không muốn sử dụng, Trung tâm điện máy… sẽ thanh toán tiền mặt cho cô”.
Có giáo viên vừa nhận tiền thưởng Tết thế là “mất luôn Tết” vì trúng số lừa. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Vô cùng mừng, cô giáo cảm ơn rối rít; suy đi nghĩ lại đây là sự thật, không thể lừa đảo được, vì mọi điều họ đưa ra đều có lợi cho mình cả, vậy là có một cái Tết đủ đầy!
Thế rồi, 30 phút sau đã có nhân viên Trung tâm điện máy … đến trường, chỉ mất 2,1 triệu đồng cô giáo D. đã nhận về “tổng giải thưởng” 26 triệu, còn “lãi” 23.900.000 đồng!
Sau cuộc điện thoại, cô giáo mất hết tiền thưởng Tết!
Sáng hôm sau cô giáo D. ghé ngân hàng Agribank để chuyển phiếu giảm giá chuyển sang tiền mặt theo hướng dẫn của nhân viên Trung tâm điện máy… mới phát hiện trúng “số lừa”, đưa bộ “trang sức” ra tiệm vàng hỏi giá thì mới té ngửa “hàng giả” chỉ vài trăm bạc!
Đến Trung tâm điện máy… hỏi chương trình tri ân khách hàng cuối năm, đại diện trung tâm bảo không hề có chương trình này; gọi điện lại số điện thoại còn lưu trên máy, chỉ nghe thông báo “ò ý ò e”.
Thôi rồi, vừa nhận tiền thưởng Tết thế là “mất luôn Tết” vì trúng số lừa!
Chuyện cô D. “trúng số” không cá biệt; thầy giáo Sỹ T. kể: “Mình cũng bị lừa y như thế, may mà khi nhận bộ trang sức, vợ mình không thích; liền bảo với người giao hàng chuyển sang tiền mặt, mình chỉ lấy hai chục triệu chẵn (Tổng 26.000.000 đồng, trừ VAT 10% bộ trang sức 2.100.000 đồng; người nhận giải được 23.900.000 đồng, tức là dành 3.900.000 đồng cho người giao hàng – NV).
Nhân viên giao hàng bảo “cứ đóng tiền VAT, giữ phần thưởng, mai họ đến thanh toán tiền mặt". Mình không đồng ý, cả tuần nay không thấy nhân viên đến phát “phần thưởng” cho mình”.
Lừa đảo bủa vây thời đại công nghệ số!
Những kẻ lừa đảo đang giăng bẫy thầy cô ngay từ cổng trường |
Những chiêu trò lừa đảo này không mới, chỉ có nạn nhân mới.
Những kẻ lừa đảo tận dụng tâm lý cả tin, tham lam của mỗi người, chúng đưa ra kế hoạch “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, nếu không tỉnh táo, “con mồi” rất dễ cắn câu.
Xử lý thế nào trước các thông tin trúng thưởng?
Thời đại số, thông tin cá nhân chúng ta rất dễ bị lộ. Người thì vô tình phơi bày trên mạng xã hội, có khi thông tin chúng ta bị bên thứ ba bán cho người khác hoặc bị rò rỉ vì vô tình.
Vì vậy, nếu ai đó đọc vanh vách thông tin cá nhân chúng ta, chắc chắn đó là … kẻ lừa đảo! Nhận những cuộc gọi như thế, hãy nói với họ “Xưa rồi Diễm ơi”, đừng tò mò xem chúng lừa mình như thế nào.
Nếu thực sự trúng thưởng, chẳng có dịch vụ nào không muốn sử dụng hình ảnh đáng yêu của bạn để quảng cáo; phần thưởng sẽ được long trọng trao tặng, công ty có quyền sử dụng hình ảnh nhận thưởng của bạn.
Đừng ngây thơ, cả tin mà mất luôn tiền Tết, tiền lương. Cảnh giác không bao giờ thừa trong cuộc sống số hôm nay, không ai cho không mình, tất cả đều có giá của nó!