Gặp M., cô giáo buồn rầu kể lại câu chuyện, nhưng không quên rào đón “Em kể, thầy viết lại để mọi người cảnh giác, nhưng tuyệt đối thầy không được nêu tên trường em, xấu hổ lắm.
Nguồn cơn cũng bắt đầu từ một “bạn” Facebook của cô giáo tổng phụ trách. Bạn của cô giáo tổng phụ trách giới thiệu “việc nhẹ lương cao” là xếp hạc giấy.
Mỗi con hạc giấy được trả 1.500 đồng, chi phí giấy hết 300 đồng, như vậy cũng kiếm được 1.200 đồng một con. Toàn bộ giấy phải mua của bạn cô tổng phụ trách cho đồng màu; toàn bộ hạc xếp được cũng do người bán giấy bao tiêu luôn.
Mua giấy, chuyển tiền; giao hạc trả tiền, quy ước … rất sòng phẳng.
Mỗi ngày xếp siêng năng cũng làm được vài trăm con, đúng là “việc nhẹ, lương cao”.
Cả trường ăn Tết bằng … hạc giấy! (Ảnh minh họa: VTV) |
Thế là gần như nữ giáo viên trong trường ai cũng tham gia, một số giáo viên chủ nhiệm lớp 4, lớp 5 còn lấy thêm giấy về cho học sinh lớp mình xếp gây quỹ lớp; người nhiều cũng cả triệu bạc, người ít cũng dăm trăm ngàn tiền mua giấy màu.
Cả trường cứ như một “công trường hạc”, rảnh là xếp hạc, trưa xếp quên ngủ, tối tranh thủ xếp; vui vẻ mong chờ ngày giao hạc nhận tiền.
Sau khi xếp gần xong, cô tổng phụ trách liên hệ bạn facebook, thì bạn đã biến mất tự khi nào.
Tiền mất, hạc chất bao, mới có chuyện Tết này cả trường em ăn tết bằng … hạc giấy!”
Chiêu lừa không mới, chỉ có nạn nhân mới!
Đã có chiêu lừa tương tự, không ít giáo viên sập bẫy khi xâu “chuỗi ngọc”, một ký “ngọc bằng nhựa” hai trăm ngàn, xâu thành chuỗi được “mua lại” bốn trăm ngàn; người bình thường ngày xâu tàn tàn cũng được 5kg, kiếm triệu bạc như chơi.
Mua “ngọc” trả tiền, “ngọc xâu” không ai lấy, cứ thế mắc lừa vì “việc nhẹ, lương cao”.
Không có việc nhẹ, lương cao!
Có việc nhẹ, lương cao không? |
Cả tin là nguyên nhân đầu tiên của việc “sập bẫy lừa”, chúng ta phải hiểu đơn giản là “nếu có việc nhẹ, lương cao thì không thể đến phần mình”, họ dành việc đó cho bản thân và… người nhà của họ rồi.
Quy luật cuộc sống, quy luật thị trường luôn khẳng định “tất cả đều có giá của nó”.
Nếu muốn có thu nhập cho người lao động, người lao động phải tạo ra thặng dư cho chủ sử dụng; trong lúc sản phẩm mình làm ra “vô giá trị”, làm sao người ta trả công … cao cho mình.
Cứ suy nghĩ đơn giản như thế, chắc chắn không mắc lừa “việc nhẹ lương cao”.
Ngày nay, mạng xã hội đang là “sản phẩm không thể thiếu” của không ít người; “bạn” trên mạng xã hội càng khó tin hơn bao giờ hết; tin “bạn” trên mạng xã hội khác nào … bán rẻ mạng mình.
Sử dụng mạng xã hội thông minh, kết bạn cho vui thì được, tin “bạn” để mong có “việc nhẹ lương cao” là vô cùng ấu trĩ.
Đồng tiền không dễ kiếm, rất dễ tiêu; mỗi giáo viên sử dụng mạng thông minh, cảnh giác không bị lừa cũng là một nhiệm vụ phải hoàn thành trong thời đại công nghệ đang đi đến từng ngóc ngách cuộc sống.