“Xin Huyện được đóng bảo hiểm nhưng Huyện không cho”
Theo văn bản này, các Quận, huyện, thị xã phải niêm yết công khai danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ.
Chờ đặc cách, giáo viên Mỹ Đức đi vặt lông vịt để mưu sinh |
Kết thúc thời gian công khai, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã lập danh sách chính thức giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được xem xét đặc cách, chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách trên và gửi về Sở Nội vụ (qua phòng xây dựng chính quyền) để tổng hợp báo cáo Thành phố trước ngày 07/01/2020.
Đến nay, đã quá thời hạn quy định (7/1/2020), tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), hơn 240 giáo viên hợp đồng khối Tiểu học và Trung học cơ sở không một ai có tên trong danh sách đủ điều kiện xét đặc cách.
Điều này đồng nghĩa: Cánh cửa đặc cách đã đóng lại với số giáo viên trên.
Điều đáng nói, lý do giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa không đủ điều kiện được xét đặc cách là do không được đóng bảo hiểm xã hội.
Điều này được chính ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa thừa nhận và cho biết thêm: Việc huyện không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng mặc dù thiệt thòi cho các thầy cô nhưng do huyện không có kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội.
Chỉ một câu trả lời là do không có kinh phí đã đẩy 242 giáo viên hợp đồng vào tình cảnh cay đắng không được xét đặc cách. Cũng cần nói thêm, mức lương giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa hiện đang nhận là 1.490.000 đồng.
Huyện Ứng Hòa ký hợp đồng 1 năm/ lần với giáo viên hợp đồng, không đóng bảo hiểm, mức lương chi trả thấp (Ảnh:N.H) |
Giáo viên cũng phản ánh: Đã nhiều lần đề nghị Huyện cho đóng bảo hiểm tự nguyện nhưng Huyện không đồng ý.
Cô giáo N.T.H bức xúc: “Ngoại trừ khối mầm non thì toàn bộ giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa không một ai có đủ điều kiện để được xét đặc cách.
Điều này rất thiệt thòi cho chúng tôi. Vì chúng tôi đi làm với đồng lương ít ỏi, không được đóng bảo hiểm.
Đến khi Thành phố có chủ trương đặc cách thì không giáo viên nào đủ điều kiện. Công bằng nào dành cho hơn 200 con người ở đây?”.
Dai dẳng vấn đề xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N) |
Cô N.T.H cũng nhắc đi nhắc lại: “Đã rất nhiều lần chúng tôi đề xuất lên Huyện cho chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội.
Kể cả phải bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm tự nguyện chúng tôi cũng chấp nhận nhưng họ không cho.
Đến nay tất cả các Quận, huyện, thị xã đã có danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách. Duy chỉ có huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa giáo viên không được đặc cách vì không có đóng bảo hiểm xã hội.
Mới đây từ ngày 1/1/2020, huyện Ứng Hòa có ra thông báo sẽ bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng đến ngày 31/7/2020.
Tôi xin hỏi sau ngày đó chúng tôi có được đóng bảo hiểm nữa không? Trong khi đây là quyền lợi cơ bản của người lao động”.
Công bằng nào dành cho giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa?
Như đã phản ánh, đến thời điểm này chỉ còn 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa không công bố danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách với lý do chung: Số giáo viên này không được đóng bảo hiểm xã hội.
Điều này là một thiệt thòi rất lớn cho gần 600 con người (hơn 340 giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức; gần 240 giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa). Đã không được đóng bảo hiểm, họ còn phải nhận một mức lương rất thấp.
Giáo viên Hà Nội “ngậm cay, nuốt đắng”, Công đoàn Giáo dục ở đâu? |
Cô giáo L.T.M, giáo viên hợp đồng 10 năm nhưng vẫn đang nhận mức lương 1.490.000 đồng – bằng đúng mức lương cơ bản, không phụ cấp gì thêm và không được đóng bảo hiểm.
Cô L.T.M bức xúc: “Mức lương quá thấp chúng tôi phải bươn trải nhiều công việc để có thu nhập.
Nhưng buồn nhất là không đủ điều kiện để xét đặc cách.
Điều này không phải lỗi của chúng tôi mà do Huyện không đóng bảo hiểm cho giáo viên làm mất cơ hội của hơn 200 con người.
Tôi cảm thấy giáo viên chúng tôi rất thiệt thòi. Bao nhiêu năm hưởng lương thấp, bị đối xử bất công, không được đóng bảo hiểm.
Đến thời điểm được đặc cách thì lại không có trong danh sách. Như vậy có phải là thiệt đơn, thiệt kép hay không?”.
Trước tình cảnh cay đắng của gần 600 giáo viên hợp đồng hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa, với tư cách là tờ Báo đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của giáo viên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần phản ánh về tình trạng trên.
Bởi chúng tôi nhận thấy đây thực sự là một điều bất công đối với số giáo viên này.
Thứ nhất, họ công tác trong ngành người ít nhiều cũng 5, 7 năm trở lên nhưng hưởng lương quá thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội đã là một thiệt thòi.
Thứ hai khi Thành phố có chủ trương xét đặc cách cho giáo viên thì gần 600 con người không được hưởng quyền lợi này vì không được đóng bảo hiểm.
Nước mắt nhà giáo, nỗi buồn Thủ đô (Ảnh:V.N) |
Trong khi đó lỗi sai ở đây xuất phát từ cơ quan sử dụng lao động. Điều này đã được luật hóa tại điều 216, Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như vậy có phải các thầy cô hợp đồng tại hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa đang chịu thiệt đơn, thiệt kép hay không?
Cũng cần nói thêm, trong vụ việc này chúng tôi không nhận thấy tiếng nói và vai trò của Công đoàn Giáo dục Hà Nội trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động (ở đây là các giáo viên 2 hợp đồng 2 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa).
Để đảm bảo quyền lợi cho số giáo viên hợp đồng này, Thành phố nên xem xét và có chính sách tháo gỡ.
Đầu tiên phải đảm bảo người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, được trả lương theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai phải có những chính sách riêng dành cho việc xét đặc cách cho gần 600 giáo viên hợp đồng hai huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Có như thế mới thực sự là nhân văn!