Một số kết quả tiêu biểu của Hiệp hội trong năm 2019

12/01/2020 06:34
Nguyễn Hoàng Trúc
(GDVN) - Năm 2019 là năm ghi dấu ấn đặc biệt của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ra đời trên cơ sở tổ chức lại VIPUA, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã từng bước khẳng định và phát triển, đã có những đóng góp bước đầu, đáng kể cho sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.

Các hội viên tham gia các hoạt động của Hiệp hội ngày càng nhiều, nhiệt tình và trách nhiệm hơn.

Tự trang trải về tài chính do các hội viên đóng góp, Hiệp hội đã tổ chức nhiều những hoạt động thiết thực, phong phú đa dạng và bổ ích, tạo được niềm tin của hội viên đối với Hiệp hội.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ I (2014-2019). (Ảnh: TT)
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ I (2014-2019). (Ảnh: TT)

I. Năm 2019 với những kết quả tiêu biểu 

1. Năm 2019 là năm Hiệp hội đã tập trung nghiên cứu các chủ trương chính đường lối của Đảng về giáo dục nói chung, nhất là về giáo dục đại học để đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị các giải pháp với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp giải quyết tháo gỡ khó khăn.

Quan điểm thẳng thắn, minh bach của Hiệp hội luôn được các trường, dư luận xã hội đồng tình, được các cấp quản lý quan tâm, tiếp nhận và xem xét giải quyết. 

1.1. Với văn bản dự thảo Luật sửa đổi Luật Giáo dục, Hiệp hội cho rằng:

- Về Hệ thống giáo dục quốc dân được cấu trúc như văn bản dự thảo là xa rời thực tiễn, không đáp ứng xu thế nhân lực của đất nước và không hội nhập quốc tế, không phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW. Xin đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận, biểu quyết riêng ở Quốc hội

- Về vấn đề nhà giáo: Đề nghị đưa vào luật lương của giáo viên tương đương của lực lượng vũ trang vì phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu

- Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa.

Trung ương không chỉ đạo giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, không quy định của trình độ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên

- Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa: sách giáo khoa được xuất bản bằng tiền từ ngân sách nhà nước sẽ là sách giáo khoa mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào

- Về vấn đề sở hữu: không quy định có hội đồng trường đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập

- Vê quản lý nhà nước về giáo dục: Quy định nhiệm vụ cho một số bộ như Điều 103 của Dự thảo là không tuân theo Điều 96 của Hiến pháp năm 2013, Điều 11 của của Luật tổ chức Chính phủ 2015, khoét sâu hố ngăn cách giữa giáo dục nghề nghiệp (một bộ phận của giáo dục) với hệ thống giáo dục của đất nước.

Mặt khác xin hỏi các bộ không ghi trong Điều 103 có làm nhiệm vụ quản lý theo ngành với giáo dục không?

Theo chúng tôi phải giữ lại Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành. (Công văn số 03/HH-NC&PTCS ngày 11/01/2019)

Ngày 3/1/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2014-2019) trong đó tổng kết nhiều nội dung quan trọng. (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 3/1/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2014-2019) trong đó tổng kết nhiều nội dung quan trọng. (Ảnh: Thùy Linh)

1.2. Với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học: 

- Về cơ bản Hiệp hội đồng ý với nội dung của dự thảo và có thêm có những ý kiến về đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học; về chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận… trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, những nhà đầu tư không nhất trí chuyển nhà trường sang hoạt động không vì lợi nhuân được thực hiện quyền rút vốn theo giá thị trường; 

-  Về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, công nhận, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường công lập: 

Điểm a, Khoản 1, Điều 6 (của Dự thảo) nên sửa lại như sau: Đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa có Hội đồng trường, Hiệu trưởng có trách nhiệm xây dựng phương án thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên trình cơ quan quản lý trực tiếp.

Phương án phải bảo đảm cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng trường và những vấn đề liên quan theo quy định tại Khoản 10, Điều 1 Luật giáo dục đại học sửa đổi

-  Về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, công nhận, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường công lập, về Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục, về trường ngoài công lập Hiệp hội cũng có những đống góp cụ thể.

(Công văn số 41/HH-NC&PTCS ngày 29/3/2019)

1.3. Kiến nghị một số giải pháp khẩn cấp cả lâu dài và trước mắt, đối với hệ thống trường sư phạm địa phương.

Trong Công văn số 58/HH-VP ngày 03/5/2019 Hiệp hội đã đề xuất một số kiến nghị về nguyên tắc chỉ đạo việc sắp xếp các cơ sở sư phạm, về phân cấp quản lý.

Trước mắt đề nghị Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Có văn bản chỉ đạo các Ủy ban Nhân dân tỉnh thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường cao đảng sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới; tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ;

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ (VTEP, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục đại học,…) chọn cử giảng viên các trường sư phạm tham gia tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cốt cán.

Trong công văn số 133/HH-NC&PTCS ngày 09/9/2019, một lần nữa Hiệp hội tiếp tục trình bày rõ hơn quan điểm về vấn đề trên đây. 

1.4. Góp ý cho Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học: Công văn số 131/HH-VP ngày 16/9/2019 nêu rõ:

- Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng là cần thiết và dựa trên 5 (Năm) điểm của bối cảnh chung và của Việt Nam: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự hội nhập sâu rộng, buộc phải phát triển sức mạnh trí tuệ, ngân sách nhà nước eo hẹp, nền đại học Việt Nam quá nhiều bất cập từ hệ thống đến cơ sở đào tạo.

- Có 9 việc lớn cần làm: Thực hiện tự chủ đầy đủ; Khuyến khích phát triển theo hướng đa ngành; Thực hiện kiểm định chất lượng; Khuyến khích đăng ký và thực hiện đúng theo mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn;

Trường đầu đàn trước hết phải do tự vận động vươn lên, không nên thiết lập một thứ bậc cố định; các đại học quốc gia và đại học vùng sau khi thực hiện cơ chế tự chủ đầy đủ, các trường thành viên sẽ trở nên những trường thực sự độc lập;

Cần chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, chính sách cụ thể. …và cuối cùng Phải suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng về việc thực hiện Luật Giáo dục đại học
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng về việc thực hiện Luật Giáo dục đại học

1.5. Về giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành: 

Trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 16/10/2019 lại ban hành Quyết định só 1584/QĐ-TLĐ về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động biệt phái luân chuyển cán bộ trong tổ chức công đoàn đã đưa các trường đại học, cao đẳng (không phải hội viên công đoàn, tổ chức công đoàn vào đối tượng điều chỉnh, thực chất là tiếp tục mở rộng quyền  lực chứ không phải phân cấp quản lý, ngăn cản chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước về thực hiện tự chủ đại học.

Trước tình hình này Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị Ủy ban  Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiểm tra làm rõ những điều mà Hiệp hội đã phản ánh, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong việc ban hành các văn bản dưới luật, gây khó cho các trường thực hiện.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo: “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”. (Ảnh: TT)
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo: “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”. (Ảnh: TT)

2. Năm 2019, Hiệp hội đã tổ chức 4 hội thảo quốc gia có quy mô lớn, có sự đồng chủ trì của các bộ, ban ngành Trung ương, các hội bạn, một số chuyên gia giáo dục, với số lượng từ 250 đến 350 đại biểu và trên 100 báo cáo tham luận.

Bên cạnh đó 17 câu lạc bộ các khối ngành nghề, khu vực, bộ quản lý, loại hình trường trực thuộc Hiệp hội,... đã tổ chức sinh hoạt thông qua tổ chức gần 30 hội thảo và tọa đàm, ở khắp các vùng miền trong cả nước.

Câu lạc bộ chính là sân chơi bổ ích để các trường hội viên tham gia cùng hỗ trợ, phối hợp, trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm xây dựng chương trình, phương pháp quản trị, đào tạo bồi dưỡng, phục vụ tốt cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhờ vậy hoạt động của Hiệp hội đi từ vĩ mô đến vi mô, từ diện rộng đến đến chiều sâu và đạt được hiệu quả thiết thực.

Ngoài việc dành riêng trên 90% dung lượng của báo cho lĩnh vực giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (www.giaoduc.net.vn), cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, với sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp đã tổ chức được nhiều những hội thảo và tọa đàm ở khối giáo dục phổ thông:

- 15 hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần khai thông cơ chế chính sách giáo dục: Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi;

Trường phổ thông trong trường đại học, thực trạng, cơ sở pháp lý và chính sách; Luật Giáo dục và các loại hình nhà trường ngoài luật; Thương mại hóa giáo dục, thực tiễn và cơ chế quản lý;

Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế chính sách; Trường quốc tế - nhu cầu - thực trạng quản lý và chính sách: Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP;

Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019;

Sự khác biệt trong mô hình quản trị giáo dục công lập và tư thục- Đề xuất điều chỉnh cơ chế quản lý nhà nước;

Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Chính sách thuế đối với trường tư thục;

Công bằng, bình đẳng về thuế giữa các loại hình cơ sở giáo dục; Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề;

Thực trạng lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập…

- 34 hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0

- 12 hội thảo tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông

Với những nội dung trên, hội thảo tọa đàm đã được tổ chức có sự tham dự và chỉ đạo của các đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Lãnh đạo của các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo các chuyên gia về giáo dục và về biên giới lãnh thổ. 

3. Những lớp tập huấn được tổ chức trong năm 2019:

Thường trực Hiệp hội cùng với một số câu lạc bộ tổ chức được 3 lớp tập huấn ngắn ngày để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên đào tạo điều dưỡng, cho cán bộ thư viện của các trường; đã mở 21 lớp tập huấn về khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở. 

Đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở mà Nghị quyết 29-NQ/TW đã đề cập trong giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. 

4. Năm năm qua (2014 – 2019) và nhất là năm 2019 Hiệp hội đã có bước tiến bộ mới, khẳng định vị thế của mình, được ngành giáo dục và dư luận xã hội quan tâm, đánh giá, động viên.

Năm 2019 đã kết nạp thêm 12 hội viên mới (gồm 10 trường và 02 cá nhân). Ngày đầu năm 2020 đã có thêm 02 trường cao đẳng gia nhập, nâng tổng số hội viên của Hiệp hội lên trên 400.

5. Năm 2019 là năm Hiệp hội hưởng ứng tích cực phong trào thi đua chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và chào mừng Đại hội toàn thể Hiệp hội lần thứ 2, bầu Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ II (2020 - 2024). Kết quả đạt được là rất phấn khởi...

Cụm thi đua số 6 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng kết, xếp loại và thống nhất đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen thưởng Bằng khen cho Hiệp hội.  

II. Những hoạt động chủ yếu trong năm 2020

Căn cứ và Chương trình hoạt động của mình, trong năm 2020, Hiệp hội tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các công việc cụ thể: 

1. Cơ cấu lại tổ chức bộ máy gọn nhẹ làm việc hiệu quả; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh một số điều khoản trong các văn bản điều hành nội bộ cho phù hợp với thực tế;

Cải tiến, duy trì phong cách làm việc nề nếp, trách nhiệm; duy trì tốt giao ban trực tuyến, tuần tháng. Thành lập Hội đồng cố vấn của Hiệp hội.

2. Tập trung góp sức đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, tổ chức 2 đến 3 hội thảo khoa học quốc gia và các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thông qua các tọa đàm hội thảo trao đổi các vấn đề bức xúc, soạn thảo các văn bản đóng góp ý kiến gửi các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp xem xét giải quyết.

3. Nghiên cứu sửa đổi điều chỉnh, bổ sung các văn bản điều hành quản lý tổ chức trực thuộc, câu lạc bộ để duy trì và nâng cao hiệu quả các hoạt động. Tiếp tục thành lập thêm các câu lạc bộ mới.

4. Tìm giải pháp phù hợp để gia tăng nguồn thu cho Quỹ hội. Thực hiện chi thu hợp lý, minh bạch, tránh lãng phí.

5. Củng cố duy trì và tăng cường xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan Trung ương, địa phương để có thêm nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động 

6. Tiếp tục thành lập thêm 5 câu lạc bộ mới, duy trì và thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ, tổ chức sinh hoạt (hội thảo, tọa đàm, bồi dưỡng) đều đặn, có nề nếp, nội dung sinh hoạt tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể, phấn đấu đạt được hiệu quả mong muốn.

Củng cố các tổ chức trực thuộc để có những đóng góp nhiều hơn tốt, hơn cho sự phát triển của Hiệp hội.

 Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành năm 2019 vào ngày 03/01/2020 thông qua Nghị quyết về tổ chức Đại hội toàn thể Hiệp hội nhiệm kỳ II (2020-2025) trong khoảng thời gian từ 19 đến 28 tháng 10/2020 tại Hà Nội.

Rà soát bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ, gửi báo cáo xin ý kiến cấp trên về nhân sự Chủ tịch, chuẩn bị lý lịch tư pháp cho nhân sự Chủ tịch.

- Tập trung chuẩn bị chu đáo, đầy đủ để tổ chức Đại hội thành công. Vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các trường hội viên hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội.

7.Tiếp tục nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các Luật khác có liên quan tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ, đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học.

+ Đề xuất các giải pháp trước mắt, trung hạn và lâu dài đối với hệ thống trường đại học, cao đẳng thuộc địa phương quản lý.

+  Tiếp tục đóng góp ý kiến về sắp xếp mạng lưới sư phạm, đào tạo giáo viên và những chính sách cụ thể đối với sư phạm đối với nhà giáo.

+ Nghiên cứu động viên thúc đẩy các trường hội viên thực hiện có kết quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025.

Nguyễn Hoàng Trúc