Cô giáo người Mường và những tiết học tiếng anh xuyên biên giới

29/01/2020 07:32
Vũ Ninh
(GDVN) - Điều gì khiến những học sinh lại chăm chú và mong chờ các tiết học tiếng Anh như thế? Khi theo chân cô giáo Hà Ánh Phượng trong một tiết học xuyên biên giới.

Cô giáo 4.0 dạy tiếng anh khắp thế giới qua màn ảnh nhỏ 

“Tiết học ngày hôm nay chúng ta sẽ gặp gỡ các bạn tại khu ổ chuột thành phố Mumbai, Ấn Độ. Các em đã sẵn sàng giới thiệu đất nước Việt Nam đến các bạn chưa?” – cô Hà Ánh Phượng mở đầu tiết học tiếng Anh cho học sinh tại Trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Hương Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Đáp lại học sinh hưởng ứng nhiệt tình bằng những tràng pháo tay dài. Tốp này các bạn chuẩn bị văn nghệ; tốp kia chuẩn bị những đặc sản của Việt Nam như bánh chưng, phở, bánh đậu xanh…

Một tiết học “xuyên biên giới” tại Trường Trung học Phổ thông Hương Cần được bắt đầu như thế.

Vị khách đặc biệt - cô giáo người Ấn Độ giao lưu với cô Phượng và học sinh trong một tiết học tiếng Anh tại Trường trung học phổ thông Hương Cần (Ảnh:Vũ Ninh).
 Vị khách đặc biệt - cô giáo người Ấn Độ giao lưu với cô Phượng và học sinh trong một tiết học tiếng Anh tại Trường trung học phổ thông Hương Cần (Ảnh:Vũ Ninh). 

Cô Phượng kết nối chiếc máy tính với mạng internet và truy cập thông qua một tài khoản skype. Học sinh hai quốc gia có thể nhìn thấy nhau và trò chuyện, giao lưu với nhau.

Những học sinh Trường cấp 3 Hương Cần hào hứng múa hát, giới thiệu sản vật. Đáp lại, các bạn nhỏ trong khu ổ chuột Mumbai cũng thân thiện hát những bài hát Ấn Độ truyền thống.

Cô Hà Ánh Phượng vui vẻ theo điệu nhạc lồng ghép nhiều câu hỏi giao lưu để học sinh hai quốc gia có thể tương tác với nhau bằng tiếng Anh. Sai ở đâu cô chỉnh ở đó. Tiết học tiếng Anh xuyên biên giới trở thành một trong những tiết học nhiều bạn mong chờ nhất.

Kể về phương pháp dạy tiếng Anh có 1 không 2 này, cô Phượng tự hào: “Tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình lớp học tiếng Anh xuyên biên giới. Tôi là một trong số những giáo viên đầu tiên sử dụng phương pháp dạy tiếng Anh này.

Phương pháp học tiếng Anh này đơn giản chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype và tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu và một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với hàng tỷ giáo viên, học sinh trên toàn thế giới”.

Năm 2018, cô Phượng lần đầu biết đến hình thức dạy tiếng Anh bằng hệ thống skype thông qua những lớp tập huấn của Microsoft và mang về áp dụng tại ngôi trường cô đang công tác.

Khi so sánh hiệu quả của hình thức dạy tiếng Anh thông qua các lớp học xuyên biên giới cô Phượng nhấn mạnh: “Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.

Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới. Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.

Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới”, cô Phượng chia sẻ.

Những tiết học “xuyên biên giới” giúp học sinh hứng thú hơn với việc học tiếng Anh (Ảnh:Vũ Ninh).
Những tiết học “xuyên biên giới” giúp học sinh hứng thú hơn với việc học tiếng Anh (Ảnh:Vũ Ninh).

Trong không gian của những lớp học xuyên biên giới, những học sinh người Mường tự hào giới thiệu bản sắc, văn hóa quê hương. Đầu dây bên kia là những tiếng cười, những tràng vỗ tay thích thú. Khoảng cách về địa lý, màu da…đã bị xóa nhòa. 

Cần lan tỏa những lớp học xuyên biên giới 

Thầy Phan Trọng Đức - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hương Cần giới thiệu:

“Những lớp học xuyên biến giới không chỉ dừng lại ở phạm vi nhà trường mà chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan dã ngoại kết hợp trải nghiệm cùng giáo viên nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh nhằm tạo một môi trường ngôn ngữ giúp các em có cơ hội rèn luyện cũng như thực hành kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong thực tế”.

Đánh giá về hiệu quả của các lớp học tiếng Anh xuyên biên giới, thầy Đức hồ hởi cho biết:

“Những tiết học tiếng Anh như thế này rất hiệu quả. Học sinh hứng thú hơn trong việc học cũng như tăng cường hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Tại trường có đến 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, cho nên việc các em hào hứng học tiếng Anh được coi là một sự thành công.

Bên cạnh hiệu quả thì phương pháp này cũng hoàn toàn không tốn kém và thực hiện rất đơn giản.

Nhà trường sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện phát huy những tiết học như trên về đường truyền, giáo án, trang thiết bị học tập”.

Học sinh trưởng thành hơn sau những tiết học tiếng Anh “xuyên biên giới” (Ảnh: Vũ Ninh)
Học sinh trưởng thành hơn sau những tiết học tiếng Anh “xuyên biên giới” (Ảnh: Vũ Ninh)

Sự thành công của những lớp học tiếng Anh xuyên biên giới tại Trường Trung học Phổ thông Hương Cần được coi là hình mẫu trong việc dạy và học tiếng Anh tại tỉnh Phú Thọ.

Mới đây, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, sẽ có nhiều hơn những lớp học tiếng Anh xuyên biên giới trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường tập huấn giáo viên và đưa mô hình dạy tiếng Anh thông qua mạng internet (skype) đến các trường trên địa bàn tỉnh.

Theo sau tỉnh Phú Thọ, nhiều tỉnh/ thành phố trên cả nước cũng bắt đầu áp dụng phương pháp dạy tiếng Anh kiểu mới này.

Ông Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết:

“Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình cũng như các hoạt động giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã có các hoạt động tập huấn và cho phép các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại nhằm tạo hứng thú cho học sinh từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh”.

Sau thành công của những tiết học tiếng Anh xuyên biên giới, cô Hà Ánh Phượng vẫn vô cùng khiêm tốn. Mong muốn của cô Phượng là có thể phổ biến hình thức dạy và học tiếng Anh này đến nhiều nơi trên cả nước.

Cô Phượng cười hiền: “Mình hay nói vui với học sinh, ngày nào cô trò cũng được đi du lịch 5 châu 4 biển, gặp gỡ hàng nghìn người bạn. Chỉ có giáo dục mới đem lại những điều đó”. 

Vũ Ninh