Trong ba ngày từ 4-6/01/2020, Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền kết hợp với Ban chủ nhiệm lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37A1 đã tổ chức đưa các bạn sinh viên năm 3 đi học thực tế và thực hiện một chương trình thiện nguyện tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Đây là một trong những hoạt động truyền thống được Khoa Tuyên truyền tổ chức đều đặn những năm gần đây dành cho các sinh viên năm thứ 3 của Khoa.
Mục đích là thông qua chuyến đi giúp sinh viên tìm hiểu thực tế công việc liên quan đến ngành học sinh viên đang theo học, gắn kết các kiến thức lý thuyết được học trên lớp với các công việc cụ thể, thực tế của các đơn vị việc làm một cách trực quan, sinh động.
Từ đó giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và điều chỉnh quá trình tích lũy kiến thức trong thời gian tới nhằm củng cố và nâng cao năng lực, nghiệp vụ đáp ứng công việc sau khi tốt nghiệp ra trường, tự tin tham gia vào thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội.
Ngày làm việc đầu tiên, lớp đã có buổi gặp mặt và giao lưu với Ban Tuyên giáo huyện uỷ, huyện đoàn Mộc Châu.
Tiếp đón và làm việc với lớp về phía huyện uỷ có ông Nguyễn Đức Nguyên – trưởng Ban tuyên giáo huyện Mộc Châu; bà Phạm Tú Uyên – Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Mộc Châu.
Thay mặt huyện uỷ, huyện đoàn Mộc Châu, bà Phạm Tú Uyên – Bí thư Đoàn Thanh niên đã có bài phát biểu khái quát về đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tiềm năng, lợi thế và thách thức của huyện trong thời gian qua.
Bà Phạm Tú Uyên - Bí thư Đoàn thanh niên huyện Mộc Châu có bài phát biểu |
Trong buổi gặp mặt, bà Uyên phấn khởi chia sẻ về những thành tích, những chương trình mà Đoàn kết hợp cùng với Huyện Uỷ đã đạt được trong thời gian qua.
Góp phần vào việc chăm lo đời sống, xoá đói giảm nghèo, hướng dẫn bà con kinh doanh để có một cuộc sống tốt hơn.
Cuối bài phát biểu, bà Uyên có nêu ra một số nội dung, phương hướng trọng tâm trong thời gian tới để giáo dục, tuyên truyền cho người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; làm cho mọi người hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của địa bàn, đất nước.
Trên cơ sở đó nâng cao lập trường, củng cố lòng tin và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Cô giáo bỏ tiền túi làm phim giáo dục cho học sinh |
Thúc đẩy, cổ vũ người dân tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Thông qua nội dung báo cáo, phát biểu của lãnh đạo huyện, các bạn sinh viên đã không khỏi tò mò và sôi nổi đặt những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành đang học, về việc phát triển đời sống kinh tế xã hội của huyện; những phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương hay cách thức tổ chức một buổi tuyên truyền như thế nào.
Trước những câu hỏi thiết thực và ý kiến phát biểu của các bạn sinh viên, lãnh đạo Huyện uỷ và Đoàn Thanh niên đã có câu trả lời cũng như sự giải đáp tường tận trong không khí thân thiện, cởi mở.
Về phía đoàn trường, Thạc sĩ Quản Văn Sỹ - Chủ nhiệm lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 cũng có đôi lời giới thiệu, chia sẻ về những vấn đề liên quan đến trường, khoa cũng như ngành học của các em sinh viên.
Qua đó mong muốn các em sinh viên được tiếp cận thực tế với công việc tương lai của mình, giúp các em được “học đi đôi với hành”. Đồng thời, thầy gửi lời cảm ơn chân thành đến sự tiếp đón nồng hậu, nhiệt tình của lãnh đạo và cán bộ huyện Mộc Châu.
Thạc sĩ Quản Văn Sỹ - Chủ nhiệm lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 chia sẻ tại buổi gặp mặt |
Sau hơn 2 giờ đồng hồ giao lưu, chia sẻ, cuộc gặp mặt kết thúc trong không khí vui vẻ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thầy và trò của lớp cũng như các đại biểu của địa phương trước những câu hỏi lý thú và sự quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Mộc Châu. Cả hai đều có những món quà thể hiện tấm lòng của mình với đôi bên.
Đoàn Thanh niên huyện Mộc Châu có món quà đặc sản quê nhà tặng thầy trò Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Thầy Quản Văn Sỹ - đại diện lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 có món quà tặng Ban Tuyên giáo huyện Mộc Châu |
Tấm ảnh kỉ niệm của thầy trò lớp trong buổi gặp mặt ban lãnh đạo và cán bộ Huyện uỷ, Huyện đoàn Mộc Châu |
Ngày làm việc thứ hai, thầy trò lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 tổ chức một chương trình thiện nguyện mang tên “Lan tỏa yêu thương” tại bản Mường Bó, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Vượt qua chặng đường dài hơn 250km theo quốc lộ 6 từ Hà Nội, thầy trò đến với các hộ dân bản Mường Bó trong thời tiết se se lạnh.
Nhìn những đôi mắt háo hức, những nụ cười đơn sơ chân thành của em nhỏ, các bạn sinh viên không khỏi xúc động và nghẹn ngào xót xa.
Giữa trời gió lạnh mùa đông vùng Tây Bắc ấy vậy mà trên người các em không có nổi tấm áo dày dặn, tấm khăn quàng cổ hay đơn giản là đôi dép nhựa để đi lại.
Nhà văn hoá của bản thực sự chỉ là một chỗ đơn sơ lẻ loi giữa núi rừng vô tận. Đồng cảm và thấu hiểu với những khó khăn, thiếu thốn đó, thầy trò lớp có những món quà nho nhỏ như: quần áo, khăn cổ, tất, đồ dùng học tập… và nhu yếu phẩm được các bạn sinh viên đóng gói cẩn thận gửi đến bà con nơi đây.
Sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự chân thành của các bạn sinh viên phần nào đã xua tan đi cái u ám, cái thiệt thòi của các em nhỏ và hộ dân bản Mường Bó, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.
Thầy Quản Văn Sỹ cùng các bạn sinh viên có món quà nhỏ gửi đến những hộ dân bản Mường Bó |
Thầy trò chụp ảnh kỷ niệm chuyến đi thiện nguyện tại Mộc Châu |
Sau hai ngày làm việc, đoàn có buổi nghỉ ngơi và đi tham quan một số địa điểm nổi tiếng ở Mộc Châu như: Đồi Chè Trái Tim, Rừng Thông Bản Áng, Thác Dải Yếm…
Thầy Quản Văn Sỹ và các bạn sinh viên chụp ảnh kỷ niệm tại Đồi Chè Trái Tim |
Thầy Sỹ và em nhỏ dân bản huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La |
Sinh viên lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 vui vẻ chụp ảnh kỉ niệm bên rừng thông |
Chuyến đi thực tế diễn ra ba ngày kết thúc tốt đẹp trong niềm hân hoan, náo nức của thầy và các bạn sinh viên thân yêu.
Sau chuyến đi trải nghiệm, có lẽ mỗi người sẽ có những cảm xúc và kỷ niệm riêng cho mình nhưng tất cả đều tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc đời mà ta đang sống, tìm thấy sự đoàn kết, gắn bó nơi thầy trò.
Hi vọng chuyến trải nghiệm bổ ích này sẽ đem đến động lực lớn cho các bạn sinh viên phấn đấu vươn lên trong học tập, trở thành những con người giàu tri thức, giỏi kỹ năng và dạt dào tình yêu thương con người.
Đó cũng là mục tiêu phấn đấu trong phương hướng đào tạo của Nhà trường. Hy vọng trong tương lai thầy trò lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K37 A1 sẽ tổ chức được nhiều chuyến đi học thực tế hơn nữa để có những bài học, những kiến thức và cảm xúc tuyệt vời này.