Đỗ học sinh giỏi coi như… mất Tết

16/01/2020 06:12
Lê Mai
(GDVN) - Tham gia bồi dưỡng thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh chỉ có ba việc: Học bồi dưỡng, học bồi dưỡng và làm hai việc trên!

Phòng thi học sinh giỏi Vật lý lớp 9 tại hồi đồng thi … sáng nay có sự lạ, một học sinh làm bài trên giấy nháp, nhưng để trắng giấy thi.

Thấy lạ, giám thị lại hỏi “Sao em không chép bài vào giấy thi?”, học sinh nhỏ nhẹ đáp “Cảm ơn thầy đã quan tâm, năm ngoái em mất Tết vì đỗ học sinh giỏi Toán lớp 8, năm nay em không muốn… mất Tết, nên em không chép bài vào giấy thi ạ”.

Tôn trọng quyết định của thí sinh, thầy giáo không “động viên” em làm bài vào giấy thi nữa.

Sau khi thu bài thi, thầy giám thị “xin” giấy nháp làm bài của em về cho giáo viên môn Vật lý “chấm thử”; giáo viên chấm nhận xét “Bạn này đảm bảo đỗ 100%”.

Ảnh mang tính minh họa trên internet, chưa rõ tác giả
Ảnh mang tính minh họa trên internet, chưa rõ tác giả

Tại sao học sinh sợ đỗ học sinh giỏi?

Đỗ học sinh giỏi huyện, được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, thời gian bồi dưỡng khoảng 1 tháng.

Tham gia bồi dưỡng thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh chỉ có ba việc: Học bồi dưỡng, học bồi dưỡng, làm hai việc trên!

Đặc biệt là dịp Tết, giáo viên bồi dưỡng sẽ giao mỗi ngày Tết, một đề thi; vì áp lực của nhà trường, gia đình… học trò chỉ còn cách “bò” ra học. Nhiều em “đóng cửa luyện công”, chỉ khi thi xong mới “xuống núi”.

Sau khi “mất Tết”, các em thấy nuối tiếc. Cực đoan hơn, năm sau còn “cố gắng học yếu đi” để không bị “chọn” đi thi học sinh giỏi.

Có em chủ động cho một môn dưới điểm trung bình để xếp loại cả kỳ trung bình, không đủ điều kiện đi thi học sinh giỏi, thế nhưng cũng không thể làm được!

Đề thi bắt theo “hot trend”: Học sinh hào hứng, giáo viên vất vả
Đề thi bắt theo “hot trend”: Học sinh hào hứng, giáo viên vất vả

Người viết đã gặp em “bỏ trắng giấy thi”, em tâm sự:

“Em chỉ ước mơ được trải nghiệm, vui chơi như các bạn; cứ như em, suốt ngày đi học, chán lắm thầy ạ.

Em thấy, ngày nay cần nhiều kiến thức ngoài sách vở, được trải nghiệm thực tế, có vậy mới có các kỹ năng sống.

So với các bạn khác, những “học sinh giỏi” cứ như “gà công nghiệp”; nói thật với thầy, em hổng có muốn đi thi. Vì vậy, em để giấy trắng.

Em về, nói thật với bố mẹ, bố đã gọi điện nói với cô giáo, em biết cô buồn nhưng cô tôn trọng quyết định của em”.

Có nên thi học sinh giỏi bậc học Trung học cơ sở?

Không nên, là câu trả lời của rất nhiều giáo viên. Học sinh giỏi có phải là nhân tài? Bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi có phải bồi dưỡng nhân tài?

Hoàn toàn không phải, bồi dưỡng học sinh giỏi hiện nay giống như “luyện gà đá”; các em được nhồi nhét kiến thức, học trước, học tủ, học lệch.

Ngoài ra việc thi học sinh giỏi cũng đầy rẫy tiêu cực; một giáo viên có thể đóng vai giáo viên bồi dưỡng, ra đề, chấm bài.

Học giỏi mà như “gà công nghiệp” thì chẳng phải giỏi. Trải nghiệm cuộc sống, trau dồi kỹ năng sống, phát hiện năng lực bản thân, là điều cần thiết cho mỗi học sinh trong thời đại công nghệ hiện nay.

Lê Mai