Trong bài viết “Phó Giáo sư Trần Thị Kim Oanh có đạo văn không?” đăng ngày 20/12/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải những thông tin ban đầu về những phản ánh bà Trần Thị Kim Oanh – Trưởng Bộ môn Tôn giáo học là tác giả cuốn sách chuyên khảo “Hồi giáo và Hồi giáo ở Việt Nam” được xuất bản vào năm 2013, sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nhưng không ghi trích dẫn.
Ngày 15/12/2019, trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thủy – Trưởng phòng Thanh tra và pháp chế Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, nhà trường đã chủ động xử lý vi phạm bước đầu với Phó Giáo sư Trần Thị Kim Oanh.
Đây là kết quả xử lý bước đầu và tiếp tục rà soát, kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định, không bao che sai phạm.
Phó Giáo sư Trần Thị Kim Oanh có đạo văn không? |
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu khi trong thông báo gửi Bộ môn Tôn Giáo học ngày 27/9/2019 do Hiệu trưởng nhà trường – Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh ký có đoạn “Quan điểm của nhà trường không bao che, dung túng những trường hơp cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của nhà trường, nhưng cũng không đồng tình với cách thức phê bình, góp ý không đúng nguyên tắc, quy định gây sự bất ổn trong cán bộ và sinh viên”.
Trong thông báo này của Hiệu trưởng cũng có đoạn “PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh đã báo cáo nguyên nhân của những thiếu sót này là do khi được nhà trường giao biên soạn giáo trình về Islam và Islam ở Việt Nam, do áp lực phải sớm hoàn thành giáo trình cho một học phần còn mới mẻ, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, ít cán bộ giảng dạy, nên chưa kịp bổ sung đầy đủ các nguồn tài liệu trích dẫn”.
Tuy nhiên, cần phải nói thẳng ra rằng khi thực hiện viết cuốn sách này bà Trần Thị Kim Oanh đã là Tiến sĩ. Đối với những quy định trích dẫn để hoàn thành cuốn sách này (được giới thiệu là công trình khoa học trên website nhà trường), chẳng lẽ bà Oanh "quên" nguyên tắc, không kịp thực hiện việc trích dẫn?
Công trình khoa học này có được tính điểm để phong Phó Giáo sư đối với bà Trần Thị Kim Oanh không? Nếu có thì vi phạm này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo sư nhà nước xử lý thế nào?
Nhiều độc giả cho rằng, nếu tạm thời coi việc không trích dẫn là sơ suất, thì có thể chỉnh sửa bổ sung nếu số lượng tài liệu tham khảo trong phạm vi nhỏ. Nhưng nếu coppy quá đoạn nhiều, xảy ra ở cả 4 chương của cuốn sách này thì có còn coi là “sơ suất” nữa không? Có độc giả nói thẳng ra hành vi không thực hiện trích dẫn ấy là "đạo văn", là một sự gian dối, cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sư phạm.
Cuốn sách này do bà Trần Thị Kim Oanh thực hiện coppy nhiều đoạn từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cuốn sách này được dùng để tính điểm phong Phó Giáo sư thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ xử lý thế nào? ảnh: KV. |
Về vấn đề này, chúng tôi xin nêu ra những phần đã được sử dụng vào cuốn sách để độc giả theo dõi tự có đánh giá, đồng thời thông qua những nội dung công khai này, tập thể nhà trường cũng sẽ có cái nhìn khách quan về việc bà Trần Thị Kim Oanh có đạo văn không, mức độ vi phạm thế nào?
Đối với Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TÍN NGƯỠNG ISLAM
- Tiết 1.1. Một số thuật ngữ danh xưng Trang 12 đoạn “Từ Islam xuất phát từ căn ngữ Ả rập… Sai lầm” chép từ trong sách: Islam (Đức tin và các ứng dụng, tài liệu trên mạng, trang 59) (Đạo Islam : đức tin và các ứng dụng, Author: Hammuđah Abđalati.; Dohamide Abu Talib, Publisher:Santa Ana, CA : Tư Sách Tim Hiểu Islam, ©1995. Sau được xuất bản theo bản của Nxb Tôn giáo);
- Trang 13, đoạn “Người sáng lập ra Islam là Muhammad nên đã gán cho Muhammad danh vị Đức giáo chủ… tiếp tục cho đến ngày chấm dứt thế gian” chép từ sách: Islam (Đức tin và các ứng dụng, tài liệu trên mạng, trang 60-61) (Đạo Islam: đức tin và các ứng dụng, Author: Hammuđah Abđalati.; Dohamide Abu Talib, Publisher: Santa Ana, CA : Tư Sách Tìm Hiểu Islam, ©1995. Sau được xuất bản theo bản của Nxb Tôn giáo);
- Trang 13 - 14, đoạn: “Do vậy người theo Islam chỉ tôn thờ Thượng Đế duy nhất là Allah quyền lợi tối hảo cho những người theo Islam”. chép từ sách: Islam (Đức tin và các ứng dụng, tài liệu trên mạng, trang 61 - 62) (Đạo Islam: đức tin và các ứng dụng, Author: Hammuđah Abđalati.; Dohamide Abu Talib, Publisher: Santa Ana, CA: Tư Sách Tim Hiểu Islam, ©1995. Sau được xuất bản theo bản của Nxb Tôn giáo).
- Tiết 1.3. Kinh Qur’ an đối với Islam, tiểu tiết 1.3.1. Hoàn cảnh ra đời và kết cấu của Thiên Kinh, trang 66, 67, 68, 69, 70, 78, 79, chép trong bài của DOHAMIDE, Kinh Cur - An trong sinh hoạt của Hồi Giáo, trang 31 đến trang 38, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 183, ngày 15/8/1964.
Khi mà tác giả coppy rất nhiều đoạn từ các nguồn khác nhau mà không hề có trích dẫn thì đó có phải là hành vi "đạo văn"? Hành vi này cần phải loại bỏ khỏi môi trường sư phạm. |
Đối với Chương 2: NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU TRONG ĐỨC TIN MUSLIM
- Tiết 2.2. Nguyên tắc hành đạo của Muslim, các trang 100, 101, 102, 103, 104, 105, 106, sao chép từ phần tài liệu của tác giả DOHAMIDE Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo, trang 53, 54, 55, 56, 57 Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 184, ngày 1/9/1964.
- Tiết 2.2. Nguyên tắc hành đạo của Muslim, phần Cầu nguyện từ trang 106, 107, 108, 109, 110, 111, 112, 113, và phần Nhịn chay tháng Ramadan, trang 114, 115, 116, sao chép trong phần tài liệu của tác giả DOHAMIDE, Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo, trang 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 185, ngày 15/9/1964.
- Tiết 2.2. Nguyên tắc hành đạo của Muslim, phần Hành hương Mecca từ trang 117, 118, 119, và phần Bố thí (Za kat), trang119, 120, 121, 122 sao chép trong phần tài liệu của tác giả DOHAMIDE, Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo, trang 29 đến trang 35, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 186, ngày 1/10/1964.
- Tiết 2.3. Nguyên tắc về cuộc sống của Muslim, tiểu tiết 2.3.1. Giá thú Muslim, từ trang 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130, 131, 132, 133, 134, 135, 136, 137, sao chép trong phần tài liệu của tác giả DOHAMIDE, Giá thú theo Hồi giáo Hồi giáo, trang 25 đến trang 30, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 191, ngày 15/12/1964.
- Tiểu tiết 2.3.2. Gia đình Muslim 138, 139, 140, 141, 142, 143, sao chép trong công trình của tác giả DOHAMIDE, Tập tục của người Hồi – II Gia đình người Hồi Giáo, trang 37 đến trang 42, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 189, ngày 15/11/1964.
- Từ trang 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150 về cuộc sống vợ chồng được sao chép trong công trình của tác giả DOHAMIDE, trang 23 - 27, Tạp chí Bách Khoa, năm thứ tám, số 190, ngày 1/12/1964.
Đối với Chương 3: ISLAM Ở VIỆT NAM
- Trang 153 -154, đoạn “Đông Nam Á được biết đến… đặc biệt là quốc gia Đông Nam Á Hải Đảo” được chép từ sách ISLAM Ở VIỆT NAM (Tiếng việt) Fatiha Kiểm tra lại Mohamad Djandal và Ibn Ysa, 2009 - 1430, Islamhouse) trang 3-4.
link: https://d1.islamhouse.com › data › ih_articles › news › vi_islam_in_vietnam [Tiếng Việt – Vietnamese – فيتنامي]. Fatiha. Kiểm tra lại: Mohamed Djandal và Ibn... Nếu xét theo nguồn gốc của tôn giáo ở Việt Nam thì có tôn giáo ngoại sinh... người Chăm Islam ở Việt Nam mới được biết rằng sau khi thu hồi độc lập và...
- Trang 155, đoạn “Người Chăm là một dân tộc đã từng… Sa huỳnh thời kì đồ sắt. Ở Việt Nam người Chăm có mối liên hệ gần gũi với các… Chu Ru”.
Trang 156-157-158-159-160-161-162: “Trước thế kỷ thứ VII có vương quốc Lâm Ấp từ năm Sơ Bình thứ 3 nhà Hán (192)… Khoảng 60.000 quân Chămpa bị giết và 30.000 bị bắt làm tù binh… Người chăm Ninh Thuận - Bình Thuận theo đạo Balamôn và Hồi giáo Bà Ni”, chép trong Wikipedia: Người Chăm. Link: https://vi.wikipedia.org/wiki/Người_Chăm
- Trang 163 đoạn “Người Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất… ma quỷ” Chép từ Wikipedia: Người Chăm; https://vi.wikipedia.org/wiki/Người_Chăm Phần sinh hoạt kinh tế.
- Trang 170-171-172-173-174-174-176, đoạn “Mỗi dân tộc, qua từng thời kỳ lại có một lối riêng để tính ngày tháng… Nếu miếng ấy màu đen thì lúc ấy đến giờ thứ sáu, giờ thứ bảy rồi”, chép từ “Khảo cứu lịch Chàm” của Nguyễn Khắc Ngữ, trang 51-66, Tạp chí Văn hóa Á Châu, số 5 (Tháng 8 năm 1958)
https://tusachtiengviet.com/images/file/xR6cJPFP1ggQANVJ/van-hoa-a-chau- so-5.pdf
- Trang 178 -179-180 – 181, đoạn: “Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 60.000 tín đồ Muslim người Chăm, tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Đồng Nai… Gần đây khi nghiên cứu về Islam ở Việt Nam, đa số các nhà khoa học thống nhất với nhau về sự có mặt của Islam tại Việt Nam và Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ IX”, chép từ ISLAM Ở VIỆT NAM (Tiếng việt) Fatiha Kiểm tra lại Mohamad Djandal và Ibn Ysa, 2009 - 1430, Islamhouse) Cộng đồng Muslim ở Việt Nam: trang 8-9 “Hiện nay… Mê Kông”.
Trang 9 “Năm 1991, những người Muslim ở thành phố Hồ Chí Minh lập ra Ban Đại diện Cộng đồng Islam… Ban Đại diện Cộng đồng Islam tỉnh An Giang”; “Hiện nay ở Việt Nam có 40 thánh đường Islam và 21 Surao… Ả Rập Xê út cho xuất bản tại đây”.
- Trang 181-183, đoạn “Ed.Hubert có tìm được trong tài liệu sử nhà Tống, một công thức tựa hồ như “Ollohu Akbar”… Thượng đế với một vị lãnh đạo Chăm Pa”, Chép từ Bài viết của DOHAMIE - “Hồi giáo tại Việt Nam”, Tạp chí Bách Khoa, số 193-194 trang 53-61, ngày 15/ 1/1965.
https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2019/03/nhatbook-Tap-chi-Bach- Khoa-so-193-194-1965.pdf
Đối với Chương 4: ISLAM CỦA NGƯỜI CHĂM
- Trang 189, đoạn “Như vậy, Bà ni lúc đầu chỉ là một danh hiệu hay danh xưng… được gọi là Hồi giáo cũ”, chép từ sách: Nguyễn Hồng Dương (2007), “Một số vấn đề cơ bản về Tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận Ninh Thuận hiện nay”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 129.
- Trang 189 - 190 - 191 -192 đoạn: “Người Chăm Bà ni hiện có khoảng 30.000 người sống trong các thôn ấp riêng trong giới hạn nhất định chủ yếu là ở thánh đường”, chép từ sách ISLAM Ở VIỆT NAM (Tiếng việt) Fatiha Kiểm tra lại Mohamad Djandal và Ibn Ysa, 2009 - 1430, Islamhouse) Cộng đồng Muslim ở Việt Nam, trang 10 -11.
- Trang 192-193-194-195-196-197-198-199-200 đoạn “lịch của người Chăm Bà Ni… ngày 25, giờ thứ 1 thấy Calia tức là giờ xấu lắm”, chép từ “Khảo cứu lịch Chàm” của Nguyễn Khắc Ngữ, Tạp chí Văn hóa Á Châu, số 5 (Tháng 8 năm 1958), trang 51-66
https://tusachtiengviet.com/images/file/xR6cJPFP1ggQANVJ/van-hoa-a-chau- so-5.pdf
- Trang 202-203, đoạn “Tháng Ramadan, toàn thể giới Tu sĩ Bà Ni… Sẽ không bao giờ dùng đến”, chép từ trang 53-62 Bài viết của DOHAMIE - “Hồi giáo tại Việt Nam”, Tạp chí Bách Khoa, số 193-194 ngày 15/1/1965.
link: https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2019/03/nhatbook-Tap-chi-Bach- Khoa-so-193-194-1965.pdf
- Trang 205-206-207-208-209, đoạn “Ngược lại với người Chăm Bà Ni… để học tiếng Việt giao tiếp ra bên ngoài”, chép từ sách ISLAM Ở VIỆT NAM (tiếng Việt) Fatiha Kiểm tra lại Mohamad Djandal và Ibn Ysa, 2009 - 1430, Islamhouse) Cộng đồng Muslim ở Việt Nam, trang 11-12-13.
- Trang 209-210-211-212-213-214-215-216-217-218: Đoạn “Về giáo lý: Tín đồ Chăm Islam luôn giữ gìn nghiêm ngặt những quy định… để tượng trưng cho tiền mua người đàn bà”, chép từ bài viết của Nguyễn Khắc Ngữ “Hồi Giáo”, Tạp Chí Văn hóa Nguyệt San, số 67, 1962, trang 143-148.
Với quá nhiều đoạn được chép lại của các tác giả khác nhau nhưng không thực hiện trích dẫn và lại coi đây là “công trình khoa học” thì liệu có xứng đáng? Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 60 năm, sẽ xử lý thế nào, chẳng lẽ tiếp tục rút kinh nghiệm? Cần nói thẳng ra rằng, bất cứ hành vi nào gian dối trong nghiên cứu khoa học cần phải được xử lý thích đáng, không thể rút kinh nghiệm qua loa cho xong.
Đối với vấn đề nghiêm trọng này, có lẽ cũng đã đến lúc lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội phải vào cuộc, yêu cầu Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn xử lý nghiêm minh, triệt để, không để tạo ra tiền lệ xấu đối với các giảng viên và sinh viên.