Nước sông Đà nhiễm dầu thải, hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng
Vào đêm ngày 8/10/2019, một vụ đổ trộm dầu thải ra khe núi tại tỉnh Hoà Bình. Dầu thải theo đường dẫn nước vào thẳng Nhà máy nước Sông Đà, dẫn tới nước bơm của hàng nghìn hộ dân có mùi khét, buộc phải ngừng sử dụng nhiều ngày liền.
Thành phố đã phải bố trí nhiều xe nước sạch đến phục vụ người dân xếp hàng lấy nước trong đêm.
Sau sự cố trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận vụ việc ô nhiễm nước sông Đà cho thấy một lỗ hổng điển hình về “cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cấp cho sinh hoạt”.
Chất thải được xác định là dầu nhớt đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước Sông Đà. (Ảnh: QĐ). |
Bên lề cuộc họp Quốc hội hôm 22/10, trao đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước cho Hà Nội trong vụ việc này, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường nói:
"Phản ứng của người dân, suy nghĩ của người dân nói chung cũng là suy nghĩ của tôi. Tôi cũng ăn nước ấy, gia đình tôi cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết.
Rõ ràng không phải bàn gì nhiều về tính chất hành vi trong trường hợp này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố.
Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, không lường hết những hệ quả, tác hại gây ra. Thậm chí, phải dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết ở đây".
Theo ông Hà thì người sử dụng nước có thể kiện đơn vị cung cấp nước không đảm bảo chất lượng và những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bẩn có thể bị các cơ quan pháp luật xử lý từng bước.
"Cung cấp thuốc giả thì đi tù, vậy nước bẩn cũng có thể đi tù chứ sao, đây là tính mạng hàng trăm ngàn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn", Bộ trưởng Hà nói.
Những người đổ trộm dầu thải sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ gây ra, nhưng có một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra vì sao dầu thải lọt qua hệ thống kỹ thuật Nhà máy nước Sông Đà, đến tới hàng nghìn gia đình ở phía Tây Hà Nội?
Cho tới nay cơ quan chức năng chưa có thông tin chính thức giải đáp vấn đề này.
Ô nhiễm không khí tăng cao
Ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng.
Dựa trên số liệu thu thập được về tình trạng không khí ngoài trời của 795 thành phố tại 67 quốc gia trong giai đoạn 2008-2013, báo cáo đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về sự suy giảm chất lượng không khí tại các thành phố trên thế giới, đồng thời cho thấy cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề nói trên.
Ô nhiễm không khí đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe (Ảnh: TTXVN). |
Đáng chú ý, 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra. Trong khi đó, tại các quốc gia thịnh vượng hơn, con số này chỉ là 56%.
Báo cáo trên cũng dẫn ra những số liệu cho thấy việc gia tăng nguy cơ về các yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó có nguy cơ dẫn tới đột quỵ và bệnh hen suyễn. Đặc biệt, có trên 3 triệu ca chết yểu mỗi năm vì các chất gây ô nhiễm bầu không khí ngoài trời.
Hà Nội cũng đã xác định nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, không khí, trong đó có khí thải từ ô tô xe máy, từ việc đun than tổ ong, phá dỡ công trình xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng; hiện tượng một số người dân vùng ngoại thành đốt rơm rạ, rác thải, bụi rác thải…
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 13/9 chất lượng không khí kém, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn, ảnh hưởng sức khỏe con người về hô hấp đặc biệt đối với trẻ em, người già.
Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, thời gian sắp tới, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có kế hoạch lắp đặt thêm trạm đo chất lượng không khí để cảnh báo kịp thời hơn cho người dân vào mùa chất lượng không khí sụt giảm.
Cháy xưởng nhà máy Rạng Đông
Vào khoảng 18h30 ngày 28/8, vụ cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngọn lửa lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy.
Hàng trăm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy với 50 xe cứu hỏa đã làm việc trắng đêm để khống chế đám cháy.
Đến 1 giờ sáng ngày 29/8, cơ bản đám cháy được khống chế.
Khung cảnh sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. (Ảnh: TTXVN) |
Đến ngày 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông báo khuyến cáo người dân sống gần khu vực vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km, thực hiện các biện pháp như tắm, giặt quần áo bằng xà phòng và nước ấm, thường xuyên tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình... Nội dung khuyến cáo tương đối tương đồng với nội dung của Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra hôm 28/8 là sự cố mất an toàn về hoá chất và môi trường được đánh giá là ở mức trung bình, tuy nhiên đã có tác động xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh.
Về giải pháp xử lý sự cố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, tại cuộc họp liên ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty che chắn, cô lập khu vực bị cháy không để hơi thuỷ ngân phát tán ra môi trường.
“Qua mấy trận mưa lớn, hơi thuỷ ngân lắng xuống nhưng tới đây nắng lên thì sẽ rất nguy hiểm nếu không che chắn cẩn thận”, ông Nhân lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Hà Nội giám sát khu vực cháy, cô lập, cách ly theo đúng phương án phòng ngừa sự cố hoá chất theo đúng quy định; khuyến cáo người dân trong bán kính 500m đề phòng phơi nhiễm, thường xuyên khám, theo dõi sức khoẻ…
Ông Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Hà Nội tổ chức quan trắc, đánh giá khả năng nguy cơ ô nhiễm để có giải pháp kịp thời.