Cuối năm, hiệu trưởng, kế toán vất vả thật! Cứ phải họp hành liên miên, không có mặt tại trường.
Có thật vậy không?
Gặp S., hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở ở thị trấn, S. tâm sự “Anh biết đấy, trường em là trường điểm, khách đến Phòng là cứ đến …trường em; một năm biết bao nhiêu đoàn thanh kiểm tra; cứ thế, em “thay mặt phòng” tiếp khách; đâu thanh toán tiếp khách được.
Cứ vậy, phải “tả” qua khoản khác, kiếm đâu ra thực chi.
Mà không “thực chi” làm sao nói với anh em được; nói thật họ ghi âm là “toi” cả trên lẫn dưới; nói dối họ ghi âm cũng “toi”; cuối năm, trốn là thượng sách!
Trường “điểm”, nên trường em tham gia đầy đủ các hoạt động của Phòng, của Sở đề ra; cứ thế, tiền chi năm này “âm” sang năm khác; đời hiệu trưởng này “di căn” sang hiệu trưởng sau; cuối năm cứ phải “trốn”, giáo viên chất vấn tiền Tết, chẳng biết trả lời thế nào”.
Nhiều nơi ngại công khai thưởng Tết. (Ảnh minh hoạ: Vtv.vn) |
“Vậy lỡ họ kiện, tố cáo thì sao?”. “Đành chịu, mà cũng không lo, Phòng về, nhìn là họ biết mình “tả” vì “thay mặt Phòng” rồi, nên cũng hợp lý, hợp pháp hết.
Giáo viên dạy thêm được, chẳng ai thèm quan tâm “tiền Tết”, chỉ cần mình “lơ” cho họ dạy, là họ ok; khổ nhất là giáo viên môn phụ, nhưng đành “muối mặt” với họ thôi.
Em rút kinh nghiệm, ban ngành trong trường cơ cấu toàn là giáo viên dạy thêm được; giáo viên khác muốn kiện, ban ngành đều ok mình, cũng vô ích.
Cứ tránh mặt mấy ngày, sau hết “thời sự” tiền Tết là “vô tư”. Làm “trường điểm” khổ thật, nhưng cứ bị trưởng phòng coi như “cánh tay phải” đành chịu; hết nhiệm kỳ này em xin kiếu”.
Không ít hiệu trưởng, kế toán không ở “trường điểm” cũng “trốn”; họ “trốn” để bí mật nghe ngóng tiền Tết của các trường xung quanh, sau đó “điều chỉnh” cho phù hợp; nếu nhiều quá thì “uổng”; nếu ít quá thì anh em có ý kiến cũng “nguy hiểm”; không thanh tra thì thôi, chứ thanh tra trường nào cũng dính.
Giai đoạn “trốn” là giai đoạn “cân đối” của kế toán và hiệu trưởng; cân đối tăng lên thì khó, còn cân đối giảm xuống thì chỉ là “chuyện nhỏ”.
Tại sao họ “cân đối” được?
Nếu trường kế cận thấp, thì họ “cân đối chi” để số tiền Tết cho giáo viên thấp xuống; để “cân đối” không khó, chỉ cần có “phiếu đỏ” với chữ ký “mua hàng qua điện thoại” là giảm tiền Tết ngay.
Số tiền sau khi “cân đối” đi đâu, chắc chẳng cần giải thích bạn đọc cũng biết “bến đỗ” của nó.
Giáo viên có “đòi hỏi” tiền Tết không?
Giáo viên không có thưởng, nhưng nhà trường không thể quên Tết lãnh đạo |
Nói không là không thật với bạn; nói có thì dối lòng mình, chẳng giáo viên nào đi dạy mà “đếm cua trong lỗ” tiền Tết cả.
Chỉ thành phố lớn, tỉnh giàu ngân sách, giáo viên “còn mơ” tiền Tết; mấy tỉnh chờ ngân sách trung ương, giáo viên chỉ mong có đủ lương hàng tháng là tốt rồi.
Chuyện tiền Tết ư? Chẳng mong chờ gì, chỉ mong sao đảm bảo công bằng; thực hiện đúng pháp luật.
Giáo viên nhận tiền Tết bây giờ không còn là tiền “ngân sách” nữa, tiền Tết là tiền của hiệu trưởng “cho”; vì thế mới có “của cho không bằng cách cho”, dù ít hay nhiều, có “cách cho đẹp” là giáo viên mừng rồi.
Để giáo viên an lòng, dù có hay không, nhiều hay ít, đơn giản nhất tài chính nhà trường cần minh bạch; đồng tiền ngân sách cấp về cần thực chi cho hoạt động giáo dục.
Minh bạch, không có tiền Tết giáo viên vẫn vui; không minh bạch, có nhiều hay ít, tiền Tết vẫn là “chuyện dài tập”, mầm mống của sự mất đoàn kết.
Mất đoàn kết là mất tất cả; vì vậy giáo viên chúng tôi chỉ cần hiệu trưởng, kế toán công khai minh bạch hoạt động tài chính của nhà trường, là món quà Tết vô giá với giáo viên chúng tôi.