Tết này con có về không?

21/01/2020 06:09
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Ngày Tết đang cận kề, những người ở lại quê người cũng nôn nao không khí Tết, luôn hướng về quê hương thân yêu của mình.

Tâm trạng chung của những bậc làm cha, làm mẹ có con công tác xa nhà thường mong ngóng ngày Tết gia đình sẽ được đoàn tụ bên nhau. Những người con xa quê cũng mong được trở về nhà, về với quê hương trong những ngày Tết.

Tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do khác nhau mà trong dòng người đang trên đường về nhà thì vẫn có rất nhiều những người phải ở lại nơi đất khách quê người đón Tết trong nỗi nhớ quê hương da diết.

Những hình ảnh Tết quê nhà luôn gợi nỗi nhớ cho người đi xa (Ảnh minh họa từ Báo Bắc Giang).
Những hình ảnh Tết quê nhà luôn gợi nỗi nhớ cho người đi xa (Ảnh minh họa từ Báo Bắc Giang).

Tâm trạng chung của những người ở lại quê người là đều buồn và hẫng hụt trong những ngày Tết, nhất là mỗi khi có những cuộc điện thoại của người thân từ quê nhà. Nhưng rồi nỗi buồn ấy cũng quen dần đối với nhiều người, nhất là đội ngũ giáo viên công tác xa nhà.

Hiện nay, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ hiện có rất nhiều thầy cô giáo quê ở các tỉnh phía Bắc đang công tác. Thời còn độc thân thì đa phần Tết nào họ cũng về quê nhưng khi đã có gia đình rồi thì chuyện về ngày Tết là cả một vấn đề rất lớn.

Có lẽ vì đồng lương giáo viên eo hẹp, về ngày Tết thì giá phương tiện đi lại quá cao. Nếu đi máy bay cả lượt đi, lượt về mỗi người cũng hết gần 2 tháng lương giáo viên.

Đi tàu, xe thì cũng mất hơn một tháng lương/người mà nghỉ Tết chỉ có khoảng trên dưới chục ngày thì đi tàu, đi xe đã mất gần một nửa thời gian nên cập rập vô cùng.

Nếu về một mình thì vợ (chồng) con ở lại cũng không đành. Về cả nhà thì qua Tết vào lại lấy đâu kinh phí để chi tiêu trong những ngày còn lại? Chính vì thế, nhiều thầy cô giáo chọn phương án ở lại- dù biết sẽ rất buồn, rất nhớ gia đình và quê hương của mình.

Tết này con có về không? ảnh 2Giáo viên cắm bản ở Kon Tum khát khao cháy lòng được ăn Tết cùng gia đình

Một cô giáo quê Ninh Bình, hiện đang công tác tại An Giang nói với chúng tôi rằng 9 năm nay chưa bao giờ dám về ngày Tết. Nhớ nhà, nhớ quê lắm mà không dám về. Về thì được nhưng lấy đâu ra kinh phí để về?

Mỗi lần người mẹ già ở quê điện hỏi: “Tết, con có về không?” mà khó trả lời. Cứ lần lữa rồi đến sát Tết nói là ngày nghỉ ít quá, cháu còn nhỏ nên con không về được. Năm này, qua năm khác vẫn là điệp khúc ấy để nói với cha mẹ khi được hỏi thăm chuyện về quê đón Tết.

Một đồng nghiệp khác quê Thanh Hóa còn có kỷ lục chưa về Tết nhiều hơn. Nữ giáo viên này có tới 12 cái Tết liên tục chưa dám về. Cô nói, chỉ dám về ngày hè thôi. Vài ba năm về một lần là vào trả nợ mãi không hết.

Ngày Tết thì chịu. Tiền tàu xe quá nhiều, nếu gia đình mình về cả 4 người mà đi máy máy bay thì mình tiền vé hết khoảng hơn 30 triệu, đi tàu cũng phải hơn 20 triệu mới về được.

Đó là chưa kể về Tết lại phát sinh thêm nhiều khoản chi tiêu khác nữa. Lương 2 vợ chồng đều là giáo viên mỗi tháng được trên 10 triệu nên không thể về Tết được.

Hơn nữa, từ ngày vào Nam lập nghiệp, lúc thì sinh con, lúc thì mua nhà nên nợ nần quanh năm không có tích lũy được gì. Ngày Tết cũng chỉ gửi vài đồng về biếu ông bà nội ngoại tượng trưng còn về thì chỉ dám nghĩ đến thôi.

Những ngày cuối năm trở nên dài hơn, thăm thẳm hơn khi mọi người đang ùn ùn kéo về quê còn mình thì ở lại. Nỗi nhớ ấy từ năm này sang năm khác  nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn chưa biết bao giờ mới có thể sum họp cùng gia đình của mình trong những ngày Tết đến.

Tết mà, ai chẳng nhớ quê hương

Tết này con có về không? ảnh 3
Nỗi lòng của giáo viên xa quê ở tỉnh Kon Tum khi Tết đến xuân về

Chúng tôi còn tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo xa quê nữa và ai cũng đang chiếm những kỷ lục rất cao về chuyện chưa dám về quê đón Tết. Họ đều có chung một tâm trạng nhớ nhà, quê người thân của mình.

Mỗi năm không về Tết là gần hơn với sự ra đi của cha mẹ già ở quê. Phận làm con ai cũng hiểu điều này nhưng lực bất tòng tâm.

Ai cũng mong muốn ngày Tết gia đình được đoàn tụ bên nhau, được đón Tết trong cái lạnh se se của trời xứ Bắc, được ngắm cành đào khoe sắc thắm trong những phiên chợ quê…

Nhất là Tết quê hương nên thường ấm tình thân gia đình. Anh em bạn bè xúm lại với nhau để đến từng nhà chúc Tết. Qua nhà này một chút, nhà kia một chút và cứ thế đi hết Tết chưa hết nhà người thân, láng giềng…

Ngày Tết đang cận kề, những người ở lại quê người cũng nôn nao không khí Tết, cũng luôn hướng về quê hương mình. Thế nhưng, họ không về được, họ ở lại đón Tết cùng gia đình nhỏ của mình. Thôi thì hy vọng một ngày không xa nữa sẽ có cái Tết đoàn viên đầm ấm cùng gia đình nơi quê hương.

KHÁNH VĂN