Trước khi đi làm thêm Tết, thầy giáo chồng cô A. dặn vợ “Thầy … mới chuyển về trường mình năm nay, sáng mai mẹ thằng K. mua chút quà xuân đi Tết thầy… nhé”!
Mặc dù chẳng có đồng thưởng Tết nào, thế nhưng cô giáo A. vẫn nghe lời chồng, cố gắng mua thùng bia “ba ba” để đi “kính” Tết hiệu trưởng mới.
Nhìn giàn hoa cảnh đặt trước sân, cô giáo biết nhà sếp mình đã có một cái Tết đủ đầy; xách thùng bia vào, cô lý nhí “Có chút quà xuân, của ít, lòng nhiều; vợ chồng em biếu anh chị vui Tết”.
Thầy giáo hiệu trưởng nhìn thùng “ba ba” với cặp mắt “lạnh như nam cực”, cảm ơn cô giáo, mời cô giáo ngồi uống nước.
Về ngay thì ngại, cô giáo đành ngồi xuống bộ ghế sa-lông, uống ly nước mát do vợ hiệu trưởng đem ra.
Thầy hiệu trưởng nhanh chóng vào tủ lạnh, cầm một lon bia Heineken, bóc ra “Em uống ly bia cho mát, Tết, nhà anh chỉ dùng cái này, không dùng "ba ba"”.
Cô giáo đắng ngắt, dù ly nước mát vừa uống vào lòng. Thế là mất toi bộ quần áo Tết của con mình, nhận một trái đắng hơn mật gấu ngày cuối năm.
Với giáo viên, cách “đi Tết” đơn giản nhất là dạy thật tốt. (Ảnh minh họa: Baoquocte.vn) |
Của cho không bằng … cách nhận!
Chuyện hiệu trưởng… nói thẳng với giáo viên như thế không mới với các trường mà “vua con” này đã luân chuyển qua. Vì thế, thay vì gọi tên, giáo viên các trường khổ chủ đặt cho “vua con” biệt hiệu “ba ba”.
Có một điều, giáo viên các trường cũ rất ít người “thăm viếng ba ba” vào dịp Tết nhất, hiếu, hỉ.
Tặng quà Tết cho lãnh đạo khiến hình ảnh người thầy xấu đi! |
Giáo viên lương ba cọc ba đồng; Tết còn đi làm thêm kiếm đồng thu nhập, mua thùng “ba ba” đến Tết là trân quý lắm rồi, vậy mà còn gội gáo nước sôi vào lòng họ; đúng là của cho không bằng … cách nhận.
Nhận quà như thế nào cũng phản ánh văn hóa của người nhận; giáo viên chúng ta chỉ cần nhận quà là lời chúc Tết của học trò trên tin nhắn, một bông hoa, một giỏ quà ảo cũng đã là trân quý.
Tết, người viết thường nhận quà của phụ huynh, người thì con gà, người thì chục trứng, người thì mấy quả dừa, người thì cút rượu trắng… thế nhưng trân quý vô ngần những món quà cây nhà lá vườn, đượm tình thầy trò; được sống trong tình cảm nhân dân vô ngần hạnh phúc.
Làm cán bộ quản lý, có cuộc sống đủ đầy, thấy giáo viên đem quà Tết đến không vừa lòng vì không đáng giá mà xử lý tình huống như thế quả là …, xin bạn đọc tự điền từ thích hợp vào dấu ba chấm nhé.
Có nên đi Tết sếp?
Nhà nước đã có quy định không quà cáp, biếu xén lãnh đạo; đi “Tết sếp” là vi phạm pháp luật đấy; vì vậy, giáo viên hãy làm gương chấp hành pháp luật.
Cứ sống, làm việc theo pháp luật; thực hiện đúng nội quy nhà trường, quy định của ngành; hòan thành nhiệm vụ bằng tinh thần trách nhiệm của người thầy, tôi tin rằng chẳng ai làm hại được bạn.
Cách đi Tết đơn giản nhất là dạy thật tốt, không Tết sếp cũng chẳng phải sợ; quà Tết vô giá tặng học trò và tặng… chính mình.