Thời điểm này, các trường đã nghỉ Tết và giáo viên đang tham gia trực Tết theo sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường. Thực tế, việc trực Tết của giáo viên cũng không nhiều. Có trường thì phân công 2- 4 người trực 1ngày, có trường phân công 2 người trực 1 ngày.
Nhưng, đa phần giáo viên chia nhau ra để trực để tiện công việc của mình nên mỗi người thường chỉ tham gia trực 1 buổi. Tuy nhiên, vấn đề giáo viên tham gia trực Tết vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ giáo viên ở các nhà trường. Vì sao vậy?
Nhiều trường đang phân công giáo viên "trực thay" những ngày làm việc bình thường của Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc trực Tết chỉ gói gọn có 5 ngày, bắt đầu từ 29 tháng Chạp đến hết ngày mồng 4 Tết.
Điều này đã được quy định rõ tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, năm nay vì trùng với ngày nghỉ nên lịch nghỉ Tết Nguyên đán là 7 ngày.
Trong 5 ngày trực Tết này, bắt buộc nhà trường phải chi trả chế độ làm thêm cho giáo viên bằng 300% so với lương ngày thường. Nếu địa phương không cho chi, nhà trường không chi là sai với quy định hướng dẫn hiện hành.
Thế nhưng, lịch nghỉ Tết của các nhà trường thường kéo dài từ 10-14 ngày nên bắt buộc nhà trường phải bố trí người trực những ngày trước và sau Tết, ngoài khoảng thời gian nghỉ Tết 5 ngày như quy định.
Vậy, ai sẽ là người trực những ngày trước và sau Tết và trực những ngày này thì đương nhiên sẽ không có chế độ làm thêm giờ.
Lâu nay, các Ban giám hiệu nhà trường vẫn lập lờ khoảng thời gian này để phân công cho giáo viên hoặc chỉ điều động đội ngũ giáo viên cốt cán trực các ngày này. Vì thế, việc phân công như vậy là sai, không phù hợp.
Vì sao chúng tôi nói phân công giáo viên trực khoảng thời gian trước và sau Tết là sai quy định? Bởi, các nguyên nhân sau đây.
Trước hết, chúng ta phải xác định trong trường học thì các thành viên Ban giám hiệu nhà trường và nhân viên là làm việc theo giờ hành chính. Mỗi tuần thì họ làm việc 5 ngày (40 tiếng).
Giáo viên làm việc theo số tiết quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cấp Tiểu học 23 tiết, cấp Trung học cơ sở 19 tiết và cấp Trung học phổ thông là 17 tiết/ tuần.
Chính vì thế, theo lịch nghỉ Tết năm nay thì công chức, viên chức nhà nước được nghỉ 7 ngày từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mồng 5 Tết thì nếu nhà trường phân công trực Tết cho đội ngũ giáo viên thì phân công trong những ngày này.
Còn đối với những ngày trước 29 tháng Chạp và sau ngày mồng 5 Tết là ngày làm việc hành chính bình thường của Ban giám hiệu và đội ngũ nhân viên nhà trường nên phân công giáo viên trực là sai.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa phần giáo viên lại bị nhà trường phân công trực vào khoảng thời gian trước ngày 29 và sau ngày mồng 5 Tết.
Những ngày “trọng điểm” của Tết Nguyên đán thì Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường trực. Có phải là Ban giám hiệu nhận lấy trách nhiệm nặng nề hơn không?
Việc các thành viên trong Ban giám hiệu luân phiên trực Tết ở những ngày trọng điểm là vì những ngày được chi trả tiền làm thêm giờ. Trong khi, đa số họ đều có thâm niên công tác lâu năm nên mỗi ngày “trực Tết” như vậy đương nhiên có tiền triệu cầm tay.
Nhưng, thực tế một số thành viên Ban giám hiệu có trực không? Họ cũng có đến loáng thoáng một chút sau đó nhờ bảo vệ hoặc một nhân viên nhà trường trực thay và dặn dò kỹ khi có việc gì, có khách ghé thăm trường thì điện thoại cho họ để họ ghé vào trường.
Chính vì cách bố trí trực Tết có phần “khôn lõi” như vậy nên giáo viên một số trường học thường có những lời bàn tán và đương nhiên là không tốt đẹp gì về những lãnh đạo của mình.
Bởi, khôn như họ thì thiên hạ có nhiều lắm nhưng phải đặt trong mối tương quan hài hòa mà giáo viên người ta có thể chấp nhận được. Đằng này, ngày làm việc hành chính của mình (những ngày trước 29 và sau mồng 5 Tết) thì phân công cho giáo viên trực thay.
Giáo viên hay đội ngũ giáo viên cốt cán trong trường không phải họ ham mấy trăm nghìn tiền trực Tết. Bởi, thực tế mỗi người trực nửa ngày hay một ngày thì có thêm được bao nhiêu đâu.
Nhưng, chính cách làm, cách phân công của Ban giám hiệu đã làm cho bức tranh trực Tết thêm nhiều điều bàn cãi. Bởi, mấy năm trước, khi chưa có chính sách chi trả tiền thêm giờ thì đa phần nhà trường phân công cho giáo viên trực ngày Tết.
Bây giờ, khi được chi trả tiền thêm giờ nên những ngày làm hành chính của mình thì Ban giám hiệu phân công cho giáo viên trực còn mình thì ở nhà nghỉ ngơi? Ngày trực Tết có chế độ thì Ban giám hiệu thay nhau trực (nói đúng hơn là họ đứng tên để nhận tiền vì đa phần các trường luôn có bảo vệ).
Có lẽ chuyện trực trường 1 buổi hay 1 ngày đối với giáo viên cũng là lẽ thường tình bởi cơ quan nào mà không trực Tết. Nhưng, tại sao lại phân công giáo viên trực vào những ngày làm việc hành chính bình thường của Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường thì vẫn là dấu chấm hỏi cho nhiều người!