Tiếp tục cuộc trao đổi với Giáo dục Việt Nam về "hiện tượng Đinh La Thăng", ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng, ở mỗi thời kỳ của lịch sử đất nước đều xuất hiện những bậc hiền tài, vì thế hãy để cho hậu thế phán xét.
Ông lý giải thế nào khi “hiện tượng” Đinh La Thăng lại xuất hiện đúng vào thời điểm này, không phải sớm hơn mà cũng không muộn hơn?
Ông Vũ Mão: Đó là vì chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều các vấn đề bức xúc về giao thông đô thị, giao thông nông thôn, về cơ sở hạ tầng trên cả nước mà đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng ta cần phải chấn chỉnh lại, tính toán lại thực sự nghiêm túc.
Ở mỗi một thời kỳ lịch sử của đất nước thì sẽ xuất hiện những con người thích hợp, từ thuở khai thiên lập địa, tới thời kỳ phong kiến, rồi tới giai đoạn chống thực dân, đế quốc, sau đó chuyển sang thời kỳ xây dựng đất nước, đều có rất nhiều tấm gương. Vậy thì nếu nhìn vào những việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chưa có gì là ghê gớm, lớp con cháu phải noi theo lớp cha anh chứ! Nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, nếu là một cán bộ khác giữ vị trí “Tư lệnh” của ngành GTVT thì chưa chắc làm được như vậy.
Ông Vũ Mão: Cán bộ khác làm "Tư lệnh" ngành chưa chắc đã được như anh Thăng |
Vẫn biết là như vậy, nhưng thưa ông, không chỉ có lớp trẻ mà nhiều người cao tuổi cũng rất thích cách Bộ trưởng Thăng nói và làm. Vậy phải có sự khác biệt nào đó?
Ông Vũ Mão: Như tôi đã nói, điều quan trọng với người lãnh đạo là phải dám đổi mới, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; việc gì tốt thì ta tiếp tục phát huy, việc gì chưa tốt thì nghiêm túc tiếp thu để làm cho tốt hơn. Theo tôi thì không nên cường điệu những việc làm của Đinh La Thăng, hãy coi đó là những việc bình thường mà một Bộ trưởng phải làm, còn những ai không làm được những việc như vậy thì mới là “không bình thường”.
Vấn đề là tư duy chiến lược, tôi tin ở vị trí của Bộ trưởng GTVT, Đinh La Thăng cũng đã phải dành thời gian nghiên cứu về những khó khăn của chúng ta bấy lâu nay. Có lẽ lâu nay “chưa bắt đúng mạch”, tức là chưa tìm ra nguyên nhân sâu xa của nó, chính vì thế hậu quả ngày càng trầm trọng và đến bây giờ thì trở nên rối loạn, không ai chịu nổi nữa rồi.
Bây giờ gần như phải làm lại từ đầu. Cách làm thế nào? Trong nghề xây dựng (nghề xây dựng được hiểu theo nghĩa rộng), muốn có được một công trình lớn, chúng ta cần phải trải qua nhiều bước; từ quy hoạch đến thiết kế nhiệm vụ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và tổ chức thi công…
Để giải quyết một vấn đề đang rất khó khăn hiện nay là nạn ùn tắc giao thông ở hai đô thị lớn nhất cả nước thì cũng cần có nhiều nhiều phương án với nhiều bước đi, nhiều công đoạn, nhiều giải pháp hợp lý.
Hà Nội đã đề xuất một khung giờ làm và học khác với những gì Bộ trưởng Thăng đã trình, sự “lệch pha” ấy phản ánh điều gì, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Chuyện đưa ra khung giờ lệch nhau 30 phút hay 1 tiếng không phải là quá quan trọng, mà quan trọng đó là một ý tưởng mang tính đột phá, một hành động đột phá, và có người dám chịu trách nhiệm với “mũi tên đột phá” ấy, điều đó mới quan trọng.
Tôi nhớ lại, vào kỳ họp Quốc hội Khóa IX, giữa năm 1994, việc phát thanh và truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn và trả lời chất vấn để cho toàn dân được biết là một mũi đột phá trong tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội. Lúc ấy, không ít ý kiến phản đối, thậm chí có những ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ làm mất uy tín của lãnh đạo, làm lộ bí mật quốc gia... (Cười).
Có người dọa rằng, nếu không thành công mà còn gây tác hại thì phải đem các vị khởi xướng ra mà kiểm điểm, kỷ luật. Nhưng may quá, không những nhân dân cả nước vui mừng và ủng hộ, mà còn đòi hỏi làm tốt hơn nữa. Tôi tin, sự nghiệp Giao thông – Vận tải cũng đi theo con đường tất yếu như thế!
Thay đổi giờ học, giờ làm là "mũi đột phá" chống kẹt xe? |
Hồi còn công tác, ông ấn tượng với những lãnh đạo nào, có ai “máu lửa” như Bộ trưởng Thăng không?
Ông Vũ Mão: Nhiều chứ, thí dụ như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nổi bật với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng chí Võ Chí Công ghét lý thuyết viển vông, luôn đi sát thực tế, nghiên cứu tình hình, đề xuất nhiều chủ trương sát đúng, có giá trị to lớn làm chuyển biến tình hình, tạo nên những bước ngoặt, phá vỡ bế tắc, chuyển yếu thành mạnh, chuyển khó khăn thành thuận lợi.
Khi phụ trách nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đề xuất và chịu trách nhiệm soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, thực hiện Khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương ra Nghị quyết 10, năm 1988, đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, một bước ngoặt tạo động lực trong sản xuất đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và có dư để xuất khẩu.
Còn nhiều cán bộ khác rất giỏi như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh, sau này là đồng chí Võ Văn Kiệt… đều là những tấm gương tiêu biểu của thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước.
Nếu so với những tấm gương ấy thì những gì Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm được và đang tiếp tục phấn đấu cũng chưa có gì là ghê gớm, những gì làm được hãy để cho hậu thế phán xét, chúng ta không nên coi thường và cũng không nên đề cao quá mức.
Vậy thực chất cái gọi là “hiện tượng” ở đây là Bộ trưởng Thăng đã dám “nhìn thẳng” và “nói thẳng”, thưa ông?
Đối với anh Thăng, đa số nhân dân đang rất ủng hộ vì mọi người đều thấy anh ấy là người “máu lửa” với những vấn đề bức xúc của giao thông đô thị bấy lâu nay. Khi nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi mới làm được chứ cứ chờ để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho bắn không thì lỡ cơ hội”, điều đó là rất đúng và tôi nghĩ chúng ta cần có nhiều Bộ trưởng như vậy.
Vừa rồi, anh Thăng nói một ý rất hay khi làm việc với các cơ quan Hà Nội (để bàn về các giải pháp chống ùn tắc giao thông) là không kể lể, trình bày khó khăn mà hãy đưa giải pháp, vì khó khăn thì ai cũng biết rồi. Vấn đề thì không mới, nhưng nó mới khi một lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng như vậy.
Tôi nghĩ, lâu nay có ai đấy có cương vị công tác rõ ràng mà cứ thanh minh và than thở rằng mình không có quyền là nhận thức chưa chuẩn, tư duy chưa đúng tầm làm lãnh đạo, còn cứ nói đi nói lại mấy lý do ấy thì chẳng qua là cái cớ mà thôi. Tôi cho rằng, quyền lực của Bộ trưởng không phải là nhỏ. Nếu anh gặp khó khăn, anh phải đề nghị với cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để tháo gỡ. Sự tháo gỡ quan trọng nhất là phải bằng những văn bản pháp luật minh bạch, vì chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn anh chỉ nêu ra khó khăn mà không đưa giải pháp là rất dở.
(Mời độc giả đón đọc tiếp kỳ 3 để biết về những băn khoăn và lời khuyên của Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dành cho Bộ trưởng Đinh La Thăng)