Trải nghiệm thực tế giúp học sinh nắm chắc kiến thức

05/02/2020 06:20
Tùng Dương
(GDVN) - Học sinh rất hứng thú với dự án Startup này, vừa là dự án học tập lại ứng dụng được kiến thức tỷ số % trong suốt quá trình học, đồng thời luyện các kỹ năng.

Với "Dự án liên môn 10X Startup", cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh - Giáo viên Trường Wellspring, Hà Nội đã đoạt giải đặc biệt tại diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft và Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhóm 10X Startup hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ khi thành lập các bộ phận với vai trò rất rõ ràng như ban quản trị, bộ phận bán hàng, Marketing, sản xuất…

Dựa trên nền tảng kiến thức Toán học về tỷ số %, học sinh sẽ liên hệ tính thực tế của môn học thông qua việc lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính tiền các mặt hàng giảm giá, thực hiện khảo sát hành vi để ra quyết định.

Mỗi nhóm sẽ xử lý rất nhiều bài tập và nhiệm vụ, vì thế việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc.

Với mỗi một ứng dụng, khi cần sử dụng trong hoạt động cụ thể nào, giáo viên sẽ gửi hướng dẫn bằng clip để học sinh nghiên cứu cách thức hoạt động trước.

Sau đó, cô và trò sẽ cùng nhau làm việc song song để học sinh hiểu rõ tác dụng cũng như tính hiệu quả của App đó mang lại.

Chính học sinh sẽ tự mình rút ra được cách sử dụng phù hợp với từng ứng dụng và linh hoạt hơn trong các hoạt động cá nhân, nhóm của mình.

Nhờ vậy, học sinh có khả năng tự đề xuất cách thức làm việc, báo cáo sản phẩm của mình cho giáo viên.

Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh: "Tôi có sáng kiến đưa ra một dự án gọi là dự án Startup, nó phù hợp với lứa tuổi của các em". Ảnh: Tùng Dương.
Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh: "Tôi có sáng kiến đưa ra một dự án gọi là dự án Startup, nó phù hợp với lứa tuổi của các em". Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh - Khối trưởng chuyên môn khối 5, giáo viên tiểu học trường Wellspring, chia sẻ về cách cô và trò cùng nhau ứng dụng công nghệ trong dự án: “Dự án này tôi đã tổ chức mô hình như một công ty và thành viên là toàn bộ gần 160 học sinh khối 5 của trường.

Xuất phát từ kiến thức môn toán của lớp 5 về tỷ số % cũng như giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có rất nhiều bài liên quan đến kiến thức thực tế như bài toán về tính lỗ lãi, tính kế hoạch…vì vậy tôi có sáng kiến đưa ra một dự án gọi là dự án Startup, nó phù hợp với lứa tuổi của các em.

Học sinh rất hứng thú đón nhận dự án này, nó vừa là dự án học tập và cũng ứng dụng được luôn kiến thức tỷ số % trong suốt quá trình học, bỗng dưng các em học rất nhanh qua những hoạt động trải nghiệm thực tế và đó cũng là thành công của dự án.

Nó không chỉ rèn luyện môn toán mà nó còn giúp rèn luyện nhiều kỹ năng khác. Trong quá trình các em thảo luận làm việc nhóm sẽ rèn được tính quyết đoán, chủ động và rất có trách nhiệm với công việc của mình.

Một yếu tố nữa là các em áp dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo vào gần hết mọi công việc, từ đó cũng khuyến khích các em học hỏi tìm hiều về lĩnh vực này và quan trọng hơn là các em được phát huy khả năng sở trường của bản thân.

Học sinh dựa trên thế mạnh của mình để đăng kí vào từng nhóm như nhóm quản trị, nhóm tổng hợp, nhóm Marketing, nhóm sản xuất, nhóm bán hàng…các em tự phân chia công việc và điều hành.

Học sinh sẽ điền vào một bản yêu cầu xem bản thân mình có khả năng gì, muốn vào nhóm nào và sẽ đóng góp gì cho nhóm đó. Đặc biệt nếu muốn tham gia các nhóm này thì học sinh phải nắm chắc phần kiến thức đã học là tỷ số %.

Phần kiến thức % này chúng tôi không dạy theo cách thông thường là đọc và ghi chép, mà chúng tôi đã làm một bản thông tin để các em học sinh đi điều tra quanh trong trường và ở nhà.

Các em điều tra về tình hình sử dụng túi nylon hiện nay như thế nào, có bao nhiêu người dùng túi vải, dùng làn nhựa, túi sinh học tự hủy, túi cói…sau khi có những thống kê như vậy thì các em sẽ tính được mỗi loại chiếm bao nhiêu % và qua đó sẽ dẫn dắt các em có khái niệm và hiểu được về tỷ lệ %.

Đây cũng là cách để học sinh thích thú với môn học, các em không bị nhàm chán với những con số khô khan, và cũng sẽ nhớ kiến thức sâu hơn.

Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động nữa cho các em như bán hàng, tổ chức ngày giảm giá tất cả những mặt hàng mà các em tự làm ra.

Học sinh sẽ chủ động tất cả từ mua đồ, chuẩn bị những gì mà các em thích, chia theo nhóm kinh doanh và tự giới thiệu để bán hàng ngay trong trường.

Đăng giảm giá bao nhiêu % và đó là chiến lược kinh doanh từ những cái mà các em học được. Đây cũng là một hoạt động trong dự án với tác dụng dạy cho học sinh kiến thức nền, các công thức tính để khi triển khai các em sẽ không bị bỡ ngỡ.

Sau mỗi ngày các em sẽ tính được mình bán như vậy là bị lỗ hay có lãi, đã giảm giá bao nhiêu %, sau đó thống kê vào bảng biểu và làm bài tập. Đây cũng là một phần kiến thức chúng tôi dạy các em khác với cách thức thông thường”.

Học sinh rất hứng thú với dự án Startup. Ảnh: Tùng Dương.
Học sinh rất hứng thú với  dự án Startup. Ảnh: Tùng Dương.
Dựa trên nền tảng kiến thức Toán học về tỷ số %, học sinh sẽ liên hệ tính thực tế của môn học thông qua việc lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính tiền các mặt hàng giảm giá. Ảnh: Tùng Dương.
Dựa trên nền tảng kiến thức Toán học về tỷ số %, học sinh sẽ liên hệ tính thực tế của môn học thông qua việc lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính tiền các mặt hàng giảm giá. Ảnh: Tùng Dương.

Dạy và học bằng công nghệ thông tin

Startup này tôi muốn hướng các em đến những kỹ năng của thế kỷ 21, hàng ngày mọi người vẫn nói đến việc này, nhưng theo tôi thì không phải hoạt động nào cũng có thể phát huy được kỹ năng đó, trong khi việc tự lập của học sinh lại rất cao và đó cũng là một thuận lợi.

“Ở đây các em được thực sự làm việc nhóm chứ không như những buổi làm việc nhóm trong giờ học bị áp đặt, các em được quyền tự chọn và đưa ra quyết định như sẽ bán mặt hàng gì, giá bao nhiêu… và cách bán như thế nào. Các thầy cô giáo chỉ đứng ngoài quan sát, định hướng và hỗ trợ.

Ví dụ như nhóm sản xuất muốn bán mặt hàng này thì nhóm quản trị sẽ quyết định xem có được hay không, để quyết định được thì nhóm quản trị phải có tư duy suy nghĩ, phản biện về cái được và không được của mặt hàng đó.

Ý tưởng của nhóm sản xuất là bán hàng Tết với những bao lì xì tự thiết kế, ngoài ra còn có hàng nông sản như mộc nhĩ, nấm khô.

Thông qua cộng đồng Microsoft nên các em biết được có nhiều thầy cô giáo và các bạn học sinh ở vùng cao có những sản phẩm thiên nhiên nên các em đã liên hệ để thu mua.

Tôi giúp các em liên hệ với một cô giáo ở Sơn La nơi học sinh trên đó cũng đang làm dự án nông sản sạch để giúp đỡ các gia đình học sinh nghèo.

Trong lớp tôi luôn tổ chức các buổi chát video call cho các em học sinh trong lớp với các bạn ở vùng cao, các em tự trao đổi với nhau về mặt hàng, chất lượng cũng như giá cả, vận chuyển…

Đây cũng là lúc học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp, đàm phán, hỏi cách đóng gói, bảo quản các mặt hàng, cách vận chuyển…một cách chi tiết và các em làm rất tốt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Mục đích chính là để học sinh biết cách tính toán, đưa ra các phương án cũng như cách tiêu thụ các mặt hàng, chứ chúng tôi không đặt nặng về kinh tế là phải bán được nhiều. Một phần cũng là chơi mà học để giúp học sinh có thêm kiến thức từ những hoạt động thực tế.

Khi cô và trò triển khai dự án này thì ban giám hiệu nhà trường rất ủng hộ và đã cấp kinh phí để thực hiện, toàn bộ số tiền các em thu được sẽ dùng để ủng hộ các bạn học sinh vùng cao gặp khó khăn.

Ngoài ra tất cả các sản phẩm làm thủ công như túi giấy, túi vải, bao lì xì sau khi được các em vẽ thiết kế sẽ được in trên máy mầu, việc này cũng đòi hỏi các em phải có kiến thức về công nghệ thông tin” cô Trinh, nói.

Học sinh luôn hứng khởi và nhớ sâu kiến thức nhờ những dự án học tập. Ảnh: Tùng Dương.
Học sinh luôn hứng khởi và nhớ sâu kiến thức nhờ những dự án học tập. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh và các em học sinh lớp 5A6 - Trường Phổ thông liên cấp Wellspring, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh và các em học sinh lớp 5A6 - Trường Phổ thông liên cấp Wellspring, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Ngoài ra nhóm sản xuất còn làm sách điện tử, mặc dù có nhiều sản phẩm nhưng các em không bán mà mục đích chính muốn để lan tỏa, những sản phẩm này được các em giao lưu qua Skype với các bạn học sinh Hàn Quốc, cộng hòa Séc…và một số nước trên thế giới.

Sách điện tử này được các em học sinh làm Online và tổng hợp lại bằng các đường Link. Sản phẩm là các câu chuyện dân gian Việt Nam được các em thể hiện bằng những hình ảnh tự vẽ, sau đó dịch song ngữ, đọc bằng biếng Anh lồng vào từng trang sách.

Trải nghiệm thực tế giúp học sinh nắm chắc kiến thức ảnh 6Thi Intel Isef, hành trình gian nan của cô và trò

Qua những buổi Skype các em giới thiệu cách làm sách và sau đó tặng lại các bạn bè quốc tế những bộ sách đã hoàn thành.

Đây cũng có thể coi là một bước tham khảo thị trường cũng như rèn luyện kỹ năng trình bày, dịch… hoàn thiện một cuốn sách điện tử.

Những nội dung trong sách điện tử này không phải là các em copy từ một cuốn sách đã in, mà các em phải tìm hiểu nội dung.

Sau đó các em kể lại bằng hình ảnh tự vẽ theo cách hiểu của mình, rồi qua công đoạn dịch sang tiếng Anh cũng như đọc lồng tiếng. Tất cả các công đoạn đều do học sinh tự làm.

Năm tới chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ sản xuất sách điện tử vì thực sự các em đang làm việc này rất là tốt, hiện này nhóm này đã thu hút được gần 20 em tham gia” cô Trinh cho biết.

Tùng Dương