Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong dịp tết Canh Tý năm 2020 vừa qua, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (phường 12, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh, họ bị nhà trường yêu cầu phải thay phiên nhau trực tết.
Mỗi ca có hai giáo viên trực, kéo dài trong vòng 4 tiếng, trong suốt khoảng thời gian mà nhà trường nghỉ, không có hoạt động dạy và học.
Tuy nhiên, điều đáng nói là giáo viên hoàn toàn không được nhận thù lao, hay chấm công cho việc trực tết này. Việc này đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh phải trực tết, nhưng không có thù lao bồi dưỡng (ảnh: báo Giáo dục Thời Đại) |
Qua khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, không chỉ giáo viên tại Trường tiểu học Bình Hòa, mà nhiều giáo viên khác tại một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải trực tết, mà không có thù lao hay chấm công.
Một giáo viên ở Trường tiểu học Ngô Quyền, quận Bình Tân chia sẻ: Thầy vừa phải trực tết tại trường theo sự bốc thăm về thời gian.
Giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa phải trực tết, không được trả thù lao |
Thầy nói rằng giáo viên hoàn toàn không có thù lao, hay được chấm công cho việc trực tết này.
Nếu giáo viên nào bận trúng vào thời gian bốc thăm, thì có thể thỏa thuận đổi thời gian với giáo viên khác.
Thầy giáo này nói rằng, phần lớn các trường tiểu học ở quận Bình Tân đều không trả thù lao, hay chấm công cho giáo viên trực trong dịp tết.
Ngôi trường tiểu học trước đây thầy giáo này công tác (cùng quận), trong hàng chục năm trời cũng bắt giáo viên phải trực tết, nhưng cũng không được trả công.
Dù vậy, vẫn có một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên phải trực ở trường trong dịp tết vừa qua, như Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân), Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải (quận 11)…
Và các giáo viên trực ở những trường này đều nhận được thù lao bồi dưỡng từ phía nhà trường.
Một số trường không áp dụng bắt giáo viên phải trực tết, mà chỉ lãnh đạo hay tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trực, như tại Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu (quận 3).
Những người tham gia trực tết tại các ngôi trường này đều được chi trả chế độ đầy đủ từ phía nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) chia sẻ: Việc giáo viên trực tết như là một sự chia sẻ với bảo vệ của nhà trường, trong việc giữ gìn và đảm bảo tình hình trật tự, an ninh, đảm bảo tài sản bên trong nhà trường dịp tết.
Còn việc có chi trả thù lao, hay chấm công cho người trực, quyền quyết định thuộc về phía từng đơn vị trường học, trong đó đứng đầu là Hiệu trưởng, cần được thảo luận, thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường, có ghi trong Quy chế chi tiêu nội bộ thì sẽ phải thực hiện.
Thầy Lê Văn Phước – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh nhấn mạnh: Bắt giáo viên, người lao động trực tết mà không trả thù lao, chắc chắn là sai quy định.