Bài viết "Thầy cô giáo hướng dẫn thực tập, người nhiệt tình, người hời hợt" của tác giả Sông Trà đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/01/2020 phản ánh về việc, có giáo viên nhiệt tình, chu đáo, cũng có giáo viên hời hợt, sơ sài trong hướng dẫn thực tập sư phạm dành cho các giáo sinh năm cuối trường sư phạm.
Thực tế đúng như vậy. Song về phần thầy cô giáo hướng dẫn cũng có không ít tâm tư, ý kiến về các giáo sinh thực tập.
Thầy H., dạy môn Vật lý, có nhiều năm hướng dẫn thực tập ở một trường Trung học cơ sở thuộc thành phố Đà Nẵng nhận xét:
"Bây giờ nhiều em giáo sinh sử dụng phương pháp, kỹ thuật mới, công nghệ thông tin khá tốt, nhuần nhuyễn trong dạy học.
Có em rất dạn dĩ, tự tin khi dạy tiết đầu tiên ở trên lớp, có người dự ở bên dưới.
Thế hệ giáo viên già như chúng tôi phải học hỏi độ nhạy bén, tự tin ở các em giáo sinh trẻ tuổi.
Tất nhiên về kinh nghiệm xử lý tình huống giáo dục của các em chưa thể bằng giáo viên chúng tôi.”
Sinh viên thực tập rất cần sự hướng dẫn tận tình từ các giáo viên. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Cô Y., dạy môn Ngữ văn ở một trường Trung học phổ thông ở thành phố Quảng Ngãi thì cho rằng:
"Giáo sinh thực tập bây giờ có nhiều điều kiện thuận hơn hẳn thời của chúng tôi rất nhiều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ và hiện đại.
Có thể tự trang bị, có thể mượn nhà trường trong thời gian tập sự.
Ngay cả soạn giáo án, các em được phép soạn trên máy tính, việc sửa chữa, điều chỉnh trước khi lên giảng cũng tiện lợi.
Không như thời chúng tôi phải soạn tay, sửa chữa, soạn lại năm, bảy lần mới hoàn thành.
Bên cạnh, những giáo sinh có chất lượng, vẫn còn một số giáo sinh còn hạn chế, non yếu nhiều từ phương pháp dạy học đến kiến thức chuyên môn.
Mặc dù được hướng dẫn, chỉ bày rất kỹ lưỡng nhưng mức độ tiến bộ của một số em khá chậm, khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục nếu được tuyển dụng vào nghề.
Đó có thể là do bản thân các em chưa chịu phấn đấu, rèn luyện. Đó có thể là do, một số trường sư phạm công tác đào tạo, siết chặt đầu ra chưa thật tốt.”
Thực tập sư phạm, giáo sinh mong được học tập những gì? |
Một số thầy cô giáo còn phản ánh, không mấy hứng thú khi được phân công hướng dẫn thực tập chủ nhiệm và giảng dạy.
Vì ý thức tổ chức kỷ luật, giờ giấc, thái độ làm việc theo yêu cầu của nhà trường, giáo viên hướng dẫn của một bộ giáo sinh còn hạn chế, trì trệ.
Đến thời hạn nộp sáng kiến, giáo án để đánh giá, tổng kết mà vẫn không thấy có.
Thiết kế giáo án, giáo án được giáo viên góp ý, chỉnh sửa nhưng khi thực hành trên lớp lại "râu ông nọ cắn cằm bà kia" hoặc sai lạc về nội dung, kiến thức.
Có giáo sinh còn tự ý tổ chức tập thể lớp, các nhóm học sinh đi liên hoan, có sử dụng bia, rượu; đi tắm biển, tắm sông - nơi nguy hiểm (có trường hợp học sinh bị tử vong do đuối nước), ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nhà trường, thầy cô giáo.
Giáo sinh là những thầy cô giáo trẻ đến trường phổ thông để trải nghiệm, học hỏi, tập tành làm nghề dạy học trước khi tốt nghiệp ra trường sư phạm.
Tất nhiên, không thể trông mong họ già dặn kinh nghiệm, vững vàng mọi thứ như các thầy cô giáo đã đi dạy được.
Chính vì vậy, sự nhiệt tình, giúp đỡ, chỉ bảo tận tâm của nhà trường, thầy cô giáo hướng dẫn là hết sức cần thiết để giúp các em giáo sinh hoàn thành nhiệm vụ của đợt thực tập sư phạm và có thêm kỹ năng, kiến thức, sự tự tin, vững vàng khi bước vào nghề “trồng người”, kế tục sự nghiệp nặng nề mà vẻ vang của các thế hệ thầy cô giáo đi trước.