Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố dịch tại Việt Nam trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, các phụ huynh lo lắng và mong muốn ngành giáo dục "đóng cửa trường học" để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con em mình.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Rõ ràng đây không phải kỳ nghỉ lễ hay nghỉ hè do vậy các trường nhanh chóng đưa ra phương án để việc học của học sinh không bị gián đoạn.
Các nhà trường đang duy trì thói quen học tập cho học sinh nghỉ vì corona (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội – Thăng Long cho biết, đây là kỳ nghỉ giãn chương trình để chống dịch chứ không phải thời gian nghỉ chính thức, vẫn thực hiện chương trình do đó nhà trường triển khai học online cho học sinh để các em ôn luyện kiến thức trong thời gian nghỉ ở nhà chứ không thực hiện dạy bài mới.
Tuy nhiên, việc học online cũng gặp không ít khó khăn bởi lẽ học sinh ở độ tuổi nhỏ thì cần có sự hỗ trợ của bố mẹ trong khi đó không phải gia đình nào bố hoặc mẹ cũng ở nhà để hướng dẫn con. Chính vì vậy đối với những bài khó thì thông qua bố mẹ liên lạc với giáo viên thì các con mới được hỗ trợ, mất thời gian.
Còn đối với độ tuổi lớn hơn, các con chủ động trong việc sử dụng các phần mềm kết nối với giáo viên thì việc học online dễ dàng hơn.
Đối với học sinh hiện đang học lớp 9 và lớp 12 đang rất được thầy cô, phụ huynh đặc biệt quan tâm bởi lẽ các em chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp sắp diễn ra do đó các em cần được ôn tập, ôn luyện cũng như thường xuyên trao đổi, thảo luận cùng giáo viên bộ môn.
Thêm 6 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học phòng dịch do virus corona |
“Ngoài việc hướng dẫn ôn tập thì các thầy cô cũng phải có kế hoạch cụ thể bởi đối với học sinh lớp 9 thì ngoài 3 môn bắt buộc còn có 1 môn mà cuối tháng 3 mới được công bố”, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) lo lắng.
Được biết, tại Điều 6, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”; “các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm” và “uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”.
Việc Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định cho phép học sinh nghỉ học là phù hợp với Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại Điều 4 của Quyết định số 2071/QĐ-BGDDT ngày 16/6/2017 Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018.
Theo đó, Điều 4, Quyết định số 2071/QĐ-BGDDT nêu rõ:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định:
a) Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
b) Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học…
Ông Nguyễn Thanh Đề cũng cho biết thêm, việc các trường đại học cho phép sinh viên được lùi thời gian nhập học sau tết là phù hợp với Luật Giáo dục đại học trong đó thể hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.