Ngày 31/01 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 01/2020/TT-BGDĐT về Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Có thời gian việc chọn sách mới hiệu quả (Ảnh: Hữu Cường-Báo giáo dục và Thời đại) |
Trong đó, Điều 8 quy định rõ: “Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa”.
Đôi điều băn khoăn
Vậy, tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách vào lúc nào khi giáo viên tiểu học hiện đang dạy 10 buổi/tuần?
Muốn chọn được bộ sách tốt cho học sinh trường mình, buộc giáo viên phải đọc hết cả 5 bộ sách. Không chỉ đọc lướt mà cần đọc suy ngẫm.
Nếu ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên tổ chuyên môn nào chỉ phải đọc sách giáo khoa chuyên môn ấy thì ở bậc tiểu học giáo viên phải ôm xô tất thảy các môn học.
Nếu tính ra lượng sách giáo viên tiểu học phải đọc trên 30 cuốn, đọc mà nghiên cứu để đưa ra nhận xét sách nào hay, dở thế nào? Để cân đong đo đếm xem sách nào tốt hơn quả không hề đơn giản.
|
Thầy cô có tâm còn làm việc hết mình, như việc bỏ thời gian đọc, nghiên cứu, phân tích ưu, khuyết của từng cuốn sách trước khi đưa ra kết luận.
Nhưng thầy cô vô tâm, kiểu “thôi kệ, sách nào mà học chẳng được?” hay “sách nào mà chẳng giống nhau?...”.
Không ít thầy cô dù có tâm cũng chẳng còn quỹ thời gian để dành cho việc đọc và nghiền ngẫm. Đơn giản chỉ vì cả ngày lên trường, tối về còn biết bao công việc như việc nhà rồi đến việc trường.
Nào là cơm nước, giặt dũ, dọn dẹp nhà cửa đến soạn bài, làm hồ sơ…chưa kể những công việc mưu sinh khác vì cuộc sống nhà giáo quá khó khăn.
Thế nên dù muốn cũng chẳng còn nhiều thời gian dành cho việc đọc, nghên cứu hơn 30 cuốn sách nên đành đọc qua loa, và học tính dựa dẫm, buông xuôi, ai sao mình vậy.
Học sinh nghỉ học là thời gian tốt nhất để giáo viên chọn sách?
|
Thời gian này, học sinh các trường đang được nghỉ học để phòng chống dịch cúm.
Mặc dù giáo viên vẫn phải lên trường dọn vệ sinh, trực trường.
Dù thế, không phải ngày 2 buổi lên lớp dạy, tối không phải soạn giáo án, làm hồ sơ.
Bởi thế, cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn trước.
Theo chúng tôi, đây chính là thời điểm để nhà trường tập trung giáo viên lại cho giáo viên đọc, nghiên cứu từng bộ sách, nêu suy nghĩ, nhận xét của mình về từng cuốn sách ấy.
Sau đó, các tổ chuyên môn sẽ họp lại để nghe nhận xét của từng tổ viên trước khi tiến hành bỏ phiếu.
Có thời gian, thầy cô sẽ có sự đầu tư tốt nhất cho việc đọc và nghiên cứu những bộ sách giáo khoa. Nhờ thế, việc chọn lựa bộ sách nào chắc chắn cũng sẽ khá chuẩn.