Để đảm bảo an toàn, học sinh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước tiếp tục nghỉ học đến ngày 16/2 phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra (còn gọi là COVID-19).
Xung quanh câu chuyện này có ý kiến đặt ra là trong thời gian học sinh ở nhà, giáo viên có được hưởng nguyên lương? Trong khi học sinh ở nhà, bố mẹ phải thay phiên nhau nghỉ làm ở nhà trông con hoặc phải nhờ người nhà hỗ trợ, đời sống gia đình có sự ảnh hưởng nhất định.
Vùng không dịch có thể đi học bình thường sau khi các trường đã khử trùng |
Trước thông tin gây tranh cãi này, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô H.Y. - giáo viên tại Hà Nội đã lên tiếng rằng thời gian này họ còn vất vả hơn những ngày đi học bình thường.
Cô H.Y. bày tỏ thẳng thắn quan điểm về công việc của giáo viên hàng ngày trong những ngày học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Corona: “Dịch viêm đường hô hấp cấp xảy ra, học sinh được nghỉ 2 tuần để bảo vệ sức khỏe cho các em, tránh lây nhiễm.
Trong lúc đó chúng tôi là giáo viên làm gì? Đi du lịch hay tụ tập vui chơi?
Xin thưa chúng tôi vẫn đến trường làm công tác phòng dịch. Giáo viên dọn dẹp vệ sinh bàn ghế bằng những loại kháng khuẩn mà cơ quan y tế cung cấp.
Chúng tôi cũng nắm tình hình học sinh hàng ngày từ phụ huynh để báo cáo ban giám hiệu. Chuẩn bị hồ sơ sổ sách cho việc giảng dạy, chuẩn bị cho các hội thi, phong trào sau Tết của ngành”.
Giáo viên cùng phụ huynh Trường Tiểu học Phú Đô (Nam Từ Liêm) làm vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn bàn ghế, phòng học. Ảnh: Tiểu học Phú Đô. |
Cô Y. khẳng định: “Không hề có chuyện chúng tôi không làm gì mà nhận lương như ai đó đã nói.
Xin chia sẻ thêm là vì sao mà những dịp học sinh nghỉ hè chúng tôi lại được hưởng nguyên lương? Vì hè chúng tôi cũng phải đi họp, đi tập huấn chuyên môn, học chính trị, trực hè...
Trong khi đó, nhiều công việc khác khi hết giờ làm việc mọi người về nhà với cái đầu nhẹ tênh không cần lo lắng điều gì. Hết giờ là hết việc. Còn chúng tôi phải mang về nhà biết bao công việc: tập vở học sinh để chấm nhận xét, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép hàng ngày, sổ thiết bị dạy học, sổ dự giờ, sổ tự học module, rút kinh nghiệm giáo án trong ngày và soạn giáo án cho ngày mai.
Rồi còn những trăn trở về học sinh học còn chậm chưa tiếp thu được bài. Chưa kể đến việc giáo viên dành thời gian nghỉ giải lao để kèm thêm cho học sinh tiếp thu chậm trong lớp.
Vậy thì chỉ 2 tháng lương cơ bản thôi có đủ cho những công việc phải làm suốt 10 tháng đó không”.
Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) làm công tác vệ sinh bàn ghế, phòng học phòng tránh dịch Corona để sãn sàng đón học sinh trở lại trường. Ảnh: TH Chu Văn An. |
Giáo viên này cũng chia sẻ những vất vả, bệnh nghề nghiệp của nghề giáo: “Có ngành nghề nào mà bị nhiều bệnh nghề nghiệp như giáo viên không? Các anh chị có hay bị viêm họng không? Còn chúng tôi viêm họng đó là bệnh mạn tính của phần lớn thầy cô giáo.
Nặng hơn nữa là bị viêm phế quản, giãn thanh quản do nói liên tục hay bị giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều. Có những giáo viên về hưu lúc 55 tuổi đến khi mới qua 60 tuổi đã không còn nữa vì những bệnh trên trở nặng hơn”.
Để phụ huynh hiểu hơn về mức thu nhập của công việc gieo chữ, giáo viên này thành thật chia sẻ: “Quý phụ huynh thử nhẩm tính xem 1.600 nhân với hệ số lương, giáo viên được bao nhiêu hàng tháng?
Tôi bắt đầu dạy học từ năm 2012 đến nay được 8 năm, mức lương tôi nhận một tháng khoảng 5 triệu đồng. Những giáo viên dạy bán trú thu nhập sẽ khá hơn một chút.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng hãy thử nghĩ xem với mức lương ấy chúng tôi sẽ xoay sở thế nào? Chúng tôi vẫn phải tiết kiệm để trang trải cho phù hợp, vẫn miệt mài với công việc của mình, vì công việc ấy mang lại sự tự hào, hạnh phúc khi hàng ngày thấy học trò trưởng thành”.
Giáo viên nghỉ phòng dịch Corona có được hưởng nguyên lương không? |
Cô H.Y. nêu quan điểm, việc học sinh được ở nhà những ngày này do yêu cầu chung chống dịch, đây là lúc khó khăn cần sự chia sẻ của cả cộng đồng, trong đó các thầy cô giáo và phụ huynh là một phần trong ấy.
Bản thân nhà trường, các thầy cô cũng muốn được đón học sinh trở lại sớm nhất, như vậy sẽ bớt vất vả cho các phụ huynh và chính lúc ấy việc dạy học của giáo viên cũng thuận lợi hơn vì có sự tập trung.
Còn với tình hình hiện tại, giáo viên giao bài rồi kiểm tra trao đổi với nhiều em trong lớp, rồi vẫn phải đến trường làm nhiệm vụ, trong khi quỹ thời gian mỗi ngày chỉ có thế thôi.
Học sinh nghỉ nhiều có thể quên bài là điều khó tránh khỏi, giáo viên phải giúp các em ôn lại trong khi bài vở chương trình cứ nối tiếp không dừng lại. Những lúc đó, giáo viên phải dạy tăng giờ vào buổi chiều, buổi tối, thứ 7, Chủ nhật.
Có nhiều phụ huynh rất lo lắng, quan tâm việc học tập của con em mình, nhưng cũng không ít phụ huynh phó mặc cho giáo viên.
Nhà trường có nhiệm vụ cung cấp, củng cố kiến thức nhưng việc thấm nhuần được kiến thức đã học hay không của học sinh cũng có vai trò của phụ huynh.
Cô H.Y. chia sẻ rằng khi nêu quan điểm này trên trang cá nhân đã nhận được sự đồng cảm từ đồng nghiệp, đặc biệt rất nhiều phụ huynh thấu hiểu sự vất vả công việc của các thầy cô trong những ngày học sinh nghỉ học để phòng dịch.