Nói “giáo viên nghỉ dạy mà hưởng nguyên lương” là không hiểu gì về giáo dục

13/02/2020 06:11
Phương Linh
(GDVN) - Thầy Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, thời gian chống dịch giáo viên vẫn giao bài cho học sinh với khẩu hiệu được áp dụng rõ ràng là “nghỉ dịch chứ không nghỉ học”.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang cho gần 2 triệu học sinh các cấp nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) gây ra.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện ý kiến cho rằng việc nghỉ học liên tục, dài ngày như vậy có làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh hay không?

Giáo viên đang công tác trong ngành có được trả lương trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh hay không?

Ngày 11/2/2020, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đông Dương, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, thực tế là thầy cô giáo của nhà trường hoàn toàn không được nghỉ.

Thầy Nguyễn Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đông Dương, quận Gò Vấp (ảnh: CTV)
Thầy Nguyễn Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đông Dương, quận Gò Vấp (ảnh: CTV)

Ngay sau khi thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học từ đợt đầu tiên, nhà trường đã triển khai ngay các biện pháp hướng dẫn học sinh học trực tuyến (online).

Hàng ngày, thầy cô giáo sẽ giao bài tập qua hệ thống mạng xã hội, group chat cho học sinh, với khẩu hiệu được áp dụng rõ ràng là “nghỉ dịch chứ không nghỉ học”, nhằm duy trì nề nếp, nhịp học tập của học sinh.

Chống dịch Corona, nhiều giáo viên vất vả hơn bình thường
Chống dịch Corona, nhiều giáo viên vất vả hơn bình thường

Mỗi ngày, từ 16h – 19h, từng giáo viên một sẽ có báo cáo cụ thể cho Ban Giám hiệu từng học sinh một, tiến độ học tập, làm bài ra sao?

“Nếu trong trường hợp cần thiết, Ban Giám hiệu sẽ có can thiệp trực tiếp với phụ huynh. Quan trọng nhất vẫn là giữ vững ý thức học tập của các em học sinh”, thầy Phúc chia sẻ.

Theo đánh giá của thầy Nguyễn Văn Phúc, những ngày này, giáo viên còn làm nhiều công việc, chịu áp lực nhiều hơn là những ngày đi dạy bình thường.

Ví dụ: Thầy cô vẫn phải lên kế hoạch dạy học sinh khi đi học lại, vẫn phải hướng dẫn và cho học sinh bài tập về nhà làm (qua mạng), mà vẫn phải giữ vững chất lượng, nhịp học tập của từng em học sinh.

Do đó, nhà trường vẫn phải chấm công và trả lương cho giáo viên bình thường.

Báo cáo tình hình học tập của học sinh từ thầy cô giáo Trường Đông Dương (ảnh: CTV)
Báo cáo tình hình học tập của học sinh từ thầy cô giáo Trường Đông Dương (ảnh: CTV)

Trước thông tin nói rằng “giáo viên nghỉ dạy mà vẫn được hưởng nguyên lương”, thầy Phúc nhấn mạnh: “Nếu nói như vậy là hoàn toàn không hiểu gì về ngành giáo dục”.

Ngoài ra, theo thầy Nguyễn Văn Phúc, trong những tình huống khó khăn thì lại xuất hiện những cái mới của ngành giáo dục.

Đây còn là cơ hội để đánh giá đúng những tác dụng của việc học online ở khắp mọi nơi. Trong tình hình như hiện nay, đánh giá sai hình thức học này là đi chệch hướng với xu thế hiện đại.

Còn tại Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3, thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa – Phó Hiệu trưởng nói, nhà trường đã giao cho các tổ chuyên môn tiến hành giao bài tập cho học sinh qua hệ thống mạng xã hội, hoặc là qua các giáo viên chủ nhiệm của các lớp.

Đồng thời, những nội dung cụ thể này còn được đưa lên Cổng thông tin điện tử của nhà trường. Việc này nhằm để các em học sinh nghỉ ở nhà, nhưng vẫn ôn bài, làm bài tập.

Giáo viên chấm điểm cũng chỉ là để khuyến khích cộng thêm, chủ yếu để các em đừng quên các kiến thức đã học, chứ hoàn toàn không tạo áp lực gì cho các em.

Phương Linh