Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), đã đến dự và chia sẻ:
“Vấn đề thứ 3 tôi muốn nói, như cuộc họp lần trước chúng ta đã nói đến việc này, và hôm nay xin phép được nói lại về thực trạng, quy định số mét vuông đất cho 1 học sinh và số tầng khi xây trường.
Nếu như áp quy hoạch của năm 2012 vào là chỉ được xây 3 tầng với trường tiểu học và 6 m2 cho 1 học sinh, rồi lại bắt chúng tôi nếu không được như vậy thì phải chịu thuế. Như vậy là không hề tạo điều kiện, cứ ép như vậy thì chúng tôi sẽ rất khó để làm xã hội hóa.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu là tính sơ bộ 1 năm ở Hà Nội thì hệ thống trường tư đã giải quyết được khoảng 2 nghìn tỷ đồng đỡ cho ngân sách.
Đấy là 2 nghìn tỷ đồng có thể mới tính trên đầu học sinh thôi, nhưng mọi người không biết được là chúng tôi phải nộp thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân là bao nhiêu? Giáo viên trường tôi lương cao nên mức đóng thuế cũng rất lớn.
Đất Hà Nội bố trí xây trường cứ teo dần do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện? |
Vậy nên việc xã hội hóa nó đã đỡ được rất nhiều cho ngân sách nhà nước. Nhưng ngược lại việc tạo điều kiện cho chúng tôi thì không có và rất khó khăn.
Chúng tôi không hề muốn quá tải học sinh, nhưng khi chúng tôi đã tuyển sinh xong hết rồi thì “ông nọ bà kia” gọi điện đến xin, và hiện nay chúng tôi đang bị một thực trạng như vậy.
Trong khi trường công quá tải một lớp tới 60 học sinh thì không thấy ai nói gì. Tuy nhiên đông như vậy nhưng chúng tôi có một quy định rất ngặt nghèo là sĩ số của trường chúng tôi chỉ 30 đến 32 học sinh 1 lớp, không bao giờ lên đến con số 33.
Tôi là một người làm giáo dục và cũng có hơn 20 đứng trên bục giảng, vậy mà tôi không thể tưởng tượng được một lớp có 60 - 70 học sinh thì giáo viên sẽ dạy như thế nào?
Theo tôi lớp đông như vậy chính là nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh phải đi học thêm!
Sao trường công trước khi vào lớp 1 thì học sinh phải đi học thêm? Với số lượng học sinh đông như vậy thì làm sao các cô chăm chút được từng em một.
Tại sao chúng ta không chuyển một số trường hiện nay không phát triển như Trung học chuyên nghiệp, các trường Cao đẳng ra ngoại thành hoặc chuyển đổi nhưng trường đó thành các trường phổ thông công lập”?.
Đến dự buổi tọa đàm có: Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14. Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest. |