Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập bảo hiểm xã hội Việt Nam (16/02/1995-16/02/2020), ngày 15/02, tại Hà Nội, bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 (Hội nghị), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Công an nhân dân,… cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía bảo hiểm xã hội Việt Nam có: bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc; các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc…
Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có: Đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và bảo hiểm xã hội các huyện.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của nhân dân. |
25 năm - Vững trụ cột an sinh
An sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng đã được Đảng và Bác Hồ đặt ra ngay từ khi Đảng ta mới được thành lập.
Tư tưởng đó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta. Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội theo pháp luật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam bắt đầu triển khai nhiệm vụ trong toàn hệ thống từ ngày 01/10/1995.
Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển giao tổ chức bộ máy và nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm y tế từ bảo hiểm y tế Việt Nam sang bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong quá trình hình thành và phát triển, bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chỉ hai năm sau khi bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức được thành lập, ngày 26/5/1997, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH.
Ngày 07/09/2009, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới.
Các quan điểm này tiếp tục được kế thừa và thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội …
Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói chung và bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận Giải thưởng Thành tựu của Hiệp hội An sinh xã hội Thế giới. |
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành bảo hiểm xã hội luôn chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện nhiều dự Luật quan trọng trình Quốc hội thông qua, làm hành lang pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động...
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện. Chính sách bảo hiểm xã hội từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ công chức viên chức Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho mọi người lao động theo hai hình thức: bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động có quan hệ lao động theo quy định và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Chính sách bảo hiểm y tế liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 25 năm qua có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân về giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng.
Đại diện các tổ chức thành viên ASSA chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị ASSA 36. |
Công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể: Số người tham gia bảo hiểm xã hội đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995.
Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện từ kể từ năm 2008-2018.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm y tế là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. (Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, nước bạn phải mất lộ trình triển khai từ 40 đến 80 năm).
Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian.
Cuối năm 2019, tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn Ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu bảo hiểm tự nguyện đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu bảo hiểm y tế đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004).
Những con số ấn tượng từ nỗ lực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.
Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là hết sức quan trọng, ngành bảo hiểm xã hội đã luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số nợ bảo hiểm xã hội năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển Ngành.
Con số này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động.
Đến nay, toàn Ngành luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được kịp thời, đúng quy định.
Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).
Từ năm 2003 đến 2019, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 1.924 triệu lượt người.
Số lượt người được khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người.
Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 28%, thì đến giai đoạn 2015-2019, đã đạt 43%.
Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Định Liệu trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động Tổng Công ty May 10. |
Qua 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, trong hành trình ¼ thế kỷ, ngành bảo hiểm xã hội đã nỗ lực không ngừng để tạo nên những dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dần hoàn thiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; khẳng định được vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống ngành bảo hiểm xã hội được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và Nhân dân.
Công tác quản lý tài chính được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đảm bảo phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội.
Hoạt động đầu tư quỹ đảm bảo đúng quy định, tỷ lệ lãi suất đầu tư bình quân luôn tăng trưởng dương, cao hơn tăng trưởng kinh tế và cao hơn chỉ số lạm phát, được kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá và ghi nhận là an toàn, hiệu quả và có tăng trưởng.
Quỹ bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia bảo hiểm xã hội.
Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả
Đến nay, sau 25 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, toàn Ngành bảo hiểm xã hội đã có gần 20.000 công chức viên chức, với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố; đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Trong những năm qua, nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, đồng thời ý thức rõ về trách nhiệm phục vụ Nhân dân, ngành bảo hiểm xã hội đặc biệt coi trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.
Quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm hài lòng tổ chức và cá nhân tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được tập trung, quyết liệt, đồng bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2012 xuống còn 27 thủ tục hành chính năm 2019).
Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng bảo hiểm xã hội qua mạng Internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).
Người lao động của Tổng Công ty May 10 tìm hiểu thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội của bản thân. |
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 (Doing Business 2018) công bố tháng 10/2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017).
Trong đó, chỉ số nộp thuế, bảo hiểm xã hội xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017); nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (thứ 7/190), Thái Lan (thứ 67/190), Malaysia (thứ 73/190).
Ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn từ năm 2015, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.
Đến nay đã đạt được các kết quả ấn tượng như: xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh bảo hiểm xã hội cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; đã cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành bảo hiểm xã hội, là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế kết nối, liên thông giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc…
Đặc biệt, trong năm 2019, ngành bảo hiểm xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các mảng hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của Ngành đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ bảo hiểm xã hội với người dân và doanh nghiệp.
Trong 03 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đánh giá bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công.
Song song đó, xác định nhân tố con người luôn là yếu tố tiên quyết trong việc tổ chức, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, trong 25 năm qua, tổ chức bộ máy cơ quan bảo hiểm xã hội luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao và từng bước được kiện toàn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại; giảm đầu mối, giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp thắc mắc về Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10/7/2019.
Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực; thông qua hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế và hình ảnh là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới, hướng tới sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, vì mục tiêu phát triển sự nghiệp an sinh xã hội bền vững tại Việt Nam.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, trong 25 năm xây dựng, phát triển, ngành bảo hiểm xã hội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2000 được tặng Huân chương Lao động hạng nhất; năm 2004 được tặng Huân chương độc lập hạng ba; năm 2009 được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục hướng tới sự hài lòng của Nhân dân
Trong chặng đường mới, với những kết quả đạt được của 25 năm, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đặt ra 09 giải pháp trọng tâm của Ngành và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể:
Một là, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 125/NQ-CP (theo các lộ trình đến năm 2020, 2021, 2025, 2030).
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phát triển ngành bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Ba là, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bốn là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu cuối cùng |
Sáu là, tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia.
Bảy là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên nâng cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tám là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; hoàn thiện và triển khai Đề án "Nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo đối với công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội gắn với kết quả hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, độc lập với ngân sách Nhà nước”.
Chín là, thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Thay mặt tập thể lãnh đạo, công chức viên chức bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan báo chí và hơn hết là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của các thế hệ cán bộ công chức viên chức trong toàn Ngành bảo hiểm xã hội.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được của 25 năm qua, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng giao phó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.