Ngày 20/2, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức phiên họp bàn về những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch. Ngay trong Tết, Thủ tướng đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, đưa ra những chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, trong đó nêu rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Chúng ta đã thành lập gần 90 bệnh viện dã chiến. Với tinh thần và quyết tâm cao như vậy, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh ngay tại cơ sở, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Cả nước có 16 ca nhiễm thì đến nay, đã chữa khỏi, xuất viện 14 người, trong đó có em bé 3 tháng tuổi.
Công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, gồm cả công tác phát hiện, điều trị, công tác nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao.
Không chỉ thực hiện mục tiêu chống dịch, Thủ tướng cho biết, chúng ta còn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội để giữ nhịp độ tăng trưởng, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện mục tiêu kép là vấn đề rất khó nhưng chúng ta quyết tâm chỉ đạo thực hiện.
Nhờ đó, không khí sản xuất, kinh doanh làm ăn, đi lại đã trở lại nhịp độ khá tốt thời gian gần đây. Tất nhiên là dịch có ảnh hưởng nhưng không có tình trạng những công việc bình thường bị ngưng trệ, đầu tư vẫn được tiếp tục, Thủ tướng nói. Việc phát động phong trào thi đua yêu nước đang đặt ra rất lớn để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2020.
Thủ tướng cho biết, ngay sau khi 2 ca bệnh đầu tiên (người Trung Quốc) mắc virus Corona tại Việt Nam được chữa khỏi, Thủ tướng đã ngay lập tức quyết định khen thưởng các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng về việc khen thưởng đội bay thực hiện nhiệm vụ quốc tế đưa hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc và đón 30 công dân về nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cũng đề xuất khen thưởng nhóm bác sĩ bay cùng để khám cho các công dân này. Như vậy, có ít nhất 3 bằng khen đột xuất tặng cho những người có công trong phòng, chống dịch.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng, công tác thi đua khen thưởng, các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp đã góp phần tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi, làm cho đất nước khởi sắc. “Chúng ta rất vui mừng là qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình tập thể, cá nhân với hàng vạn sáng kiến, giải pháp hữu ích, đóng góp tích cực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Các phong trào thi đua có nhiều đổi mới sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị. Bốn phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phát động đã triển khai có hiệu quả, trở thành nòng cốt, định hướng các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành.
Đặc biệt, phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đã được phát động rộng khắp, vì thế, chúng ta đến đích trước gần 2 năm với gần 53% số xã và trên 16% số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở tạo chuyển biến tích cực, hướng tới nền hành chính phục vụ người dân.
Công tác khen thưởng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hơn tính công khai, minh bạch, đúng quy định, chấn chỉnh tình trạng “thành tích ít mà nói cho nhiều”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Năm 2019, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã tiến hành khen thưởng trên 110.000 trường hợp, trong đó khen thưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen chuyên đề, đột xuất chiếm 8,79% và khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chiếm trên 25%. Đây là con số rất đáng khích lệ.
“Có thể nói, một khí thế mới, một niềm tin vào tương lai dân tộc với khát vọng đưa Việt Nam hùng cường đã được đưa vào phong trào thi đua yêu nước, thành động lực to lớn góp phần vào hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó”, Thủ tướng chỉ rõ.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phong trào thi đua ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên. Việc tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm.
Công tác khen thưởng thông qua phát hiện, tìm các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động chưa tạo sự chuyển biến đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương và cơ sở.
Tổ chức, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng ở một số bộ, cơ quan chưa ổn định, trong đó 24 tỉnh không có thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng là cựu chiến binh, những người có tiếng nói rất thẳng thắn.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tổ chức phát động các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước. Các bộ, ngành, địa phương phát động các đợt thi đua cao điểm, thi đua nước rút tập trung giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không được chủ quan, chúng ta có yêu cầu rất nghiêm khắc đối với các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc không chỉ để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà mục tiêu rất quan trọng là giữ vững phát triển kinh tế của đất nước, không vì dịch bệnh mà ngưng trệ các hoạt động của xã hội. Điều này đòi hỏi tinh thần yêu nước, một quyết tâm ý chí rất lớn.
Thủ tướng mong người dân tin tưởng, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở” khi mà hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa phục vụ tốt người dân, chỗ này chỗ khác còn kêu ca nhiều.
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phải tham mưu tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X để thực sự là Đại hội biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong toàn quốc, là kết tinh thành quả của các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua; đồng thời tiếp tục phát động sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, bảo đảm trang trọng, thiết thực với nội dung, hình thức phong phú, tiết kiệm; lựa chọn, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, xứng đáng nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Về công tác khen thưởng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích. Về dự án Luật Thi đua – Khen thưởng (sửa đổi), cần có sự nghiên cứu, xem xét một cách tổng thể, toàn diện, nhất là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, theo quy định của pháp luật.