Học sinh Sài Gòn làm bài kiểm tra qua thiết kế infographic

01/03/2020 06:34
Cao Nguyên
(GDVN) - Nghỉ phòng dịch Covid-19, học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế infographic lấy điểm kiểm tra môn Ngữ văn.

Nhằm giúp học sinh tiếp cận cuộc đời, sự nghiệp tác giả và cảm thụ tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình trung học phổ thông, tổ Ngữ văn Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình ngoại khóa: Nhà văn Việt Nam: Chân dung và ngòi bút.

Đối tượng tham gia là học sinh cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Học sinh làm bài tại nhà, có thể làm bài cá nhân hoặc theo nhóm nhưng tối đa chỉ được 03 người.

Học sinh/nhóm học sinh chọn 01 trong các đề tài và nộp bài đúng thời gian quy định cho giáo viên bộ môn, cụ thể:

Chân dung văn học: Thiết kế một infographic về một tác giả văn học Việt Nam trong chương trình đang học.

Tác phẩm văn học: Thiết kế một infographic về sơ đồ tư duy một tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình đang học.

Tác phẩm trong mắt em: Thiết kế, trang trí infographic 3 nhan đề tác phẩm văn học văn học Việt Nam trong chương trình đang học.

Học sinh được phép tham khảo tài liệu từ sách giáo khoa và các nguồn khác có nguồn gốc xuất bản rõ ràng, tin cậy. Cần tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn nếu gặp khó khăn khi xử lí các thông tin sưu tầm từ Internet.

Ảnh do nhóm Bến Sông Văn cung cấp
Ảnh do nhóm Bến Sông Văn cung cấp

Bên cạnh đó, thông tin phải chắt lọc, chọn lọc từ khóa, tránh trình bày quá nhiều chữ, đảm bảo chính tả, không chêm tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, thiết kế đạt yêu cầu thẩm mỹ, bố cục cân đối, màu sắc hài hòa, kiểu chữ rõ ràng, đọc được trên màn hình điện thoại. Thiết kế sáng tạo, có phong cách riêng là một lợi thế để có điểm cao.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện nhóm Bến Sông Văn (tổ Ngữ văn) Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết, với bài kiểm tra này, học sinh được tính điểm hệ 1 của học kì 2 năm học 2019-2020.

Ảnh do nhóm Bến Sông Văn cung cấp
Ảnh do nhóm Bến Sông Văn cung cấp

Học sinh chỉ cần đảm bảo về nội dung là đạt điểm 6; hình thức hài hòa, cân đối rõ ràng thì được thêm 2 điểm; thiết kế đẹp, sáng tạo, độc đáo được thêm 2 điểm nữa.

“Bài tập này còn giúp học sinh nâng cao năng lực đọc-hiểu và khơi dậy lòng yêu thích môn Ngữ văn, phát huy năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tự chủ và tự học, năng lực thẩm mỹ, năng lực tin học, năng lực công nghệ, kỹ năng sưu tầm, biên tập, dàn trang…”, đại diện nhóm Bến Sông Văn nói thêm.

Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh
Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh

Thời gian gian học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19, chủ yếu các em được thầy cô hướng dẫn tự làm bài tập ở nhà hoặc học online.

Tổ Ngữ văn của Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho học sinh thiết kế infographic lấy điểm kiểm tra là một cách làm hay, sáng tạo, gây hứng thú cho học sinh trong việc học tập.

Cách thiết kế infographic như thế này giúp cho học sinh hệ thống hóa về tác giả, tác phẩm và khắc sâu nội dung kiến thức bài học.

Bởi, infographic là hình thức đồ họa trực quan, sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức thể hiện những thông tin phức tạp một cách nhanh và rõ ràng.

Điều này sẽ giúp cho người đọc có thể nắm bắt những ý chính của thông điệp một cách nhanh chóng, thay vì phải đọc một loạt những thông tin dài dòng.

Những infographic thường được bố trí khoa học, đẹp mắt giúp người đọc dễ hiểu, có thể nắm đủ thông tin chủ đề mà mình muốn xem.

Tài liệu tham khảo:

//designs.vn/tin-tuc/infographic-la-gi-_14443.html#.XlUPRuk3vIU 

Cao Nguyên