Phòng tránh dịch bệnh SARS-Cov-2, học sinh cả nước được nghỉ học nhiều ngày. Vì sợ học sinh mãi chơi quên kiến thức, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hữu ích để giúp các em học sinh học tập, ôn luyện mỗi ngày.
Giáo viên huyện Tương Dương lên tận bản đưa đề ôn tập cho học sinh (Ảnh CTV) |
Nỗi nhọc nhằn không thể nói thành lời
Nếu như ở những vùng thành thị, nhà trường chọn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để thầy trò cùng kết nối trao đổi kiến thức thì tại vùng rừng núi tỉnh Nghệ An các trường học lại chọn cách mang bài học đến từng nhà cho học sinh ôn tập.
Giáo viên huyện Tương Dương đang chỉ bài cho học sinh ôn tập (Ảnh CTV) |
Do vùng này hệ thống mạng còn chập chờn, có địa phương không có điện, không có sóng điện thoại nên thầy trò khó cùng nhau tương tác trên các ứng dụng điện tử.
Giáo viên huyện Tương Dương đến tận nhà giao bài cho học sinh (Ảnh CTV) |
Để có những tập đề cương trao tay cho học sinh, nhiều giáo viên cắm bản phải vượt rừng xuống thị trấn Mường Xén photocopy đề cương ôn tập đem về..
Và hằng ngày, trên các nẻo đường nơi Kỳ Sơn, Tương Dương, nhiều người thường bắt gặp các thầy cô giáo trên xe chở thùng tài liệu đến với các bản làng nơi gần cũng như nơi xa xôi.
Có những nơi giáo viên không thể đi xe mà len lỏi trên những con đường dốc đá chênh vênh, những con đường mưa trơn nhầy nhụa, những con đường phải đi qua nhiều ngọn núi, khe suối lại còn sạt lở nên khá mất an toàn.
Nhiều khi phải đi cả đường thủy và tự chèo thuyền hoặc thuê thuyền của dân vì nhà các em ở bên lòng hồ Bản Vẽ.
Được biết, mùa này nơi đây mưa và lạnh, sương mù dày đặc, đường dốc đứng quanh co, thầy cô chân mang ủng, tay ôm tập đề cương không ít lần té lên té xuống nhưng vẫn phải gắng gượng đứng dậy để đi tiếp.
|
Đến nơi, tìm được nhà đôi khi cũng chẳng gặp được trò vì nhiều em theo cha mẹ lên nương rẫy và ở lại.
Đâu chỉ đi một lần, cứ vài ba hôm thầy cô phải quay lại để đổi đề và giảng giải những điều học sinh cần hỏi.
Cách ôn tập này có hiệu quả không?
Chúng tôi đã trực tiếp nói chuyện với khá nhiều giáo viên những thầy cô đang trực tiếp mang đề vượt rừng đến nhà học sinh. Nhiều người cùng chung một nhận xét làm theo chỉ thị của cấp trên, làm theo phong trào chứ thật sự chẳng hiệu quả gì.
Nói rồi, một giáo viên giải thích: Học sinh vùng này ngày 2 buổi đến trường dưới sự kèm cặp của giáo viên còn không học bài, không làm bài tập thì làm gì bây giờ đưa bài tập xuống mà chúng làm cho?
Trong khi, phần lớn phụ huynh không thể dạy kiến thức cho con và không có thói quen dạy cho con học.
Một số thầy cô giáo khác cho biết thêm, khi nghỉ Tết, học sinh chỉ mang chiếc ba lô với ít bộ quần áo còn sách vở, bút viết để luôn tại trường. Nay, bảo chúng ôn bài lấy gì mà ôn?
Nói rồi, thầy cô khẳng định: “Không phải chúng tôi chối bỏ trách nhiệm, không phải thấy khổ mà than, mà không muốn làm. Một lớp cũng chỉ dăm em chịu học còn phần đông khá lười.
Nếu thật sự các em ham học, cần học chúng tôi cũng chẳng tiếc công. Nhưng đằng này, nhiều em khi phát đề cương thế nào khi thu lại vẫn như thế ấy nên buồn chán thấy không thực tế”.
Chủ trương có tâm nhưng việc làm không hiệu quả thấy thương cho giáo viên nơi này
|
Chủ trương mang bài tập đến nhà từng học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho thấy lãnh đạo ngành giáo dục nơi đây luôn trăn trở vì học sinh của mình.
Trong một lần nói chuyện với thầy Thái Văn Thành Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chúng tôi càng hiểu hơn điều này.
Thầy Thành cho biết, học sinh nghỉ học mà không kiểm soát kĩ các em ở nhà còn nguy hiểm hơn. Khi các em nghỉ học, giáo viên sẽ vất vả nhiều hơn khi phải lên kế hoạch ôn tập, phải đến tận nhà giúp đỡ các em học tập.
Và nay, thầy cô giáo của tỉnh Nghệ An đang ngày đêm nỗ lực về việc ôn tập cho học sinh tại nhà. Chỉ tiếc rằng công sức của những giáo viên huyện miền núi bỏ ra không ít nhưng hiệu quả thu được lại chẳng như mong đợi. Hỏi phải biết làm sao đây?